Ngăn chặn “rác” độc trên không gian mạng: Quyết liệt xử lý

Chủ Nhật, 15/11/2020, 10:47
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã gỡ bỏ, vô hiệu hóa hàng ngàn video xấu, độc hại, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất.

Hệ lụy từ các video có nội dung xấu, độc hại đã rõ thế nhưng không ít người vì lợi nhuận và câu view vẫn bất chấp để tiếp tục sản xuất những video này.

Gỡ bỏ, vô hiệu hóa hàng nghìn video xấu, độc

Trả lời chất vấn đại biểu tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội ngày 8-11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi tháng các bộ phận chức năng của Bộ TT&TT đã gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất video xấu độc.

Bộ TT&TT đã đạt được tỷ lệ tháo gỡ video của YouTube lên đến 90%. Qua theo dõi của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, trong những năm gần đây, tình trạng phát tán thông tin xấu độc diễn ra khá phổ biến nhưng chỉ tập trung ở các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế và các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới là Facebook và YouTube.

Thời gian qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cũng đã phát hiện hàng loạt trang mạng có nội dung độc, hại, nhảm nhí, giật gân trên mạng; phát hiện hàng loạt thông tin xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thông tin nhảm, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, cổ xúy tệ nạn xã hội, lối sống lệch lạc.

Có thời điểm, nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự tạo lập các trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, YouTube đăng tải hàng trăm hình ảnh, video về cuộc sống giang hồ, xã hội đen đã trở thành hiện tượng được hàng triệu người dùng mạng theo dõi trong đó điển hình là đối tượng Ngô Bá Khá hay còn gọi là Khá “bảnh”. Khá “bảnh” có 4 kênh YouTube với hơn 2 triệu người theo dõi.

Ngoài ra, một số các cá nhân là các vlogger có lượng người theo dõi lớn thường xuyên sản xuất các nội dung nhảm, phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục trong đó phải kể đến là kênh YouTube của Hưng Vlog với gần 3 triệu người theo dõi mới đây đã bị xử phạt 2 lần với 17,5 triệu đồng. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã thường xuyên rà soát và phát hiện 425 trang mạng cung cấp các nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên mạng Internet.

Đối với các trường hợp chủ thể trong nước, xác minh được thông tin, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xử lý 32 trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Qua xử lý đã gỡ bỏ hơn 300 bài viết, bình luận có nội dung xấu độc. Đối với các thông tin được đăng tải trên Facebook, YouTube, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.337 video clip, 3 kênh YouTube gồm 2 kênh của Khá “bảnh” và 2 kênh của Dũng trọc Hà Đông; yêu cầu Facebook gỡ bỏ 544 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage trên Facebook có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện…

Cục đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật; đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Nguyễn Văn Hưng tức Hưng Vlog đã bị xử phạt 2 lần vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc trên YouTube.

Tạo “bức tường lửa”,  tăng khả năng tự vệ với video xấu, độc

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, mạng xã hội là tấm gương phản chiếu của cuộc sống thực tiễn, những hành động nào ở ngoài đời sống thực tế được coi là nhảm, là độc thì trên mạng xã hội cũng như vậy. Nội dung trên mạng xã hội sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật cũng như các quy tắc đạo đức của người Việt. Tất cả những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi tương tác trong không gian lãnh thổ Việt Nam buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Việc phạt tiền đối với các kênh sản xuất nội dung xấu chỉ là một phần của câu chuyện. Hiện nay, không ít người làm nội dung vì lợi nhuận hoặc câu view sẽ tìm cách lách luật hoặc đưa những nội dung của mình tiệm cận vào mức độ bị phạt hoặc bị cấm như sử dụng các câu từ lóng, từ viết tắt, thay vì mặc hở thì mặc mỏng…

Cái cần có ở đây là một cơ chế hiệu quả hơn để giảm uy tín, giảm lượt xem, lượt theo dõi của những kênh sản xuất video, nội dung nhảm, độc. Tuy nhiên, nếu sau khi phạt tiền mà lượng người theo dõi, lượt xem vẫn không hề thay đổi thì cần phải xem xét lại phương pháp.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, cũng nên  khuyến khích người xem chủ động báo cáo những nội dung độc, hại cho nhà cung cấp dịch vụ. Gần như bất kỳ mạng xã hội nào cũng có chức năng báo cáo - report những video, nội dung phản cảm cho người dùng.

Khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được nhiều báo cáo về cùng một nội dung xấu, chủ kênh có thể bị giảm mức độ tương tác hoặc thậm chí bị loại bỏ ra khỏi hệ thống. Mặt khác, tiếp tục tôn vinh những người làm nội dung tốt. Càng nhiều nội dung tích cực, nội dung tốt thì tỉ lệ nội dung xấu càng ít. Không ít kênh nội dung tốt, đầu tư có tới hàng trăm, thậm chí hàng triệu người theo dõi, sức ảnh hưởng tới cộng đồng là không hề nhỏ.

Còn theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, để giảm thiểu thông tin xấu, độc trên không gian mạng, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí để mỗi người dân có ý thức chấp hành pháp luật, không thực hiện hành vi vi phạm đạo đức, lan truyền thói hư, tật xấu… vì lợi nhuận.

Tăng cường công cụ kiểm duyệt nội dung, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp không chấp hành. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin mạng.

Các bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh thông tin mạng. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm rõ ràng để răn đe, làm gương. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để có hành lang pháp lý chặt chẽ xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, các cơ quan chức năng cần tạo ra “bức tường lửa” để ngăn chặn các thông tin xấu, độc mà ông gọi chung là thông tin “đen” trên không gian mạng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần làm việc với các nhà mạng có máy chủ ở nước ngoài để ngăn chặn triệt để các thông tin này.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải biết “tự vệ” - tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu, độc trong đó có các video xấu, độc. Đối với lứa tuổi trẻ nhỏ, tầng lớp thanh thiếu niên- khả năng “tự vệ” còn yếu ớt cần có sự kết hợp của gia đình, nhà trường để hướng dẫn, giáo dục các cháu có khả năng phản ứng “tự vệ” với các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Để mạnh tay hơn với video nhảm nhí độc hại, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị người dân, các tổ chức khi phát hiện video xấu, độc liên quan thì báo đến đường dây nóng của Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu gỡ bỏ 100% video xấu, độc bị phát hiện, phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc để kịp thời ngăn chặn; phối hợp các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ra văn bản hướng dẫn thế nào là video vi phạm thuần phong mỹ tục…
Nguyễn Hương -Xuân Mai
.
.
.