Năm suy ngẫm từ ba vụ việc nóng

Thứ Hai, 18/11/2019, 20:36
Ba quyết định kỷ luật đã được đưa ra, chúng ta hãy coi đó là sự cảnh tỉnh để soi chiếu, tu chỉnh mình sao cho không lặp lại điều tương tự. 


Trong một ngày (18-11), ba thông tin được đưa ra: kỷ luật giáng cấp bậc hàm và cho ra khỏi ngành đối với Đại úy Lê Thị Hiền, cán bộ Công an quận Đống Đa, Hà Nội và tước danh hiệu CAND đối với Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng CSKT Công an tỉnh Lai Châu. Đối với trường hợp Thượng úy Nguyễn Xô Việt, cán bộ Công an Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên, đã cho giáng cấp bậc hàm xuống Trung uy và cho xuất ngũ. Đây là 3 vụ việc liên quan đến cán bộ, chiến sĩ công an gây dư luận xấu trong thời gian qua, được đăng tải nhiều bài viết, bình luận, clip trên báo chí, mạng hội...

Trong 3 vụ việc trên thì 2 trường hợp liên quan đến hành vi, ứng xử của người cán bộ, chiến sĩ CAND. Vụ việc gây sự chú ý lớn trong dư luận, do đó, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách sâu kỹ hơn, soi chiếu lại hành vi, ứng xử để làm sao những điều tương tự sẽ không lặp lại với chính mình và đồng đội của mình.  

Tôi thấy có 5 vấn đề suy ngẫm sau:

Thứ nhất, về hành vi: Hành vi của nguyên Đại úy Lê Thị Hiền và nguyên Thượng úy Nguyễn Xô Việt đều không diễn ra khi làm nhiệm vụ mà là thái độ, hành vi ứng xử nơi công cộng. Về nguyên tắc, hành vi, ứng xử nơi công cộng, mỗi người đều phải thực hiện theo đúng chuẩn mực đạo đức và đúng quy định luật pháp. Người là cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu, tức ý thức, mức độ chấp hành đặt ra cao hơn; nếu vi phạm phải bị xử lý nặng hơn. Trong CAND cũng quy định rất rõ hành vi, chuẩn mực ứng xử, trong đó có cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, thực chất là thể hiện một cách cụ thể từ lời dạy của Bác Hồ “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”. 

Cả hai hành vi của nguyên Thượng úy Nguyễn Xô Việt (lấy hàng tại quầy không trả tiền, lại mắng chửi, xâm phạm người khác) và nguyên Đại úy Lê Thị Hiền (chửi bới, xúc phạm người khác tại sân bay, gây rối trật tự công cộng) đều vi phạm ngay nguyên tắc ứng xử thông thường, rất phản cảm. Hành vi ứng xử như vậy là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, tác phong, vi phạm quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ CAND, xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm người khác.  

Thứ hai, vụ việc là sự cảnh tỉnh với mỗi người, mỗi cán bộ, chiến sĩ mang trên mình quân hàm đỏ. Sinh thời, Bác Hồ dạy “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”. Chữ “quan cách mạng” trong câu nói của Bác Hồ có ý nghĩa thời sự với mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND. Công an được pháp luật giao những quyền năng đặc biệt mà ngành khác không có, người cán bộ, chiến sĩ công an khi đảm nhận quyền năng đó phải ý thức được trách nhiệm và quyền hạn của mình. Hãy luôn nhớ rằng: Quyền hạn là luật pháp giao thì phải làm đúng hành lang luật pháp và quyền hạn đó là để phục vụ công việc, phục vụ nhân dân. Nếu ai đó nhận thức rằng, vì quyền năng đó mà mình lớn hơn, oai hơn, ghê gớm hơn, phải thể hiện cho người khác “biết mình là ai” thì đó là nhận thức sai lầm, chính là biểu hiện của tư tưởng “quan cách mạng”. 

Khi xem clip Nguyễn Xô Việt sai con lấy xúc xích không trả tiền, ngồi vênh váo rồi lại đe nẹt, ném, tát nhân viên bán hàng và bảo vệ, chúng ta ai cũng buồn lòng với cách ứng xử không đạt mức cơ bản.

Việc trên là của 2 cá nhân nhưng nó không còn giới hạn ở việc riêng nữa. Trong công việc, trong cuộc sống, nếu ai đang có suy nghĩ đó, quan điểm đó thì hẳn đây là bài học hữu ích cho mình, bài học của người mà cảnh tỉnh chính mình. Nếu nghĩ mình “quan cách mạng” thì sẽ hành động sai lệch, sai không ở nơi này thì nơi khác một khi mà tư tưởng, quan điểm đã sai. Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng thể hiện rõ tinh thần này, mục đích là xử nghiêm sai phạm không chỉ nhằm xử phạt cá nhân vi phạm mà ý nghĩa lớn hơn để giữ nghiêm kỷ cương phép tắc nhằm giáo dục, phòng ngừa chung, cảnh tỉnh, răn đe chung.  

Thứ ba, qua các vụ việc cho thấy quan điểm xử lý khách quan, nghiêm minh của Bộ Công an và Công an các địa phương. Vụ việc được phóng viên báo chí đề cập tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ và bên hàng lang Quốc hội. Trả lời phóng viên báo chí, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Hà Nội – những địa phương xảy ra sự việc cán bộ sai phạm, đều khẳng định rõ quan điểm kiên quyết xử lý, đảm bảo nghiêm minh. Và thực tế xử lý kỷ luật như trên đã cho thấy rõ quan điểm, tinh thần đó.  

Thứ tư, về phía dư luận. Sai phạm ở đây là về hành vi, ứng xử với người dân, nơi công cộng,không phải trong khi thi hành nhiệm vụ. Vụ việc một cá nhân hiển nhiên không thể đánh đồng thành tập thể, càng không suy diễn vấn đề chung của lực lượng. Đã có những bài viết trên mạng internet, phát biểu đặt vấn đề theo hướng này, nhìn nhận thành việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của lực lượng CAND “có vấn đề”.  Việc hướng lái, suy diễn như vậy là sai lệch, gây dư luận không tốt, dễ bị thế lực xấu lợi dụng, đẩy vụ việc sang hướng khác. Chúng ta không thể lấy hiện tượng để nói bản chất, không lấy cá nhân để quy chụp đến uy tín, danh dự lực lượng.  

Thứ năm, chúng ta đang sống trong môi trường mạng không còn ảo mà là thật. Mọi hành động trong đời sống thực đều có thể lên mạng và mọi vấn đề trên mạng đều dễ dàng biến chuyển thành thực. Nhiều người nói: Nếu vụ việc đó xảy ra như ngày xưa, không camera, không mạng internet thì hẳn kết cục đã khác. Tôi thấy rằng: Hãy đừng so sánh xưa - nay nữa mà phải đặt mình trong bối cảnh hiện tại để sống và hành động, ứng xử sao cho đúng, cho chuẩn mực. Camera, mạng internet khiến sự giám sát của người dân, của xã hội đối với hành vi con người ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn; điều đó phát huy quyền giám sát của người dân với cán bộ ở mức cao và đồng thời đòi hỏi cán bộ phải tu chỉnh hơn, phải ý thức rèn luyện cao hơn. Chính dư luận mạnh mẽ cũng khiến cơ quan chức trách vào cuộc khẩn trương hơn, quyết liệt hơn và hành động cương quyết hơn. Tác động đó là biện chứng hai phía. Nhưng nó cũng bộc lộ sự lợi hại, đó là chúng ta bị cuốn vào hành vi, sự việc theo góc chiếu tiêu cực nhiều khi quá đà, quá mức. Như hai vụ việc trên, dư luận, báo chí, mạng xã hội nói nhiều, phê phán, chỉ trích mạnh mẽ mà quên rằng, hàng ngày bao nhiêu hành động đẹp, ứng xử đẹp của người cán bộ, đảng viên, của người chiến sĩ CAND lại chưa được nhìn nhận, quan tâm đúng mức, thậm chí việc tốt bị lướt qua một cách vô tình trong môi trường mạng. Đó là nghịch lý. Nhưng lại là sự thật.


Đăng Trường
.
.
.