Lễ hội âm nhạc và ma tuý

Thứ Tư, 19/09/2018, 08:44
Những tưởng lễ hội âm nhạc và ma tuý chẳng có liên quan gì. Nhưng với những gì vừa xảy ra tại lễ hội âm nhạc có chủ đề “Trip to the moon” (Du hành tới mặt trăng) tại Hà Nội, thì đó còn là liên quan đặc biệt.


7 người đã tử vong và một số người đang cấp cứu tại bệnh viện do sử dụng ma tuý. Tại địa điểm tổ chức lễ hội, cơ quan Công an còn thu giữ được bóng cười và một số chất nghi là ma tuý. 

Kết quả bước đầu xác định, những nạn nhân xấu số trong vụ việc này đã sử dụng thuốc lắc, tài mà, ma tuý đá… Đây là các loại ma tuý được những người yêu thích “phê pha” ưa chuộng…

Hà Nội đang bước vào những ngày thu. Và với các nghệ sỹ, ca sỹ, bầu sô thì đây là mùa vàng để tổ chức các đêm nhạc, để kéo khán giả đến với các sản phẩm âm nhạc. 

Chẳng thế mà những ngày này, chạy dọc các con phố, đặc biệt là các nhà hát, cung văn hoá thấy chăng nhiều pano quảng cáo các chương trình ca nhạc. Còn với khán giả, mùa thu rất thích hợp để đến nhà hát thưởng thức âm nhạc, để sống trong cái lãng đãng của trời thu và giai điệu. 

Chính khí hậu đã tạo nên cảm hứng và cơ hội để Hà Nội những ngày này xôm tụ các chương trình ca nhạc, để tâm hồn người Hà Nội được tưới tắm, được thấm đẫm trong các giai điệu. Âm nhạc chính là món quà quý báu, là liều thuốc tinh thần vô giá để ru hồn lắng đọng, gợi mở, khơi gợi, truyền cảm hứng… 

Nhưng với những gì vừa xảy ra ở lễ hội âm nhạc “Trip to the moon” khiến người ta thảng thốt, có cái gì đó đã đi lệch những quan niệm được coi là chuẩn mực rồi ư?

Thị hiếu âm nhạc của mỗi lứa tuổi, mỗi thế hệ khác nhau là đương nhiên. Tuy nhiên, với sự cố vừa diễn ra trong một lễ hội âm nhạc ở Hà Nội, hẳn sẽ khiến những người không mấy quan tâm đến thị hiếu âm nhạc của giới trẻ hiện nay thấy khó tin vì có người chết do sử dụng ma tuý khi đi nghe nhạc.

“Trip to the moon” là một lễ hội âm nhạc điện tử với sự xuất hiện của các DJ nước ngoài. Đêm nhạc đã thu hút khoảng 5.000 khán giả trẻ có mặt tại công viên nước Hồ Tây để thưởng thức bữa tiệc âm nhạc từ 16h30 đến 22h30. Điều khác biệt của lễ hội âm nhạc này chính là đối tượng khán giả - Khán giả trẻ; là thời gian biểu diễn (kéo dài). Điều gì hấp dẫn khán giả đến vậy?

Những năm gần đây, nhạc điện tử EDM (electronic dance music) có sức hút đặc biệt với giới trẻ. Sự tích hợp nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ điện tử và công nghệ đã tạo ra loại nhạc có tiết tấu mạnh, lôi cuốn, mới mẻ, hấp dẫn. Với tài “phù phép” của những DJ vừa sành nhạc, vừa sành công nghệ, EDM luôn luôn có những bản phối làm “điên đảo” người nghe, khiến người ta “nghe nghiện liền”. 

Trên Youtube, tràn ngập các file âm thanh, clip EDM “cực chất”. Để biết vì sao nhiều thanh thiếu niên thích mặc áo khoác nỉ có cái mũ sùm sụm trên đầu, tôi đã tìm hiểu và được biết, đấy là style của Alan Warker. Đây là một chàng trai mới 19 tuổi, cực nổi tiếng về nhạc điện tử và anh này có những bản phối cán đích một tỷ lượt xem trên youtube. Vì yêu nhạc của Alan Warker mà nhiều thanh thiếu niên đã mặc theo phong cách của anh này.

Ngoài việc lan toả chóng mặt trên internet, thông qua các lễ hội âm nhạc  (dance Festival), EDM cũng lan toả và lôi kéo nhiều người xem hơn. Lễ hội âm nhạc điện tử kiểu như “To trip the moon” không phải lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. 

Theo thông tin từ báo chí, đơn vị tổ chức sự kiện này đã nhiều lần tổ chức đêm nhạc tương tự. Đêm nhạc này cũng được cơ quan chức năng cấp phép, trình duyệt với đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành. Vậy tại lần này, lại xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này?

Xin được trở lại với kết quả ban đầu khi cơ quan chức năng xác định, những người tử vong hoặc phải vào bệnh viện cấp cứu được xác định là sử dụng ma tuý. 

Đó là các loại ma tuý như: Tài mà, thuốc lắc, ma tuý đá. Đây là những loại ma tuý khi sử dụng rất cần “chất dẫn” là nhạc mạnh. Còn nhớ những năm đầu thế kỷ, khi thuốc lắc mới vào Việt Nam tôi đã có dịp đến động lắc trá hình là một quán karaoke. 

Tại đây, không ai cầm mic hát mà loa thùng đập chát chúa những bản nhạc mạnh. Người ta “cắn” thuốc, lắc lư điên cuồng theo những bản nhạc mạnh vặn volum hết cỡ. Khi cơ quan Công an liên tục triệt phá các động, dân “bay lắc” lại thuê taxi mở nhạc hết cỡ chạy trên đường để được “lắc”. 

Rồi shisha, tài mà, cần sa, ma tuý đá… “phổ cập”, “chất dẫn” của nó cũng vẫn là nhạc mạnh. Hiện nay, nhạc điện tử với những DJ chơi các bản phối “chất lừ” cũng là một trong những thứ mà dân chơi ma tuý tìm kiếm. Thế nhưng, khi sử dụng ma tuý trong một lễ hội âm nhạc điện tử - Nơi có hàng nghìn người xem thì quả là một điều quá sức tưởng tượng. Tại buổi họp báo ngày 19-7, đại diện Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch Hà Nội đã tuyên bố, tạm thời dừng cấp phép những chương trình ca nhạc có tính chất tương tự.

Trong khi tại Hà Nội xảy ra sự cố 7 người tử vong tại lễ hội âm nhạc thì ở nước Úc xa xôi, truyền thông cũng đưa tin có 700 người sử dụng ma tuý phải can thiệp y tế tại lễ hội âm nhạc cũng với dòng nhạc chủ đạo là EDM. Nhiều ý kiến yêu cầu chính quyền phải chấm dứt lễ hội âm nhạc mất an toàn này. Còn tại Hà Nội, sau sự cố vừa xảy ra, rất nhiều phụ huynh giật mình. 

Đã đến lúc, họ không còn yên tâm khi cho con đến các sự kiện tổ chức ngoài trời. Mong rằng, sau sự việc này, chính quyền thành phố cũng sớm có biện pháp nhằm quản lý các hoạt động có tính chất tương tự để giữ sự lành mạnh trong lĩnh vực vui chơi, giải trí.

Cao Hồng
.
.
.