Làm gì để phòng ngừa tội phạm từ mâu thuẫn gia đình?

Thứ Hai, 09/09/2019, 09:04
Nguyên nhân những vụ việc đau lòng như trọng án do đối tượng Nguyễn Văn Đông gây ra, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng cái gốc của vấn đề là ở giáo dục. Những vụ án đau lòng xảy ra phần nhiều có nguyên nhân sâu xa từ những lỗ hổng về giáo dục, về quan niệm sống, sự thiếu chuẩn mực về đạo đức...


Vụ trọng án xảy ra ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) do đối tượng Nguyễn Văn Đông gây ra khiến bốn người đều là ruột thịt, người thân của thủ phạm tử vong. Nguyên nhân vụ án bước đầu được các cơ quan chức năng xác định là do mâu thuẫn đất đai.

Dư luận phẫn nộ bàng hoàng bởi động cơ phạm tội của đối tượng khá bất ngờ với nhiều người. Phải chăng tội phạm đã có sự “biến đổi” từ những nguy cơ tiềm ẩn? Giải pháp nào để phòng ngừa, hạn chế thấp nhất những vụ trọng án đau lòng? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá, Phó Giáo sư (PGS) Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học về vấn đề này.

Đại tá, Phó Giáo sư Đỗ Cảnh Thìn.

PV: Thưa PGS Đỗ Cảnh Thìn, vụ trọng án ở Đan Phượng xảy ra hôm 1-9 đã cho ông những suy nghĩ gì?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Bàng hoàng, buồn và day dứt, có lẽ đó là tâm trạng của rất nhiều người. Một vụ án quá đau lòng, không chỉ ở số người bị thương vong, mà còn ở chỗ những người thân yêu, ruột thịt bị sát hại, trong đó có cả những em nhỏ.

Vụ án hẳn làm cho mỗi chúng ta buồn lòng và day dứt về những giá trị đạo đức trường tồn, tính nhân văn của đời sống xã hội và trật tự pháp luật bị xâm hại và thách thức.  

PV: Hành động của đối tượng Nguyễn Văn Đông được thực hiện một cách cực kỳ quyết liệt, khiến nhiều người ngỡ ngàng. PGS lí giải như thế nào về hành động mất nhân tính này?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Theo suy nghĩ của tôi, trước hết những hành vi của đối tượng là sự biểu hiện lệch lạc về nhân cách. Những điều nhân nghĩa, phải trái, đúng sai đã bị bào mòn trong tư tưởng, nhận thức, lối sống của đối tượng.

Mặt khác, có lẽ những mâu thuẫn, xung đột, hẹp hòi, đố kỵ, thù hằn đã được tích tụ từ rất lâu nhưng không được hóa giải kịp thời. Nó giống như một ngọn lửa âm ỉ kéo dài, khi chỉ cần một tia lửa sẽ bùng lên thành đám cháy dữ dội. Những mâu thuẫn giữa anh em trong gia đình này đã âm ỉ từ lâu, mỗi ngày lại bồi thêm khi có những va chạm, xung đột trong sinh hoạt hay những tranh chấp về quyền lợi.

Sự xuống tay  tàn bạo như thế là sự biểu hiện ra bên ngoài của những dồn nén uất ức, căng thẳng, thù hận chất chứa từ lâu. Tuy nhiên, đó không thể là lý do, càng không thể bao biện cho hành vi tàn độc của đối tượng này.

Ở đây, chúng ta cũng cần phải nói đến nhận thức và ý thức pháp luật. Nếu đối tượng Nguyễn Văn Đông nhận thức rõ pháp luật nghiêm cấm tất cả các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; và hành vi giết người nhất định phải trả giá, bị lên án, trừng trị nghiêm khắc, thậm chí bằng chính mạng sống của mình; đời sống, danh dự và tương lai của gia đình, dòng họ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng thì chắc đối tượng đã không dám hành động như thế. Nếu đối tượng nhận thức được rằng, mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết, hóa giải trên cơ sở của đạo đức và pháp luật hẳn sẽ không có thảm án đau lòng đó xảy ra.

PV: Qua vụ án này phải chăng tội phạm hiện nay cũng đang có sự biến đổi? Vụ án này có phải là lời cảnh báo cho những khu vực có điều kiện kinh tế, dân trí thấp, chưa chú trọng đến công tác giáo dục pháp luật, thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra nhiều tội phạm hay không, thưa PGS?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Theo lý luận tội phạm học thì môi trường sống có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, nhân cách, hành vi của người phạm tội.

Ở những nơi trình độ phát triển của xã hội thấp, đời sống vật chất, tinh thần còn khó khăn, trình độ dân trí hạn chế thì việc người ta hành động theo bản năng, theo sự thúc đẩy từ mục đích thấp hèn, từ lợi ích cá nhân; sự không hiểu biết và không tôn trọng pháp luật… sẽ luôn có nguy cơ cao hơn, dẫn đến tiềm ẩn nhiều vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chỉ từ những xung đột, mâu thuẫn hàng ngày.

Việc giáo dục pháp luật luôn là điều rất cần thiết để người dân biết được làm gì và không được làm gì; nhận thức được hậu quả của hành vi phạm tội đối với nạn nhân, với bản thân, gia đình và xã hội… Một khi nhận thức và ý thức pháp luật được nâng cao cùng với những tiến bộ xã hội tại môi trường sống sẽ góp phần giảm bớt những vụ án đau lòng.

PV: Nguyên nhân của vụ án này được xác định từ mâu thuẫn đất đai – vốn là lĩnh vực rất nóng bỏng hiện nay. Vậy theo PGS, để giải quyết tận gốc những mâu thuẫn tích tụ từ đất đai, cần phải làm gì, từ cả phía chính quyền cơ sở, gia đình và người dân?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, trong đó có mâu thuẫn, tranh chấp về tài sản, đất đai là một điều lý tưởng. Điều thực tế là làm thế nào có thể giảm bớt những phức tạp cũng như những hậu quả nặng nề từ những mâu thuẫn, tranh chấp đó mà thôi.

Trong nhận thức và quan niệm phổ biến của người phương Đông là cha mẹ phải để lại tài sản cho con cái, nhất là đất đai, nhà cửa và trong số con cái đó lại đặc biệt coi trọng con trai. Quan niệm ấy vừa lạc hậu, vừa không phù hợp với pháp luật. Ngay từ khi các con còn nhỏ, cũng như trong đời sống của mỗi gia đình thường cho rằng cha mẹ sẽ phải có trách nhiệm lo đất đai, nhà cửa cho những người con trai khi trưởng thành.

Do vậy, nhiều gia đình nảy sinh mâu thuẫn trong việc phân chia đất đai, tài sản của cha mẹ ngay từ khi họ còn sống cũng như khi họ qua đời. Cũng từ việc này nên dễ dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột, chưa kể đến tình trạng “con yêu, con ghét” càng làm cho những mâu thuẫn thêm sâu sắc. Nhiều người không nhận thức được rằng, tài sản của cha mẹ là của chính cha mẹ, được xây dựng, chắt chiu trong suốt cuộc đời để họ sống, nuôi dạy các con đến tuổi trưởng thành.

Tài sản đó là để họ sống khi không còn sức lao động và những năm tháng tuổi già. Tài sản đó không phải của những đứa con đã trưởng thành. Cha mẹ có thể cho bất kỳ ai, có thể làm từ thiện mà con cái không có quyền can thiệp, đòi hỏi.

Quan niệm cũ đó vô hình trung dễ dẫn đến việc biến những đứa con trở nên ích kỷ, hẹp hòi, ỷ lại, thậm chí tham lam và vô trách nhiệm. Tất nhiên, không phải đứa con nào được thừa hưởng gia sản của bố mẹ cũng ỷ lại, tham lam... Nhưng trong thực tế việc giải quyết vấn đề tài sản thường nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột.

Một vấn đề khác tôi muốn nói là cần phải đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội ở địa phương, cơ sở. Một khi các cơ quan, tổ chức này làm tốt việc phát hiện, giải quyết những vấn đề nảy sinh phức tạp ở địa bàn, cộng đồng dân cư; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh; xử lý kịp những mâu thuẫn, xung đột thì sẽ làm giảm bớt những nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm và những phức tạp về trật tự xã hội.

PV: Theo PGS, để phòng ngừa hiệu quả, không để xảy ra các vụ việc xấu như vậy, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Tôi cho rằng cái gốc của vấn đề là ở giáo dục. Những vụ án đau lòng xảy ra phần nhiều có nguyên nhân sâu xa từ những lỗ hổng về giáo dục, về quan niệm sống, sự thiếu chuẩn mực về đạo đức. Mỗi gia đình luôn phải là pháo đài để bảo vệ các giá trị cốt lõi. Cần phải giáo dục về sự yêu thương, sự chia sẻ, về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng.

Nếu những anh chị em ruột thịt yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ, chăm sóc nhau, tôn trọng nhau trên nền tảng của đạo lý và pháp lý sẽ khó xảy ra những tranh đoạt, tị hiềm, xung đột. Nếu được thường xuyên giáo dục đạo đức, văn hóa, các qui tắc ứng xử văn minh và sự hiểu biết pháp luật thì tôi tin sự bình yên sẽ đến với mỗi gia đình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS Đỗ Cảnh Thìn!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.