Lại lùm xùm chuyện “phí” để được vinh danh, tôn vinh

Thứ Ba, 24/04/2018, 08:50
Trong khi câu chuyện Công ty TNHH Vinaca đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017 chưa hết “nóng” thì những lùm xùm xung quanh chuyện doanh nghiệp chi “phí” để được tôn vinh, vinh danh trong một số chương trình lại tiếp tục khiến dư luận bức xúc.


Rõ ràng, tôn vinh, vinh danh sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ là việc làm cần thiết nhưng không thể để việc tổ chức chương trình diễn ra một cách bát nháo, dễ dãi.

Ngày 23-4, trên Facebook của một nhà báo nổi tiếng đã đăng tải bức ảnh chụp thư mời “Hợp đồng truyền thông” của ban tổ chức một chương trình vinh danh thương hiệu đến doanh nghiệp khiến nhiều người không khỏi “sốc”.

Được tôn vinh danh hiệu “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam” và “Gương mặt doanh nhân tiêu biểu 2017”, nhưng sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2 đã dùng tro than tre để chế thực phẩm chức năng ngừa ung thư.

Trong cái được gọi là “Hợp đồng truyền thông”, bên A (doanh nghiệp) đồng ý tham gia quảng cáo, truyền thông, xúc tiến phát triển thương hiệu do bên B (đơn vị tổ chức) tổ chức thì phí truyền thông, quảng cáo chưa VAT như sau: Thương hiệu ưa chuộng (Top 10: 30.000.000đ; Top 50: 20.000.000đ; Top 100: 15.000.000đ) Sản phẩm tin dùng (Top 10: 30.000.000đ; Top 50: 20.000.000đ; Top 100: 15.000.000đ) Dịch vụ hoàn hảo (Top 10: 30.000.000đ; Top 50: 20.000.000đ; Top 100: 15.000.000đ).

Còn nhớ năm 2017, Chương trình “Nhân tài đất Việt- thời đại Hồ Chí Minh”-“Nhà quản lý vì cộng đồng” do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực-nhân tài Việt Nam (VSATH) và Công ty cổ phần Truyền thông và Phát triển thương hiệu Đại Việt tổ chức cũng đã gây ồn ào dư luận vì những thông tin liên quan đến “hỗ trợ tự nguyện”

Theo đó, từ đầu năm 2017, Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam ban hành giấy mời các nhà khoa học dự hội thảo giải pháp thu hút và trọng dụng nhân tài, chuẩn bị cho lễ tôn vinh có tên “Nhân tài Đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh” - “Nhà quản lý vì cộng đồng”.

Đáng chú ý, kèm theo giấy mời tham gia hội thảo, bản mẫu đăng ký tham gia Chương trình “Nhân tài đất Việt - thời đại Hồ Chí Minh” - “Nhà quản lý cộng đồng”, ban tổ chức còn gửi kèm bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện. Nội dung của bản đăng ký này là nhà khoa học tham gia tôn vinh danh hiệu Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh tự nguyện đóng góp cho Ban tổ chức chương trình với 3 mức kinh phí là 10.000.000 đồng; 12.000.000 đồng; 14.000.000 đồng.

Trở lại câu chuyện liên quan đến chương trình  “Đánh giá và truyền thông thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu năm 2017” mà Công ty TNHH Vinaca đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017.

Về thông tin để có được chứng nhận tôn vinh thương hiệu, doanh nghiệp phải “chi” một số tiền nhất định, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, dư luận đang hiểu sai vấn đề. Ở đây phải hiểu rằng, các doanh nghiệp đóng góp chi phí để cùng các cơ quan chức năng tổ chức chương trình quảng bá thương hiệu chứ không phải chi tiền thì mới được tôn vinh.

Cách lý giải của ông Lê Thế Bảo là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, vinh danh sản phẩm, thương hiệu hay dịch vụ tốt là sự công nhận của xã hội với dịch vụ và sản phẩm đó. Nếu nhà tổ chức bình chọn không thể có tiền từ nguồn khác mà huy động từ bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia thì nảy sinh những lùm xùm chuyện “phí” để được vinh danh, tôn vinh dưới hình thức “hỗ trợ” là điều rất khó tránh khỏi.

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Tại khoản 2, khoản 4, Điều 4 của quyết định đã đưa ra quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, như: cấm “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”, và cấm “tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.

Tôn vinh, vinh danh sản phẩm, thương hiệu hay dịch vụ là sự ghi nhận những thành tích và đóng góp với cộng đồng. Đây là hoạt động ý nghĩa biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ đó cổ vũ, động viên toàn xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức những cuộc vinh danh, tôn vinh quá dễ dãi với những danh hiệu na ná nhau, nhưng không ai nhớ được, trừ người được nhận danh hiệu! Điều này đã làm ảnh hưởng những người làm việc chân chính và có hiệu quả xã hội, gây nhiễu loạn các chuẩn mực được tôn vinh.

Để lấy lại lòng tin của xã hội về các hoạt động tôn vinh, vinh danh, hơn lúc nào hết, cần có sự vào cuộc nghiêm khắc của các cơ quan chức năng, cần tới thái độ và ý thức trách nhiệm của các tổ chức đứng tên trong các hoạt động vinh danh. Riêng với những đơn vị liên kết tổ chức chương trình, nếu có sai phạm cần bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể rút giấy phép hoạt động.

N.Hương
.
.
.