Kỷ luật 366 trường hợp liên quan đến tham nhũng, tiêu cực

Thứ Ba, 29/09/2015, 07:51
Ngày 28/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 8. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Từ sau Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được triển khai tích cực trên các mặt.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tích cực. Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm 2015, qua hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, đã thi hành kỷ luật 366 trường hợp có liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái.

Toàn ngành thanh tra đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 268.251 tổ chức, cá nhân; qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 11.298 tỷ đồng, 589ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 7.593 tỷ đồng và 514ha đất, xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân, ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân số tiền 1.830 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý 20 vụ, 76 đối tượng...

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng, sự quyết tâm, thống nhất cao của các cấp, các ngành, đã cùng vào cuộc, triển khai bài bản, nghiêm túc các nội dung kết luận tại Phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng; việc thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, tổ chức triển khai quyết liệt đã mang lại kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.

Tổng Bí thư nêu rõ kết quả nổi bật là đã có sự chuyển biến tích cực trên nhiều khâu, nhiều việc, thúc đẩy hơn việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách, quy chế làm việc. Khâu kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy công việc theo chức năng của Ban Chỉ đạo rất rõ, có tác dụng tốt, cả các cơ quan trung ương, lãnh đạo các địa phương. Qua kiểm tra chỉ ra những khâu còn vướng mắc, khó khăn để kịp thời tháo gỡ, đôn đốc chỉ đạo xử lý, như khâu giám định, sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra, việc giảm án treo, tham nhũng vặt, thu hồi tài sản…

PV (theo TTXVN)
.
.
.