Không thể “phổ thông hóa” giáo dục đại học

Thứ Hai, 20/08/2018, 09:49
Trường đại học cần phải được hoàn toàn chủ động trong tổ chức thi và quyết định kết quả đầu vào theo chỉ tiêu phân bổ xuất phát từ nhu cầu xã hội, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và xã hội về chất lượng, theo đúng các quy định của luật pháp và chính sách. Chỉ như vậy, đào tạo đại học mới đảm bảo chất lượng và làm cho sinh viên được chọn đúng môi trường đào tạo để phát triển theo khả năng của mình.

Một trong những “điểm nghẽn” mà Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế là chất lượng thấp của nguồn nhân lực. Đột phá tương ứng để vượt qua điểm nghẽn này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng bởi đây là khâu quan trọng đưa sản phẩm giáo dục đến với xã hội.

Bên lề Hội thảo quốc tế nhằm tìm ra những giải pháp cấp bách nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Kinh tế - Pháp luật và Quản lý để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

PV: Giáo dục thiếu triết lý như thiếu bộ định vị khi đi đường. Vậy theo quan điểm của ông, triết lý xuyên suốt của giáo dục Việt Nam là gì?

GS Hoàng Chí Bảo: Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ buổi đầu thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với một nền giáo dục mới dân chủ và tiến bộ, một nền giáo dục Dân tộc - Khoa học - Đại chúng hơn bảy thập kỷ trước, Hồ Chí Minh, nhà giáo dục có tầm nhìn chiến lược đã xác định, đó phải là “nền giáo dục đem lại sự phát triển đầy đủ mọi năng lực sẵn có của mỗi người”. Giáo dục phải thống nhất, nhất quán trong bản thân nó các đặc trưng giá trị: Khoa học và cách mạng, dân chủ và nhân văn, đổi mới và sáng tạo. Chỉ như thế mới có phát triển bền vững và hiện đại hóa. Đó cũng là tinh thần cơ bản của triết lý giáo dục Việt Nam trong đổi mới và hội nhập.

PV: Đại học vẫn được xem là khâu cuối cùng đưa sản phẩm giáo dục đến với xã hội. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, triết lý giáo dục đại học mà chúng ta hướng tới là gì, thưa ông?

GS Hoàng Chí Bảo: Mục tiêu giáo dục - đào tạo của xã hội nói chung được cụ thể hóa thành mục tiêu giáo dục - đào tạo đại học. Đó là đào tạo những người công dân trưởng thành trong xã hội dân chủ và nhà nước pháp quyền, người trí thức tương lai, nhà chuyên môn hành nghề trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định trong nền kinh tế thị trường hiện đại và tiến tới kinh tế tri thức, trong môi trường đổi mới và hội nhập… Tựu trung lại, đại học phải đào tạo ra những nhân cách trung thực và sáng tạo. Do đó, triết lý giáo dục đại học bao trùm vẫn là tinh thần đại học.

Các cơ sở đào tạo đại học, tức là các trường đại học, dù khác nhau về quy mô, tầm vóc, ngành nghề, loại hình, về mức độ ảnh hưởng… song đã là thực thể đại học, mang sứ mệnh giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế thì đều phải tự biểu hiện và tự khẳng định mình theo tinh thần đại học. Đại học là đào tạo bậc cao, là bậc cao nhất trong hệ thống các bậc học của nền giáo dục quốc dân. Đào tạo cao học và nghiên cứu sinh là sự phát triển chuyên sâu của giáo dục đại học. Đại học tiếp nối phổ thông nhưng khác về căn bản so với phổ thông. Đại học phải có sự phát triển mới về chất so với phổ thông, đặc biệt là trình độ và phương pháp tư duy sáng tạo.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, giáo dục đại học của Việt Nam đang là sự kéo dài của giáo dục phổ thông?

GS Hoàng Chí Bảo: Giáo dục đại học, dạy và học ở bậc đại học không phải và không thể là “sự kéo dài phổ thông” với tất cả những biểu hiện từ tổ chức, quản lý đến quan hệ thầy - trò, các quan hệ xã hội trong đời sống đại học, các hoạt động của các chủ thể trong môi trường dạy học và giáo dục đại học, nhất là nội dung và phương pháp dạy học đại học. Nói cách khác, đào tạo đại học không thể đại trà, không thể phổ thông hóa; “Xã hội hóa” giáo dục ứng dụng vào đại học không phải là “phổ thông hóa”, không phải là “địa phương hóa” đại học.

Cho dù không tự giác nhưng những khuynh hướng này đã hạ thấp chất lượng đại học, đã làm suy giảm nghiêm trọng tầm vóc đại học, xa lạ với tinh thần đại học. Tinh thần đại học theo quan điểm thực tiễn, hữu dụng và toàn dụng lao động phải thấm nhuần thực học để thực nghiệp.

PV:  Theo ông, cơ cấu nền giáo dục của Việt Nam nên đi theo hướng “nhiều thợ ít thầy” hay “nhiều thầy ít thợ”?

GS. Hoàng Chí Bảo: Một xã hội lành mạnh, một nền giáo dục lành mạnh phải hình thành cơ cấu “nhiều thợ ít thầy” chứ không phải ngược lại “nhiều thầy ít thợ” như hiện nay. Sự lệch lạc về cơ cấu này do nhiều nguyên nhân tạo ra, trong đó có tâm lý hư danh, trọng bằng cấp một cách hình thức, tạo ra rào cản đối với phát triển hệ thống các trường đào tạo công nhân, thợ lành nghề, không quý trọng những người làm thợ, trong khi trên thực tế, lực lượng này hết sức quan trọng, trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Điều này cho thấy, phân luồng và phân hóa ở bậc phổ thông, nhất là cuối cấp phổ thông trung học phải mang ý nghĩa giáo dục định hướng giá trị, lựa chọn giá trị để học sinh đi vào các trường nghề, học nghề thợ (công nhân) để làm thợ rồi tiếp tục học lên trong suốt cuộc đời, để thực hiện “giáo dục liên tục”, “giáo dục suốt đời” trong một “xã hội học tập” như chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, không xem đại học là cánh cửa duy nhất để vào đời.

Phải thay đổi căn bản nhận thức xã hội, trước hết là tư duy lãnh đạo, quản lý để vượt qua tâm lý coi thường, xem nhẹ học nghề, trường nghề ở bậc trung học, trung cấp, cao đẳng nghề và cho rằng, chỉ có lựa chọn đại học mới là sự lựa chọn duy nhất.      

PV: Người thầy được xem là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, đào tạo người thầy, những giáo viên tương lai tại các trường sư phạm hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn khi ngày càng có ít học sinh giỏi chọn vào sư phạm?

GS Hoàng Chí Bảo: Đúng là hiện nay đã và đang xuất hiện những tình huống có tính mâu thuẫn và nghịch lý trong các trường đại học sư phạm - là những trường đào tạo những người thầy của các cấp học giáo dục phổ thông. Điều này cho thấy, không thể tiếp tục chấp nhận tình trạng tuyển sinh, “đầu vào” cho các trường sư phạm với chất lượng thấp từ kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học.

Như thế làm sao có thể có đội ngũ giáo viên tốt được. Như thế có khác gì hạ thấp, làm hỏng uy tín, thanh danh của đại học sư phạm trong đánh giá của dư luận xã hội. Phải làm thế nào để đại học sư phạm tuyển được những học sinh giỏi nhất, ưu tú nhất từ phổ thông trung học vào học đại học sư phạm để trở thành thầy giáo. Đó vẫn là câu chuyện thời sự cần phải bàn và giải quyết  từ góc nhìn cơ chế, chính sách, động lực phát triển giáo dục trong quản lý nhà nước.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, chỉ khi nào các trường đại học thực sự tự chủ trong tuyển sinh, thì chất lượng đầu vào mới được đảm bảo?

GS Hoàng Chí Bảo: Tôi cho rằng, cần sớm tổng kết, đánh giá việc lấy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học để xét tuyển đại học như những năm vừa qua và cần thiết phải tổ chức thi tuyển vào đại học chứ không xét tuyển. Việc giao quyền tự chủ đại học cho các trường đại học phải bảo đảm cho các trường đại học có toàn quyền tổ chức thi tuyển đầu vào. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật, không can thiệp quá sâu vào không gian tự do, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đại học.

Trường đại học cần phải được hoàn toàn chủ động trong tổ chức thi và quyết định kết quả đầu vào theo chỉ tiêu phân bổ xuất phát từ nhu cầu xã hội, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và xã hội về chất lượng, theo đúng các quy định của luật pháp và chính sách. Chỉ như vậy, đào tạo đại học mới đảm bảo chất lượng và làm cho sinh viên được chọn đúng môi trường đào tạo để phát triển theo khả năng của mình.

PV:  Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để quyết sách “giáo dục là quốc sách hàng đầu” phát huy được sức mạnh của mình?

GS Hoàng Chí Bảo: Đan Tơn từng nói: “Sau thực phẩm, giáo dục - đào tạo là thức ăn tinh thần hàng đầu của mỗi dân tộc”. Trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, cạnh tranh quyết liệt giữa các nước là cạnh tranh về chất lượng giáo dục - đào tạo, đặc biệt chất lượng giáo dục đại học. Chấn hưng giáo dục, nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngày càng trở nên cấp thiết, bức xúc trên con đường phát triển bền vững của nước ta. Đảng và Nhà nước đã chỉ ra một tư tưởng lớn, coi giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Giờ là lúc phải chuyển tư tưởng thành hành động, sao cho “quốc sách hàng đầu” được cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng nguồn lực đầu tư theo chiều sâu cho giáo dục - đào tạo bằng các chính sách và giải pháp, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Và chất lượng giáo dục đại học sẽ góp phần xứng đáng vào phát triển bền vững ở nước ta.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thu Phương - Huyền Thanh
.
.
.