Không “tắm từ cổ”

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:18
“Lãnh đạo gương mẫu đi đầu” hay “đảng viên đi trước” là nguyên tắc đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ và rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Chức vụ lãnh đạo càng cao, nguyên tắc ấy càng phải sát, tức sự gương mẫu, đi đầu càng phải được coi trọng. Ngược lại, nếu lãnh đạo sao nhãng, tha hóa, biến chất thì hậu quả như dân gian nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. 


Tuy nhiên, lâu nay trong dư luận vẫn có quan điểm cho rằng, khi lãnh đạo đã ở cấp Trung ương như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, đó là những người đã được sàng lọc kỹ lưỡng qua các cấp nên không cần phải đưa ra quy định về tiêu chuẩn, thậm chí đã là Ủy viên Trung ương thì “nói luôn đúng”, “làm luôn chuẩn” và quản lý, chỉ đạo việc gì cũng được. 

Chưa kể, khi nói tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương thì cũng không ít người cho rằng, đó là sự “nhạy cảm”. Đó là quan điểm tuyệt đối hóa vai trò cá nhân lãnh đạo cấp cao và suốt thời gian dài, những quy định về tiêu chuẩn cán bộ cấp cao không được cụ thể hóa, gần như không có phân định nào đáng kể với tiêu chuẩn khác.     

Khi chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bộ Chính trị có quy định về tiêu chuẩn chức danh Ủy viên BCH Trung ương. Và lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Nếu chiểu theo 3 nhóm tiêu chí gồm phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và năng lực công tác thì quy định của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa, bao gồm những quy định chung cho cán bộ, đảng viên và quy định có tính đặc thù. Đặc biệt, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”. “Tham vọng quyền lực” là vấn đề lần đầu được đưa vào quy định của Bộ Chính trị về ứng viên BCH Trung ương trước Đại hội XII, nay được tái khẳng định với tính chất bắt buộc và đòi hỏi ở mức cao nhất “tuyệt đối”. 

Tuy nhiên, khái niệm “tham vọng quyền lực” hiện còn những quan điểm khác nhau, cần có sự thống nhất về cách hiểu, nhận thức. Theo PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn (Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tham vọng quyền lực của cán bộ thể hiện qua các biểu hiện: cán bộ giấu giếm khuyết điểm của mình; sự vô trách nhiệm của những người làm công tác cán bộ không xác minh đầy đủ; kê khai thiếu trung thực để “leo cao chui sâu hơn”; bất chấp mọi nguyên tắc, quy tắc, khiếm khuyết để tô hồng, tung hô cho một con người, giúp họ lọt qua được tất cả các bước trong quy trình, làm cho việc bố trí cán bộ không đúng, gây nguy hại cho đất nước.

Ở một vế khác, không chỉ quy định dành cho chính cán bộ BCH Trung ương mà họ còn  phải có trách nhiệm đối với những người thân, người quen và cũng yêu cầu ở mức cao nhất: “Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. 

Đây là hai điểm rất đặc thù và có tính cấp bách, xuất phát từ thực tiễn. Lâu nay, việc người thân, quen “núp bóng quan” để trục lợi, làm điều phi pháp xảy ra không ít. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 15 (tháng 7-2017) cho thấy, vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai là ví dụ.

Trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV. Ở vị trí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bà Thanh ký nhiều văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh.

Trường hợp bà Thanh điển hình ở việc cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước lại có người nhà làm doanh nghiệp, tức là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa làm chính sách vừa kinh doanh. Điều này dẫn đến những chính sách, văn bản ban hành bị chi phối bởi lợi ích nhóm, ở đây là lợi ích gia đình. Ở phạm vi rộng, việc lạm quyền để làm lợi cho doanh nghiệp người thân của một số cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh mà còn tạo ra sự bất công, gây méo mó chính sách và bức xúc trong xã hội. 

Ngoài quy định chung về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. 

Quy định đã có, vấn đề là triển khai thực hiện. Trong việc giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội và quần chúng nhân dân thì phản ánh từ báo chí là kênh quan trọng. Có những hành vi bị lẩn khuất, phải qua con mắt nghiệp vụ, qua thanh tra, kiểm tra mới thấy thì nhiều hành vi lại lộ diện, người dân dễ dàng nhận thấy như để người nhà thao túng, lợi dụng, bổ nhiệm kiểu “thần tốc” con cháu, họ hàng thành vây cánh hay chuyện “biệt phủ”, “dinh thự”… Những điều đó cần tiếng nói dư luận và sự kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng.

Không còn quan điểm “tắm từ cổ xuống” hay “rọc mía trừ ngọn”. Trong cuộc chống suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất thiết lãnh đạo phải nêu gương, trên cao phải sáng, việc xử lý sai phạm càng phải nghiêm minh. Có hành lang, có lề lối, điều còn lại là thực hiện. Niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố từ chính những việc làm cụ thể và có tính nêu gương rất cao như vậy.

Đăng Minh
.
.
.