Không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma tuý

Chủ Nhật, 09/06/2019, 06:43
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội đối với Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ngày 4-6 vừa qua, đa số câu hỏi là những vấn đề liên quan đến tội phạm ma tuý. Điều đó cho thấy, công tác phòng, chống ma tuý đang là mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu Quốc hội, cũng như cử tri và nhân dân cả nước.


Nhân Tháng hành động phòng chống ma tuý, để hiểu rõ thêm về công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý ở cơ sở cũng như những giải pháp trong lĩnh vực này, phóng viên chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

PV: Nghệ An là một trong những địa phương “nóng bỏng” trong cuộc chiến phòng, chống ma tuý khi vừa qua phát hiện một số vụ vận chuyển ma tuý số lượng lớn. Theo đại biểu, nguyên nhân vì đâu xuất hiện nhiều đường dây vận chuyển ma tuý lớn như vậy?

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Nghệ An là một địa bàn phức tạp, trọng điểm về ma tuý, điều này đã được Chính phủ xác định rồi, vì cửa khẩu rất dài, với hàng trăm km đường biên giới giáp nước bạn Lào, tỷ lệ người nghiện ma tuý của Nghệ An hiện nay cũng rất lớn. Để trả lời câu hỏi vì sao vừa rồi số lượng lớn ma tuý thẩm lậu vào Nghệ An thì có nhiều nguyên nhân.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Trước hết, do lợi nhuận của ma tuý quá lớn nên tội phạm bất chấp quy định của pháp luật để hoạt động phạm tội. Nguyên nhân thứ hai là do vấn đề nguồn cung ma tuý lớn, hiện nay việc chiết xuất, điều chế ma tuý đá, ma tuý tổng hợp hầu như được làm với công nghệ tương đối nhanh, sản xuất được số lượng tương đối nhiều. Nguyên nhân thứ ba là đường biên giới của chúng ta quá dài, đặc biệt là các đường tiểu ngạch, có chỗ quản lý lỏng lẻo cho nên tội phạm lợi dụng đưa ma tuý vào nội địa… 

PV: Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý tại Nghệ An đang vấp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Khó khăn, vướng mắc hiện nay thứ nhất là do đường biên giới dài nên việc kiểm soát nguồn ma tuý vào địa bàn khó khăn. Thứ hai, vấn đề con người đấu tranh phòng, chống ma tuý cơ bản tốt nhưng kinh phí đầu tư cho công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý càng ngày càng bị thu hẹp nên khó khăn cho anh em làm nhiệm vụ.

Đặc biệt, kinh phí, phương tiện, các trang thiết bị hiện đại để phòng, chống ma tuý hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh, trong khi đó ma tuý là một trong những lĩnh vực tội phạm hết sức nóng bỏng. Tội phạm ma tuý thì đã hoạt động tinh vi cả một đường dây từ xưa đến nay rồi, hơn thế nữa, các đối tượng phạm tội rất liều lĩnh, chống trả quyết liệt, dùng ngay những vũ khí “nóng” để chống trả khi lực lượng Công an phát hiện, tấn công.

PV: Hiện Công an tỉnh Nghệ An đang thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma tuý trên tuyến Việt Nam – Lào và qua sơ kết 1 tháng cho thấy, công tác bắt giữ loại tội phạm này đã vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên cử tri và người dân còn quan tâm làm sao để hạn chế lượng ma tuý thẩm lậu vào Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Thực ra, tội phạm ma tuý là một loại tội phạm ẩn, nếu lực lượng Công an mà không phát hiện được thì không ai có thể thống kê được. Nó khác với tội phạm giết người, cướp tài sản vì khi các loại tội phạm này xảy ra thì công dân ai cũng biết, mà không thống kê thì người dân phản ứng ngay. Còn tội phạm ma tuý, người dân bình thường không phát hiện được, chỉ có cơ quan có thẩm quyền, có chuyên môn nghiệp vụ mới phát hiện được.

Cho nên, khi chúng ta phát hiện được tội phạm thì trước hết phải đánh giá đây là thành tích, làm nhiều thì chúng ta phát hiện được nhiều. Cũng giống như dọn vệ sinh môi trường, nếu chúng ta không dọn thì môi trường sẽ càng ngày càng bẩn, còn nếu chúng ta dọn thì sẽ sạch. Vấn đế thứ hai là cũng phải thừa nhận vừa rồi tình hình ma tuý có diễn biến phức tạp hơn, chúng ta cần phải tìm cách để đấu tranh, hạn chế tính phức tạp đó. Đừng chỉ cho rằng phát hiện nhiều thì phức tạp, vì nếu không phát hiện được thì hậu quả còn lớn hơn nhiều.

“Bộ Công an đã đánh giá được tình hình phức tạp và dự báo trước, năm 2018 chúng tôi đã triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn, chiếm 70% vào nước ta qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La. Sau khi bị trấn áp mạnh, các đối tượng ma túy chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Nam. Đặc biệt, đầu năm 2019 đến nay phát hiện có sự can thiệp chỉ đạo của tội phạm ma túy là người nước ngoài, không chỉ hoạt động ở Việt Nam mà trên phạm vi thế giới, trong đó có khu vực ASEAN. Lực lượng phòng chống ma tuý các nước ASEAN từ Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia đã phối hợp và phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với khối lượng lớn, qua các vụ án đã thể hiện rõ việc này. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới”. (Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an)

PV: Vâng, đúng là vấn đề này được cần nhìn nhận khách quan, nhiều chiều. Vậy theo ông, cần có giải pháp gì ngăn chặn ma tuý thẩm lậu từ biên giới, để Việt Nam không trở thành địa bàn trung chuyển ma tuý của thế giới như Bộ trưởng Tô Lâm đã khẳng định?

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Muốn đấu tranh ngăn chặn vấn đề này thì cần có những giải pháp hết sức đồng bộ. Trước hết, phải sửa Luật Phòng chống ma tuý cho phù hợp với thực tiễn. Thứ hai, phải tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, các phương tiện hiện đại cho lực lượng phòng, chống ma tuý. Thứ ba, phải đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, chứ một mình lực lượng phòng, chống ma tuý không thể làm nổi.

Ví dụ vấn đề người nghiện thì gia đình phải quản lý, chứ nếu chúng ta cứ đấu tranh mà để người nghiện vẫn phát sinh thì rõ ràng là không thành công. Trong khi đó, đối với cuộc chiến phòng, chống ma tuý thì lực lượng Công an chỉ là một bộ phận thôi. Ngoài ra còn lực lượng Biên phòng ở khu vực biên giới, còn Hải quan, còn lực lượng Lao động, Thương binh và Xã hội trong quản lý đối tượng nghiện. Cho nên, vấn đề phối kết hợp của các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống ma tuý cần nhịp nhàng hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn trong thời gian tới thì chúng ta mới ngăn chặn được.

Ở địa bàn Nghệ An, chúng tôi đang tiến hành 3 trụ cột là chặn cung, giảm cầu và giảm thiểu tác hại của ma tuý. Chặn cung là chặn ma tuý sản xuất trong nội địa, chặn tái trồng cây thuốc phiện và chặn ma tuý thẩm lậu từ biên giới sang. Giảm cầu là tập trung cho vấn đề cai nghiện ma tuý, từ cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tại các trung tâm.

Giảm thiểu tác hại của ma tuý, tức là dùng methadone để thay thế ma tuý, điều trị cho những người nghiện. Để làm 3 trụ cột này song hành được với nhau thì tất cả những cơ quan liên quan đã được phân công trong chương trình phòng, chống tội phạm ma tuý cần làm việc hết sức trách nhiệm, đồng thời phối hợp với nhau tốt hơn nữa để làm cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý ngày càng hiệu quả hơn.

PV: Suy nghĩ của ông về trách nhiệm của lực lượng tại chỗ trong công tác phòng, chống ma tuý, đặc biệt khi hiện nay Bộ Công an đang thực hiện chủ trương tăng cường Công an chính quy về cơ sở?

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Theo tôi, cần thiết phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của lực lượng này. Lực lượng Công an chính quy được tăng cường về để đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở, trong khi đó người nghiện nằm tại cơ sở, buôn bán lẻ ma tuý tại cơ sở, tổ chức sử dụng ma tuý cũng tại cơ sở thì lực lượng Công an cơ sở phải làm mạnh hơn việc này là đương nhiên.

Công an tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện việc này rồi, chúng tôi đã đưa về cơ sở hơn 300 cán bộ Công an chính quy ở cấp xã. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ Công an trong Đề án “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tức là chúng ta phải chính quy hoá lực lượng Công an xã để phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm ma tuý.

PV: Trân trọng cảm ơn đại biểu về cuộc trò chuyện!

Nghệ An có 27 xã biên giới, 419km đường biên với nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào (dài nhất cả nước), có 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ở huyện Kỳ Sơn, 1 cửa khẩu quốc gia Thanh Thuỷ ở huyện Thanh Chương và 3 cửa khẩu phụ: Cửa khẩu Cao Vều ở huyện Anh Sơn, cửa khẩu Thông Thụ ở huyện Quế Phong và cửa khẩu Tam Hợp ở huyện Tương Dương.


Quỳnh Vinh (thực hiện)
.
.
.