Phá trọng án, nhớ lời Bác dạy:

‘Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều...’

Thứ Hai, 17/08/2015, 11:24
4 vụ trọng án xảy ra ở Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị và mới đây là tại Yên Bái, cùng sự vào cuộc ráo riết của lực lượng Công an, sự mưu trí, sắc bén của ban chuyên án thì việc điều tra phá án, truy bắt thủ phạm có sự giúp sức rất lớn từ quần chúng nhân dân. Thật giá trị, thật sâu sắc khi cũng chính những ngày này, lực lượng CAND đang hướng đến mốc son 70 năm lịch sử, thực tiễn ấy là minh chứng bản chất “Công an của nhân dân”.

Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy phải dựa vào nhân dân, không được xa rời nhân dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Trong vụ trọng án tại Yên Bái, người dân địa phương đã không quản ngại gian nan, thức đêm cùng tuần tra, truy lùng hung thủ lẩn trốn trong rừng. Với địa bàn núi non hiểm trở, mênh mông như vậy, mấy trăm cảnh sát, mấy trăm dân quân thực không xuể nếu thiếu sự trợ giúp của hàng nghìn, hàng vạn quần chúng. Và điểm nút được khai mở khi ông Hà Văn Liên (thôn 2, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, Yên Bái) sáng sớm 15/8 khi đi mổ lợn đã bất ngờ nhìn thấy “cậu thanh niên tóc vàng” đi cùng một phụ nữ, nghi ngờ đây là hung thủ gây thảm án nên một mặt thông báo cho Công an, mặt khác ông cùng người dân trong vùng theo dõi chặt chẽ, giúp các lực lượng truy bắt nhanh chóng khoanh vùng, tóm gọn hai đối tượng.

Với vụ thảm án tại Quảng Trị, hung thủ Hồ Chí Bảo bị bắt chỉ sau vài giờ gây án và những người giúp Công an bắt hung thủ chính là êkíp y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị. Không chỉ cung cấp nguồn tin, các y, bác sĩ còn tỏ ra khá "sành" nghiệp vụ khi tổ chức nhận dạng, thấy có nghi ngờ liền tìm cách “câu giờ”, đánh lạc hướng đối tượng, từ đó thông báo cho cơ quan Công an đến bắt giữ.

Y sỹ Nguyễn Đăng Thông, bác sĩ Lê Cảnh Thi, Trưởng kíp trực vào khám cho bệnh nhân này nhận thấy nhiều nghi vấn qua bộ dạng lúc ấy ở nam thanh niên. “Anh em chúng tôi dù nghi ngờ nhưng vẫn cố tỏ ra bình thường, làm việc đúng chức trách của những nhân viên y tế và xem như chưa phát hiện điều gì. Tôi nghĩ rằng, nếu đây là thủ phạm chính đã gây ra vụ án thì cách trì hoãn như vậy là cần thiết” – bác sĩ Thi nói. Trong khi đó, vụ án được phát giác đã làm rúng động dư luận, cơ quan Công an vào cuộc khám nghiệm hiện trường nhưng chưa phát thông tin đề nghị người dân tố giác tội phạm.

Những y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa giúp lực lượng Công an phá án trước hết bằng chính ý thức tự giác của họ, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp khi phát hiện đối tượng có nghi vấn và vận dụng linh hoạt các biện pháp để Công an có mặt, bắt giữ đối tượng. Như vậy, các y, bác sĩ ở đây đã “đi trước” sự phát động và đó là kết quả có được từ sự ý thức rất cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Trước đó, trong vụ thảm án giết 4 người tại Tương Dương, Nghệ An, cơ quan Công an và Đồn Biên phòng Tam Hợp phát động người dân tố giác tội phạm. Và sự phát động đó đã giúp CQĐT thu nhận được những thông tin giá trị, trong đó nguồn tin từ ba trẻ em ở bản Phồng. Chính những thông tin đó, kết hợp các căn cứ khác, lực lượng Công an đã khoanh vùng hung thủ và tìm ra điểm nút phá án. 

Còn vụ giết 6 người ở Bình Phước, Công an  huyện Chơn Thành đã phát tờ rơi “thư vận động”, chuyển cho người dân sinh sống trên địa bàn, kêu gọi ai biết thông tin liên quan vụ việc thì tố giác bằng hình thức gọi điện hoặc gửi tin đến Công an huyện. Từ đó, cơ quan Công an đã nhận được hàng nghìn thông tin, trong đó có nhiều thông tin có giá trị.

Theo các phương thức và mức độ khác nhau nhưng đều có sự giúp đỡ tích cực từ quần chúng nhân dân. Nếu như trong vụ thảm án ở Bình Phước, quần chúng nhân dân cung cấp  thông tin bằng cách gọi điện, nhắn tin cho CQĐT thì ở vụ trọng án tại Quảng Trị, nhân dân ở đây là các y, bác sĩ đã vào cuộc bằng sự nhạy bén, chủ động, ý thức trách nhiệm rất cao, trước cả khi cơ quan Công an phát động tố giác; vụ án ở Yên Bái, người dân rất cảnh giác khi thấy đối tượng nghi vấn để vừa gọi điện báo tin, vừa theo dõi sát đối tượng. Còn ở Tương Dương, Nghệ An, nguồn tin của nhân dân từ ba cháu nhỏ - xin nhắc lại, dù chỉ là tin của trẻ em thôi, cũng rất đáng quý. Đây chỉ là 4 ví dụ trong nghìn vạn những việc hằng ngày người dân giúp đỡ cơ quan Công an, từ trong điều tra, phá án đến những công việc khác.

Nhân dân, quần chúng, ở đây là tất cả mọi người, có thể  họ là người nông dân, có thể họ là y, bác sĩ, cũng có thể là những đứa trẻ. Đó là hiệu quả việc phát huy “hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai”, là sự minh chứng sống động “khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều”. Ngẫm sâu xa, sự giúp đỡ ấy không phải tự nhiên có, không phải bỗng dâng đến, cũng như cây lá không tự dưng tốt, đó là cả quá trình tích tụ, thẩm thấu. Bác dạy: “Gặp trường hợp  nguy hiểm, nếu Công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo ở đây không phải là cái lối bề ngoài mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”…

Suy ngẫm những điều ấy, ngày thường đã ý nghĩa, mà vào Tháng Tám 70 mốc son lịch sử này càng giá trị.

Đăng Trường
.
.
.