Hội nhập và câu chuyện sính ngoại

Chủ Nhật, 30/12/2018, 09:34
Chẳng cần phân tích cũng thấy sính ngoại đang dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Sính ngoại làm thui chột nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng các giá trị truyền thống, làm cho nhiều doanh nghiệp, công ty Việt trở nên khó khăn trong kinh doanh, thậm chí phá sản.

Bạn có sính ngoại không?

Trong xu thế hội nhập hiện nay, hàng hóa nước ngoài tràn ngập vào nước ta với nhiều thương hiệu nổi tiếng từ dệt may (Zara, H&M...) cho đến ăn uống (pizza Hut, KFC...) đã tác động đến tâm lý, thói quen sử dụng của người dân. Một bộ phận người Việt chỉ thích dùng những hàng hóa có thương hiệu nước ngoài với giá hàng trăm đến hàng nghìn đô la. Nhưng chúng ta nghĩ sao khi trong đó có những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, sau một “vòng luân hồi” khi mang thương hiệu nước ngoài đã quay trở lại nơi đã sản xuất và bán với giá cao gấp nhiều lần. Càng đáng suy nghĩ hơn, tâm lý, sở thích dùng hàng ngoại thái quá ấy của người tiêu dùng đã khiến cho nạn hàng giả phát triển đáng lo ngại, gây thiệt hại cho biết bao người.

Cũng trong tiêu dùng, tháng 6-2018, khi dứa Việt Nam rất ế ẩm cho dù có giá tại vườn chỉ là 1.000 - 3.000 đồng/quả, khiến người trồng thật lao đao, thì dứa nhập từ Đài Loan lại có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg và “cháy hàng”. Rồi còn việc cứu lợn, cứu dưa hấu và rồi cứu vải...

Sính ngoại không chỉ thể hiện thông qua nhu cầu tiêu dùng “kỳ lạ” của một bộ phận người dân mà còn thể hiện ở việc gán ghép, sử dụng các từ ngữ nước ngoài vào các sản phẩm, thương hiệu Việt. Trong nhóm sản phẩm tiêu dùng, có thể thấy hàng dệt may Việt Nam đứng ở tốp đầu về việc mượn tên nước ngoài gán cho hàng nội địa như: Một số sản phẩm của Công ty cổ phần may Việt Tiến là hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại mang tên Manhattan, San seiaro, TT-up..., thậm chí có những thương hiệu Việt lấy luôn từ cái tên như Nino Maxx, Blue Exchange...

Các trung tâm thương mại, dự án bất động sản cũng có xu hướng gắn thêm mấy từ tiếng Anh cho “hợp mốt” như: Plaza, Tower, Times, Garden, City, Park...

Đáng chú ý, sính ngoại còn thể hiện ở tâm lý bài nội. Có một điều rất kỳ lạ xảy ra, đó là khi Việt Nam chưa có một hãng điện thoại, xe máy, ôtô thương hiệu thì nhiều người cho rằng người Việt kém cỏi, thâm chí còn đổ lỗi cho cơ chế, chính sách... nhưng khi có thì lại tỏ ra hoài nghi và chê bai. Điển hình: Năm 2015, khi ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Bkav giới thiệu mẫu điện thoại di động mang đậm dấu ấn Việt thì nó lại được một số người mang ra so sánh với các mẫu điện thoại của Samsung, Apple... với đủ từ ngữ chê bai và cùng với đó là những lời lẽ không thiện chí được viết khắp các trang mạng.

 Như vậy, có thể khẳng định “Sính ngoại” đang là hiện tượng tâm lý tiêu cực, được thể hiện ở tất cả các khía cạnh từ nhận thức, tư duy và hành động, có tốc độ lan truyền mạnh mẽ trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Sự ham thích, lạm dụng thái quá các sản phẩm vật chất, tinh thần ngoại nhập đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành, cổ vũ cho nhận thức, lối sống cho rằng “cái gì của ta cũng dở, cũng kém và cái gì ngoại nhập cũng hay, cũng tốt hơn”. 

Chẳng cần phân tích cũng thấy sính ngoại đang dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Ở góc độ tinh thần, văn hóa xã hội, nó tác động làm ảnh hưởng, thậm chí phá vỡ các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc những “báu vật” hơn bao giờ hết đang rất cần bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Ở góc độ kinh tế, nó tác động tiêu cực, kìm hãm, thậm chí kéo lùi sự phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời cũng gây ra nhiều điều không mong muốn khác.

Bạn có trái tim không?

Sính ngoại tạo điều kiện cho sự thâm nhập, chiếm lĩnh của các giá trị nước ngoài vào trong nước, làm suy giảm các giá trị Việt, nảy sinh những rào cản đối với nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi sản phẩm do người Việt tạo ra đều mang trong đó mồ hôi, công sức, trí tuệ, tâm huyết. Sính ngoại đã “vô tình” ngăn trở những nỗ lực, cố gắng, khát khao, cống hiến, phát triển của cộng đồng các doanh nghiệp trong nước.

 Trong hàng nghìn năm qua, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc là truyền thống quý báu đã ăn sâu vào máu, thấm đẫm vào xương của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nếu trong thời kỳ kháng chiến, đấu tranh cách mạng, yêu nước là sự can trường, dũng mãnh trên chiến trường, nêu cao khí phách “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Khi hoà bình lập lại, yêu nước lại biến thành quyết tâm phấn đấu đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc và trong đó có sự thấu cảm với những khó khăn, vất vả của đồng bào, ghi nhận những giá trị, thành tựu Việt, đồng lòng, chung sức đưa thương hiệu Việt lan tỏa khắp thị trường quốc tế.

Sony của Nhật Bản, Sam Sung của Hàn Quốc để có chỗ đứng trên thị trường quốc tế ngày hôm nay đã dựa vào niềm tin và sự ủng hộ của người dân chính những nước đó với những sản phẩm dù còn nhiều hạn chế nhưng mang thương hiệu quốc gia!

Bạn có thông minh không?

Giá trị của hàng hóa được phản ánh thông qua trao đổi và chịu tác động mạnh mẽ của thương hiệu, nhu cầu, thói quen tâm lý... chứ không chỉ phản ánh lao động hao phí của người sản xuất để tạo ra sản phẩm. Giá trị của các hàng hóa từ bên ngoài liệu có xứng đáng với giá đã niêm yết trên sản phẩm. 

Tính riêng năm 2017, Việt Nam là nước giữ vị trí thứ hai về xuất khẩu giày, dép, với 1,02 tỷ đôi giày, dép xuất khẩu trong tổng số hơn 27 tỷ đôi giày, dép xuất khẩu trên toàn thế giới, đặc biệt trong đó sản xuất 44% tổng lượng giày của Adidas. 

Và khi so sánh giá sản xuất và giá bán, sẽ không khỏi giật mình khi thấy chi phí sản xuất một đôi giày của Adidas tại Việt Nam từ khoảng 20 đến 30 đô la Mỹ nhưng cộng với các khoản phí khác như vận chuyển, bảo hiểm, hải quan, chi phí bán buôn, thuế... và bán tại Việt Nam có giá trên 100 đô la Mỹ.

Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam đã và đang vươn tầm thế giới, ngày càng củng cố vị thế như: Hòa Phát, Trung Nguyên, Hoa Sen... có giá xuất khẩu và giá tiêu thụ trong nước là hoàn toàn khác nhau, tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt được tiếp cận và sử dụng sản phẩm đảm bảo về chất lượng, phù hợp giá cả. Tuy nhiên, sính ngoại làm thui chột nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng các giá trị truyền thống, làm cho nhiều doanh nghiệp, công ty Việt trở nên khó khăn trong kinh doanh, thậm chí phá sản. Từ đó sẽ tác động đến tổng thể nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường lao động, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm.

Bên cạnh đó, cần phân biệt sính ngoại với việc tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại. Trong xu thế toàn cầu hóa, các giá trị tiến bộ cũng có xu hướng lan truyền nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới, để đảm bảo yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi mỗi cá nhân không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực, đặc biệt là những lĩnh vực là thế mạnh của nước ngoài như khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất, khả năng quản lý, điều hành... Cùng với đó, các công ty, doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố niềm tin, tạo chỗ đứng ngay trong lòng người Việt.

Một người Việt hãy sống đúng với những giá trị Việt, có sự tự tin lẫn lòng tự trọng!       

Th.S Hoàng Thịnh - Học viện Chính trị CAND
.
.
.