Hậu tăng lương tối thiểu vùng: Vẫn nhiều tâm tư

Thứ Năm, 24/08/2017, 08:22
Phương án tăng lương tối thiểu vùng đã được chốt với mức tăng 6,5%, tương đương mức tăng từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng mỗi vùng. So với phương án mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đưa ra, mức điều chỉnh này mới chỉ bằng một nửa. Không ít người lao động cho rằng, mức tăng này không tác động nhiều lắm đến đời sống của họ hiện nay.

Sau gần một tháng chốt mức lương tối thiểu vùng, cuộc sống của đa phần công nhân tại thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh) vẫn không có nhiều thay đổi. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Kim Anh cho hay, hai vợ chồng chị là công nhân, tổng thu nhập một tháng khoảng 8,5 triệu đồng.

Trừ tiền thuê nhà, điện nước, gửi đứa lớn, tiền sữa, tiền bỉm, tiền ăn…, mỗi tháng hai vợ chồng chị gần như không có đồng nào tích lũy.

 “Tiền lương tối thiểu năm 2018 được áp dụng cho vùng I là 3.980.000 đồng và nhà nước khuyến khích chủ doanh nghiệp áp dụng lương cơ bản cao hơn. Nhà nước chỉ “khuyến khích” thôi chứ không bắt buộc, vậy doanh nghiệp có thể không làm. Đặt trường hợp doanh nghiệp áp dụng đúng mức lương 3.980.000 đồng vào tiền lương cơ bản, không có các khoản phụ cấp khác, không có tăng ca, công nhân chúng tôi sẽ sống thế nào đây”, chị Anh thất vọng.

Cũng cảnh hai vợ chồng công nhân, anh Lê Văn Toán cho biết hai vợ chồng anh mới đi làm nên mức lương hiện tại chưa cao.

“Hai vợ chồng công nhân với tổng thu nhập là 7.860.000 đồng, có hai đứa con thì sẽ sống ra sao với tiền lương đó. Tôi xin liệt kê những khoản chi cố định như tiền nhà trọ cho cả gia đình sống tạm được vào khoảng 2 triệu đồng/tháng, với điều kiện nhà trọ không có máy lạnh, không có máy giặt, không có bếp điện… Tiếp đến là tiền học của hai đứa con, ngót nghét 2,5 triệu đồng/tháng. Còn lại chi cho tiền ăn. Mỗi bữa ăn tiết kiệm lắm thì cũng phải 15.000 đồng/bữa/người, chưa kể các ngày chủ nhật ở nhà, thêm các bữa cơm trưa. Sau khi trừ tiền nhà, tiền học cho con, tiền ăn, số tiền chúng tôi còn lại là 1.560.000 đồng. Đó là rất tằn tiện”, anh Toán kể.

Trong câu chuyện với chúng tôi, không ít công nhân đều thừa nhận, mỗi tháng vẫn có thể tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng nếu chi tiêu tằn tiện. Nguyễn Hoài Anh, công nhân KCN Đông Anh, quê Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, với những công nhân còn độc thân như chị thì cũng chưa nặng nề nhưng với những chị em đã có gia đình và con nhỏ thì câu chuyện không đơn giản. “Chúng tôi không được phép ốm. Chỉ một trận ốm là chúng tôi nợ đầy đầu, làm quần quật không trả nổi”, Hoài Anh thở dài.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mục đích chính của tăng lương tối thiểu là tăng sàn lương thấp nhất, còn việc tăng lương hàng năm nằm trong thỏa ước lao động tập thể.

Tuy nhiên, một vấn đề được ông Chính nêu ra là doanh nghiệp lợi dụng mức lương tối thiểu để làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân.

“Cái lợi cho người lao động khi điều chỉnh mức lương tối thiểu là tới đây người lao động sẽ được đóng bảo hiểm xã hội trên cái nền này. Cái sơ hở của chúng ta hiện nay là các doanh nghiệp cứ lấy tiền lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thực tế lương tối thiểu năm nay được điều chỉnh là nhằm nâng mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”, ông Mai Đức Chính chia sẻ.

Còn một vấn đề cũng đáng phải quan tâm hiện nay là theo quy định, từ 1-1-2018, tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ dựa trên tổng thu nhập, nhưng hiện doanh nghiệp vẫn có “cửa” để lách, đó là theo Nghị định 05 thì những khoản phải tính vào thu nhập là những khoản thường xuyên, còn những khoản không thường xuyên có thể lách ra.

“Tại nhiều doanh nghiệp có tình trạng 2 bảng lương, một bảng để quyết toán thuế, còn một bảng để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm phải liên kết với nhau, không thể có chuyện doanh nghiệp quyết toán thuế là 5,5 triệu đồng, nhưng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chỉ có 3 triệu đồng”, ông Chính nói.

Phan Hoạt
.
.
.