"Điểm mặt" hàng loạt sai phạm của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Chủ Nhật, 24/09/2017, 07:30
Tại kỳ họp thứ 17 từ ngày 13 đến 16-9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo kết luận về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Trong đó, ông Phạm Thế Dũng với cương vị của mình đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, sai phạm. Những sai phạm này đến mức phải thi hành kỉ luật. Vậy những sai phạm của ông Dũng là như thế nào?

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định mở 5 cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới Việt Nam và Campuchia để nhập khẩu gỗ có nguồn gốc từ Campuchia. Theo quy định, để mở cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới buộc phải có sự thống nhất, bàn bạc bằng văn bản đối với chính quyền địa phương phía nước bạn nơi mở cửa khẩu. Đồng thời về phía địa phương phải được trình ra Thường trực Tỉnh ủy, lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

Ông Phạm Thế Dũng (người đi đầu) đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.

Quy định là vậy, nhưng sau khi có quyết định, một số cơ quan, ban, ngành tỉnh Gia Lai đã đề cập việc “cần thiết phải có ý kiến” của phía Campuchia. Tuy nhiên, với cương vị của mình lúc bấy giờ, ông Dũng đã bút phê chỉ đạo: “Nếu có đề nghị thì bên họ (Campuchia) cũng không chịu đâu”.

Từ bút phê này, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã tham mưu làm thủ tục cho UBND tỉnh tiến hành mở 5 cửa khẩu phụ và cũng từ đây, các doanh nghiệp đã ồ ạt lấy gỗ từ Campuchia về thông quan qua các cửa khẩu phụ này. Chính việc làm này không chỉ sai về quy định, thủ tục mà còn khiến cho hàng trăm ngàn mét khối gỗ từ bên kia biên giới được đưa về thông quan qua 5 cửa khẩu phụ và hầu hết số gỗ này đều có “nguồn gốc không rõ ràng”. 

Một sai phạm khác của ông Dũng được UBKT Trung ương nêu ra, đó là có nhiều quyết định giao đất, cho thuê đất khi chưa có quy hoạch, không tổ chức đấu giá. Cụ thể như trong giai đoạn 2008-2010, với chủ trương thu hút đầu tư, UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý để nhiều doanh nghiệp bất động sản được thuê hàng chục hécta “đất vàng” với giá thấp mà không cần phải đấu thầu.

Sau khi được thuê đất, các doanh nghiệp đã triển khai các dự án dân cư, bất động sản và thu lợi số tiền khổng lồ, trong khi đó ngân sách nhà nước thu lại được chẳng được bao nhiêu. Ngoài ra, trong giai đoạn 2010-2012, tỉnh Gia Lai đã giao trên 50.000ha đất rừng để 16 doanh nghiệp chuyển đổi rừng nghèo qua trồng cao su, trong số này có 5.000 ha đất dự án nằm ngoài quy hoạch.

Điều đáng nói là trong số diện tích đất rừng chuyển đổi sang trồng cao su này thì có tới 9.000ha bị chết cháy, không cho mủ hoặc không mang lại hiệu quả. Chính việc làm này đã khiến hàng nghìn hécta rừng bị chặt phá, nhiều người dân bị mất đất canh tác…

Một trong những sai phạm nghiêm trọng khác của ông Dũng được UBKT Trung ương nêu ra là thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Cụ thể như trường hợp của bà Trần Thị Lý (em gái cùng cha khác mẹ của ông Dũng). Bà Lý có xuất thân từ nhân viên lao động bên ngoài, sau đó được tuyển dụng vào công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai.

Từ vị trí kế toán, bà Lý được cân nhắc và thăng tiến dần, hiện bà Lý đang là Phó Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai. Chồng bà Lý, ông Phạm Đức Mạnh, vốn xuất thân từ nhân viên lái xe, sau đó được tuyển dụng, được bổ nhiệm làm cán bộ rồi lên lãnh đạo cấp đội thuộc Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai.

Hiện ông Mạnh là Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai. Ngoài ra, con trai ruột ông Dũng là ông Phạm Trần Anh khi được bổ nhiệm làm Chánh tranh tra Sở Nội vụ Gia Lai cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các trường hợp có sai sót về việc bổ nhiệm 3 người thân của gia đình ông Dũng đã được Bộ Nội vụ yêu cầu tỉnh Gia Lai khắc phục.

Theo kết luận của UBKT Trung ương, ông Phạm Thế Dũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Tỉnh ủy và quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm Quy định số 51 và 231 của Ban Bí thư về quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy với các đảng đoàn, ban cán sự đảng; vi phạm trong chỉ đạo, quyết định giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá và quyết định đầu tư các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, khai thác mỏ; mở các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không đúng quy định của Chính phủ; thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Phạm Thế Dũng là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Chi sai hơn chục tỷ đồng, ba cán bộ tỉnh bị đề nghị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Gia Lai vừa có thông báo kết luận những sai phạm của 3 cán bộ Văn phòng HĐND tỉnh trong việc thu chi tài chính số tiền hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này cũng giao Thường trực UBKT Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành xử lý kỷ luật đảng đối với 3 cán bộ này. Theo đó, 3 cán bộ để xảy ra sai phạm gồm: ông Nguyễn Thế Quang, nguyên Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; ông Vũ Tiến Anh, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh và bà Nguyễn Thị Lựu, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh.

Theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Gia Lai, trong giai đoạn 2013-2016, những cán bộ này đã để xảy ra hàng loạt sai phạm như: Tiếp khách không đúng đối tượng, nguồn kinh phí, hồ sơ không bảo đảm, không đúng thực tế với số tiền trên 3,5 tỷ đồng; sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động đối ngoại, công tác an ninh không đúng quy định 1,185 tỷ đồng; lập khống chứng từ để mua văn phòng phẩm với số tiền sai phạm hơn 1,125 tỷ đồng; dù không mua quà Tết, vẫn thanh toán hóa đơn 216 triệu đồng và thanh toán khống “tiền ăn” hội nghị hơn 162 triệu đồng...

Trong tổng số 11,221 tỷ đồng sai phạm bị phát hiện thì ông Nguyễn Thế Quang và bà Nguyễn Thị Lựu sai phạm trên 10,7 tỷ đồng. Đối với ông Vũ Tiến Anh, dù mới nhận chức vụ Chánh Văn phòng HĐND từ tháng 7-2016 nhưng chỉ trong 6 tháng sau đó, đã duyệt chi sai quy định với tổng số tiền là 470 triệu đồng.

Thông báo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Gia Lai cũng nhận định: Những sai phạm tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai là rất nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Trong đó, ông Quang là thủ trưởng cơ quan, chủ tài khoản, là người chịu trách nhiệm chính. (Văn Thành)

V.Thành-T.Dũng
.
.
.