Giám sát vẫn nặng về báo cáo, thiếu cơ chế xử lý trách nhiệm

Thứ Năm, 22/10/2015, 10:15
Cho ý kiến về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chiều 21/10, nhiều đại biểu đã góp ý về việc phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của cử tri và thể hiện rõ vai trò, chức năng của các cơ quan dân cử.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: Giám sát và quyết định là 2 chức năng cơ bản gắn bó mật thiết trong hoạt động của Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND). Những vấn đề lớn của đất nước sau khi được QH, HĐND quyết định thì phải được giám sát việc tổ chức thực hiện. Do đó, quy định về điều này trong luật phải nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát hiện nay chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vẫn còn “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đánh giá đúng tình hình. Mặc dù theo Nghị quyết, văn bản thì đoàn giám sát rất đầy đủ thành phần, nhưng khi đến làm việc chỉ có vài đại biểu, thời gian giám sát hạn chế, gói gọn trong 1 ngày thậm chí 1 buổi. Kết thúc giám sát, đoàn giám sát cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận những gì địa phương kiến nghị. Đại biểu kiến nghị cần nâng cao chất lượng giám sát, giải quyết những bất cập trong thực tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đây cũng là quan điểm của rất nhiều đại biểu như đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hải Phòng). Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng vấn đề tất cả chúng ta đều quan tâm là hiệu quả cuối cùng của hoạt động giám sát, nếu không thì hoạt động đó là vô nghĩa, “đoàn đến rồi đoàn lại đi; địa phương chẳng chuyển biến gì cũng… không sao”. Các đại biểu cũng gặp nhau tại một điểm là nhận thấy các quy định về hoạt động giám sát tại dự thảo luật chưa xứng tầm, đặc biệt giao quá ít quyền cho đoàn ĐBQH địa phương.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu một thực tiễn là chưa từng có ai giám sát trình tự thủ tục các cơ quan giải quyết một đơn thư, nên phổ biến trường hợp đoàn ĐBQH chuyển đơn thư đi và chỉ biết ngồi đợi trả lời. Điều này dẫn đến tình trạng “Cử tri trông chờ vào ta (tức ĐBQH), ta trông chờ vào quy định nào đó rất mơ hồ” và sự việc không được giải quyết dứt điểm. Đại biểu cũng đưa thực tế là hiện hoạt động giám sát được tổ chức bởi rất nhiều cơ quan, các cuộc giám sát kiểm tra diễn ra liên miên, đoàn này chưa đi đoàn khác đã đến, hết đoàn Quốc hội lại đến đoàn Mặt trận Tổ quốc… nhưng lại không có sự phối hợp chặt chẽ, vừa gây khó khăn cho hoạt động của đối tượng giám sát, vừa hiệu quả không cao. Đọc lại báo cáo giám sát từ những kỳ trước đây sẽ thấy dường như đến giờ vẫn thế, việc các đối tượng bị giám sát có thực hiện kiến nghị của đoàn giám sát không ít được quan tâm. Đại biểu đề nghị phải “cá nhân hoá” hạn chế, yếu kém, quy trách nhiệm cho những người cụ thể với việc xử lý trách nhiệm rõ ràng để họ có trách nhiệm khắc phục.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng bấy lâu nay giám sát, đặc biệt là chuyên đề còn hình thức vì còn nghe ngóng báo cáo. “Các cụ nói phải ở trong chăn mới biết chăn có rận, đề nghị quy định về giám sát chuyên đề cần bổ sung một số phương thức để đoàn giám sát thực hiện cho tốt. Đoàn giám sát phải có trách nhiệm nghiên cứu trực tiếp hồ sơ tài liệu liên quan đến hoạt động giám sát, có quyền gặp hỏi những người liên quan, trực tiếp xem xét thực địa.

Ví dụ giám sát oan sai phải được nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ đối tượng, cơ quan điều tra để trực tiếp lắng nghe. Giám sát việc sử dụng đất đai nông lâm trường phải xuống đó, gặp gỡ mới phát hiện nông lâm trường nào phát canh thu tô, mới phát hiện ra nơi đâu đo đạc trên giấy tờ, hay nông lâm trường nào chỉ đổi tên chứ không đổi mới hoạt động, nên hiệu quả sử dụng đất thấp…”.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải tự thanh tra kiểm tra và thông báo lại cho đoàn giám sát kết quả, vì nguồn lực về thời gian, con người của đoàn giám sát rất hạn chế. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của chủ thể giám sát, chịu trách nhiệm về việc kết luận giám sát phải cụ thể, khách quan, trung thực, phản ánh đúng hoạt động và vi phạm pháp luật của chủ thể bị giám sát, từ đó đưa ra kiến nghị, yêu cầu phải rõ ràng, có địa chỉ, đặt ra thời hạn cụ thể và khả thi. Trong trường hợp báo cáo giám sát đã đảm bảo các yêu cầu đó, nếu chủ thể bị giám sát cố tình không thực hiện thì tuỳ theo mức độ mà xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, dù tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng khi trả lời chất vấn bằng văn bản, người bị chất vấn phải trực tiếp mà không ủy quyền cho người khác trả lời; nhưng các đại biểu vẫn chưa nhất trí.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa “than phiền” về việc các chức danh nhận được chất vấn như Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân lại thường uỷ quyền cho Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch UBND. Do đó, luật cần quy định rõ theo hướng các chức danh bị chất vấn (kể cả khi trả lời trực tiếp) không được uỷ quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn vì đại biểu là đại diện cho cử tri mà cử tri mong muốn được đúng chức danh trả lời. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng thống nhất với quan điểm này, tuy nhiên nên quy định linh hoạt hơn là người đứng đầu chỉ được uỷ quyền cho cấp phó trả lời khi vắng mặt.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị): Nếu quá nửa đại biểu bỏ phiếu không tín nhiệm thì phải từ chức
Đóng góp ý kiến vào nội dung lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng kỹ thuật văn bản thì Luật ban hành sau Nghị quyết 85 nên phải loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị quyết (là văn bản pháp luật có hiệu lực thấp hơn), nhưng đây lại để trùng nhau là không phù hợp với kỹ thuật lập pháp. Đại biểu cho rằng có sự trùng lắp giữa Nghị quyết 85 và dự thảo luật nên đề nghị Luật chỉ quy định khái quát 4 điểm là đối tượng, thời điểm, các mức tín nhiệm và hậu quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Còn trình tự, thủ tục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Đại biểu cũng đề nghị khi chức danh được quá nửa đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm thì phải từ chức chứ không phải “có thể xin từ chức”. Việc xin từ chức phải ở giai đoạn lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “Không phải có tấm vải tốt thì sẽ có quần áo đẹp”
“Khi tổng kết hoạt động giám sát đã nói rất rõ là luật chưa đảm bảo cho công tác giám sát có hiệu quả, chủ thể giám sát chưa có trách nhiệm thực hiện kiến nghị của đoàn giám sát. Tôi rất đồng tình với việc sửa luật, nhưng phải làm rõ mấy vấn đề để đảm bảo chủ thể và đối tượng giám sát chấp hành cho nghiêm. Không phải có vải tốt mà đã có quần áo đẹp, mà còn phải do ông thợ may. Phải đảm bảo luật được thiết kế tốt đã đành, nhưng cũng phải làm rõ thêm trách nhiệm của chủ thể và đối tượng giám sát, nếu không thì đoàn giám sát kéo đến rất đông, nghe báo cáo qua loa, chả đi thực tế gì cả, liên hoan xong là về. Người dân rất mong muốn việc giám sát phải cụ thể, phải nghe đối tượng thụ hưởng, chứ giám sát chương trình cho người nghèo mà không hỏi người nghèo, dê “lạc” đến nhà Chủ tịch xã cũng không biết thì không được. Nếu không quy định chặt chẽ thì người làm sẽ rất qua loa”.
.
.
.