Giải quyết vấn đề ngập, lụt ở TP HCM nhìn từ hệ thống kênh rạch

Thứ Ba, 25/10/2016, 09:41
Hệ lụy từ việc xem nhẹ chức năng thoát nước, trữ tạm nước mưa của hệ thống kênh, rạch trong thời gian dài đã phải trả giá khi người dân phải thường xuyên hứng chịu cảnh ngập lụt do mưa lớn không có chỗ thoát và triều cường tràn vào kênh, rạch.


Địa bàn TP Hồ Chí Minh có đến 3.020 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài trên 5.000km. Do đó, nếu giữ được diện tích mặt nước, khơi thông dòng chảy và điều tiết được mực nước trong các tuyến kênh, rạch này, hệ thống kênh rạch sẽ phát huy hiệu quả rất lớn trong việc trữ tạm nước mưa, ngăn triều cường để giảm tình trạng ngập lụt cho thành phố.

Thế nhưng ngoài tình trạng để người dân ồ ạt xây dựng lấn chiếm thu hẹp lòng kênh, thời gian qua đã có hàng trăm tuyến kênh, rạch bị san lấp một cách vô tội vạ, mất hẳn tên khỏi bản đồ chỉ bằng cách đơn giản là cho thay thế bằng cống hộp để lấy đất làm dự án nhà ở hay khu dân cư.

Hệ lụy từ việc xem nhẹ chức năng thoát nước, trữ tạm nước mưa của hệ thống kênh, rạch trong thời gian dài đã phải trả giá khi người dân phải thường xuyên hứng chịu cảnh ngập lụt do mưa lớn không có chỗ thoát và triều cường tràn vào kênh, rạch. Hoặc chỉ với việc cho lấp xuống, đào lên một tuyến kênh dài chưa đầy 2km, thành phố đã phải chi trả hàng ngàn tỷ đồng.

Bài 1: Thảm họa từ việc phá hoại dòng chảy tự nhiên

Theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường, thì đã có đến 30% số kênh, rạch bị lấp. Còn theo công bố của một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, chỉ trong giai đoạn 1996-2008 trên địa bàn thành phố đã có 100 tuyến kênh rạch với diện tích lên đến 4.000ha bị san lấp hoặc lấn chiếm.

Lấn chiếm kênh rạch những năm trước đây đã trở thành phổ biến, nhưng theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố, trong những năm gần đây mới có một số ít tuyến kênh được đầu tư dự án xử lý ô nhiễm môi trường, thoát nước và chỉnh trang đô thị.

Cũng do nguồn lực có hạn, nên mới chỉ có hơn 80km trong tổng số 5.075km sông, kênh, rạch của thành được nạo vét như kênh Tham Lương - Bến Cát và rạch Nước Lên, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè và kênh Tân Hóa Lò Gốm.

Mặt nước rạch Cầu Sơn đã bị người dân 2 bên lấn chiếm để xây nhà.

Về điều kiện tự nhiên của thành phố, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS nhìn nhận: TP Hồ Chí Minh là thành phố sông nước, nhiệt đới của phương Nam với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch.

Hơn 20 năm qua, thành phố đã làm nên kỳ tích chỉnh trang lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hũ - Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa - Lò Gốm và hiện nay đang tiếp tục chỉnh trang kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã mang lại bộ mặt mới cho nhiều vùng dân cư lụp xụp trên và ven kênh, rạch. Thành phố cũng đã thể hiện dũng khí để sửa sai việc lấp kênh Hàng Bàng gần 20 năm trước đây bằng quyết định khai thông, đào hở lại con kênh này.

Ông Châu cũng kỳ vọng rằng từ sau việc làm này, thành phố sẽ tiếp tục cho khôi phục lại đoạn thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã biến thành cống hộp để góp phần tiêu thoát nước cho khu vực Tân Bình và sân bay Tân Sơn Nhất.  

Không đảm bảo diện tích dẫn dòng, thoát nước do kênh rạch bị bồi lấp, lấn chiếm, đầu những năm 2000, thành phố đã chủ trương buộc DN BĐS phải đào lại hồ để trả lại diện tích mặt nước bị san lấp trong khu vực dự án.

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng thoát nước - Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố, để ứng phó với mưa lớn có vũ lượng vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước gây ngập cục bộ cho nhiều khu vực, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện quy hoạch 104 hồ điều tiết nước tập trung và phân tán.

Trung tâm chống ngập cũng đã kiến nghị thành phố quy định những khu đô thị mới xây dựng phải làm hồ điều tiết nước với diện tích phù hợp để điều tiết nước mưa cục bộ cho khu vực dự án khi xảy ra mưa lớn. Song đến nay mới chỉ có một số ít hồ được triển khai làm bởi ngoài lý do mặt bằng, còn cần phải có vốn đầu tư.

Chẳng hạn hồ điều tiết nước mưa cục bộ đầu tiên của thành phố chỉ có diện tích 3,6ha, vốn đầu tư đã vượt qua con số 200 tỷ đồng. Trong khi đó với hệ thống kênh rạch hiện hữu, chỉ cần nạo vét, khơi thông dòng chảy và kiểm soát tốt mực nước kênh rạch vào mùa mưa là đã có thể tạo được những hồ chứa tạm nước mưa khổng lồ.

Đến nay, thành phố đã phê duyệt 112 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thuỷ với tổng chiều dài trên 950km, rạch phục vụ thuỷ lợi. Ngoài ra, một loạt các tuyến kênh rạch có chức năng thoát nước cũng đã được xác định. Nhưng do việc thực hiện các quy định bảo vệ kênh rạch chưa nghiêm trong những năm qua khiến các tuyến kênh, rạch trên địa bàn đã không được ứng xử đúng mực. Kể cả với sông Sài Gòn - nơi cung cấp nguồn nước uống, tuyến giao thông thủy quan trọng của thành phố.

Theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố, từ năm 2014 đến nay vẫn còn tồn tại 44 vị trí lấn chiếm kênh, rạch. Khi các cơ quan có trách nhiệm mới chỉ xử lý được 2 vị trí, thì lập tức đã phát sinh thêm 19 vị trí mới bị lấn chiếm. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn còn tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả của hệ thống cống thoát nước ra kênh, rạch. Điều này càng thể hiện việc xử lý lấn chiếm kênh rạch, cửa xả thoát nước là chưa kiên quyết, kịp thời. 

Trong vòng 20 năm qua, để triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch, giải quyết ô nhiễm môi trường, khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước… thành phố đã tiến hành giải tỏa, di dời tổng cộng 35,6 ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch. 

Song theo Sở Xây dựng thành phố, chưa tính số lượng nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch của 67 tuyến kênh, rạch do chưa được cắm mốc hành lang. Thì đến thời điểm này trên địa bàn vẫn còn ít nhất 17 ngàn căn nhà lụp xụp nằm trong hành lang bảo vệ hoặc nằm trên diện tích mặt nước các tuyến kênh rạch.

Trong khi đó, chỉ với kế hoạch giải tỏa, di dời 11.600 hộ dân sống trên và ven các tuyến kênh lớn trong vòng 5 năm tới, Sở Xây dựng thành phố đã đưa ra khoản chi phí để thực hiện đền bù, giải tỏa lên đến 12.400 đồng. 

Làm sao có thể bố trí được nguồn vốn lớn như vậy và làm thế nào để người dân đồng loạt hưởng ứng việc thực hiện di dời trong một khoảng thời gian ngắn vẫn là vấn đề khiến các cấp chính quyền thành phố phải “đau đầu”.

Đức Thắng
.
.
.