Giá thuốc bị thao túng, đẩy cao ngất ngưởng

Thứ Sáu, 20/11/2015, 09:27
Sáng 19/11, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Dược (sửa đổi). Đây là dự luật quy định nhiều vấn đề động chạm đến đời sống dân sinh như giá thuốc tăng cao, chất lượng thuốc không đảm bảo, bác sỹ kê đơn để hưởng hoa hồng, nhiều khâu trung gian lòng vòng viên thuốc mới đến được tay người dân…

Theo đó, dự thảo luật đã quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch. Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc.
Giá thuốc bị thao túng, bệnh nhân bị thiệt đủ đường.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các quy định về giá thuốc của dự thảo luật cần quan tâm vấn đề thuốc do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả (chiếm trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ khám chữa bệnh không do quỹ BHYT chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá.

Do vậy, cần phải có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh đối với các loại thuốc gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao”. Bên cạnh đó là tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi. Đề nghị xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân.

Thảo luận tại tổ chiều 19/11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo luật thiếu quy hoạch về mạng lưới lưu thông phân phối thuốc: “Đáng lẽ một viên thuốc sản xuất từ nhà máy đi qua công ty phân phối sẽ đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện ở Việt Nam phải qua nhiều tầng lớp trung gian, đội rất nhiều chi phí, khiến giá thuốc tăng cao, đặc biệt là những loại dược phẩm nước ngoài”.

Đại biểu đề nghị phải có chính sách quy hoạch lại mạng lưới này để quyền lợi của người dân là trên hết, chứ không vì lợi ích nhóm hay vấn đề gì khác. Về cơ chế quản lý giá thuốc, đại biểu thừa nhận trên thị trường gần 30.000 mặt hàng thuốc thì không thể kiểm soát được hết nhưng chúng ta phải phân tích xem tại sao báo chí nói, người dân nói, các ban ngành nói, mọi người đều nói giá thuốc tăng trong khi CPI không tăng.

“Chúng ta phải thấy rõ chuyện độc quyền, nâng giá chưa kiểm soát được; tầng lớp trung gian mua bán lòng vòng; mua chuộc bác sỹ kê đơn. Dự thảo phải có quy định hạn chế tối đa tầng lớp trung gian, chế tài thật nghiêm, chứ lâu nay chưa thấy ai bị phạt về vấn đề này” – đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị. Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cũng chưa yên tâm với giá thuốc hiện nay: “Trách nhiệm, nguyên tắc được quy định rõ nhưng biện pháp quản lý mới chỉ thể hiện ở việc đấu thầu. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành dự thảo nghị định kèm theo để những lần góp ý tới thấy được việc quản lý giá thuốc như thế nào. Giá thuốc phải đi đôi với chất lượng, tức “tiền nào của ấy”.

Đề cập tình trạng ngay tại Hà Nội mà hai cửa hàng dược cạnh nhau có thể bán giá chênh lệch 3 - 4 lần vì không ai quản lý, không ai siết lại, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) góp ý: "Giá thuốc với giá trị phải tương thích với nhau, chứ giá trị chỉ có 1 mà giá thuốc 10 lần thì không được. Đặc biệt với thuốc nhập khẩu các nhà thuốc cứ tăng vô tội vạ, gây bức xúc cho nhân dân. Chỉ cần tăng giá thuốc, người nghèo không có tiền mua thuốc thì sinh mạng của họ mong manh hơn rất nhiều…”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Giá thuốc phải tuân theo thị trường và được quản lý công khai, minh bạch.

Việc quản lý giá rấtcông khai, minh bạch và được thực hiện theo các luật hiện hành là Luật về giá, Luật đấu thầu và Nghị định hướng dẫn về đấu thầu thuốc mà Chính phủ đã ban hành. Theo đó, việc đấu thầu thuốc sẽ có một số nội dung chính sửa đổi là ưu tiên cho thuốc gốc, thuốc nội; hai là đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia, một số thuốc tập trung ở cấp tỉnh và sẽ ban hành danh mục thuốc tập trung đấu thầu…

Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá. Tuy nhiên phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để thực hiện đúng luật đấu thầu và luật giá. Ở đây thay vì sử dụng tuân theo Luật phải kê khai niêm yết giá mà mặt bằng giá ngang với các nước có cùng trình độ y tế, kinh tế tương đương thì chúng ta phải tuân theo hai hình thức, một là theo thị trường; hai là quản lý giá một cách công khai, minh bạch với thuốc do ngân sách Nhà nước cấp (ví dụ thuốc chi trả từ Quỹ BHYT và các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như thuốc phòng chống dịch).

Như vậy nó cũng khắc phục được cơ bản là chênh lệch giá quá lớn giữa các địa phương, sẽ không có tình trạng kê khai giá cao quá mức. Hình thức này sẽ công khai, minh bạch, bảo đảm cung ứng đủ chất lượng và giá cả chấp nhận được. Nó cũng hội nhập với quy định hiện nay của các nước về quy trình quản lý giá và đấu thầu thuốc.

Quỳnh Vinh
.
.
.