“Virus tin giả” trên không gian mạng

Fake news – Con bài của những đối tượng cầm đầu trong vụ Đồng Tâm

Thứ Hai, 02/03/2020, 09:08
Bài viết sau đây chỉ ra những chiêu trò tung tin thất thiệt trên không gian mạng của những kẻ vì lợi ích cá nhân, những kẻ nhận tiền tài trợ của tổ chức khủng bố, tổ chức phản động… để chống đối chính quyền, làm mất đi sự bình yên của thôn quê.

Vụ án chống người thi hành công vụ, giết người xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào sáng 9/1 khiến 3 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh gây chấn động dư luận. 

Sự hy sinh của những chiến sỹ Cảnh sát trong những ngày giáp Tết giữa thời bình để lại niềm tiếc thương khôn xiết, khiến người dân bất bình, phẫn nộ với những kẻ chống đối điên cuồng tại Đồng Tâm cùng những thế lực chống lưng.

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, trước và sau thời điểm 9/1, những đối tượng cầm đầu đã liên tục dùng con bài tin giả (fake news) để hướng lái dư luận trong nước và quốc tế theo ý đồ của họ. Bài viết sau đây chỉ ra những chiêu trò tung tin thất thiệt trên không gian mạng của những kẻ vì lợi ích cá nhân, những kẻ nhận tiền tài trợ của tổ chức khủng bố, tổ chức phản động… để chống đối chính quyền, làm mất đi sự bình yên của thôn quê.

Ma trận tin bịa đặt, xuyên tạc

Không nằm trong số 14 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng sân bay Miếu Môn, không có quyền lợi trực tiếp liên quan đến vụ khiếu nại đất đai ở khu vực Đồng Sênh, xã Đồng Tâm nhưng Lê Đình Kình và một số đối tượng đã thành lập “tổ đồng thuận” để khiếu nại, phản đối chính quyền các cấp, gây nhiều bất ổn tại địa phương. Động cơ của Lê Đình Kình và những đối tượng trong “tổ đồng thuận” là nhằm trục lợi, nhận hậu thuẫn và hỗ trợ từ các tổ chức phản động hải ngoại.

Các đối tượng (từ trái qua phải): Nguyễn Vãn Ðài; Lisa Phạm; Hồ Cương Quyết; Trần Ngọc Tuấn được xác định đứng đằng sau vụ chống phá tại Ðồng Tâm.

Chính vì thế, trong nhiều năm liền, các đối tượng đã tô vẽ những thông tin sai lệch xung quanh việc đất đai ở Đồng Tâm nhằm hướng lái dư luận cảm thương sự thiệt thòi của người dân “mất đất” cũng như sự thiếu minh bạch của các cấp chính quyền trong quản lý, sử dụng, đền bù đất đai…

Đã có rất nhiều thông tin sai lệch về bản chất vụ việc này được khai thác để viết bài, đăng tải trên các trang mạng và nhận hàng nghìn lượt tương tác. Chính những thông tin nhiễu loạn này đã khiến cho việc giải quyết của cơ quan chức năng gặp khó khăn.

Đáng chú ý là sau thời điểm tháng 4/2017, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện đất đai ở Đồng Tâm. Khi kết quả thanh tra được công bố, những đối tượng trong nhóm Lê Đình Kình tiếp tục khiếu kiện và Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Tuy nhiên, ngay cả khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra và công bố rằng kết quả thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội hoàn toàn chính xác thì những đối tượng trên vẫn ra sức chống đối. Họ tiếp tục sử dụng chiêu bài “nói lấy được” khi phát tán những tài liệu sai lệch về đất Đồng Sênh, sân bay Miếu Môn…

Trước ngày 9/1, khi lực lượng quân đội chuẩn bị xây hàng rào sân bay Miếu Môn, các đối tượng tăng cường chống phá. Họ lợi dụng triệt để mạng xã hội Facebook để livestream, phát tán các tài liệu sai lệch cũng như đưa ra những tuyên bố “rùng rợn” về việc chống phá đến cùng. Những tuyên bố “tử thủ” gây sốc của nhóm đối tượng này đã thu hút những cư dân mạng có độ “hóng” cao và nhận được nhiều tương tác…

Cùng với đó là sự cổ vũ của những đối tượng chống phá trong và ngoài nước, nhóm của Lê Đình Kình càng ngông cuồng… Mạng ảo là một trong những tác nhân cộng hưởng với những ảo vọng, biến Lê Đình Kình và đồng bọn trở thành những kẻ giết người tàn độc.

Sau khi lực lượng chức năng tổ chức trấn áp số đối tượng chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm, trên Internet tràn ngập các thông tin, biến không gian mạng thành nơi chứa đựng “tả pí lù” những thông tin hư hư thực thực.

Chỉ tính từ sáng 10/1 đến 18h ngày 11/1, có khoảng 1.000 bài đăng trên các trang điện tử, blog; gần 20.000 tin, bài, video clip đăng trên Facebook; 200 video clip trên youtube…Những tin tức, hình ảnh này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác, bình luận, cổ suý, kích động chống phá.

Các hãng thông tấn có xu hướng chống đối Việt Nam như RFI, BBC, RFAm VOA…, các trang mạng phản động như “Việt Tân”, “Báo Tiếng dân”, “Nghiệp đoàn báo chí”, “Việt Nam thời báo”… và số chống đối trong và ngoài nước như Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài… liên tục đăng tải, cập nhật hàng loạt tin, bài như: “Ai chỉ đạo vụ Đồng Tâm”, “Đòi minh bạch thông tin trong vụ Đồng Tâm”, “Người dân thiệt mạng vì muốn giữ đất”…

Nội dung các tin bài chủ yếu tập trung xuyên tạc bản chất vụ việc, vu cáo chính quyền chỉ đạo lực lượng Công an sử dụng vũ khí quân dụng đàn áp người dân Đồng Tâm vô tội nhằm “cướp” đất để phục vụ “lợi ích nhóm”; vu cáo, quy kết các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công an phải chịu trách nhiệm khi chỉ đạo lực lượng Công an, Quân đội tấn công người dân; tuyên truyền hoạt động chống đối chính quyền của đối tượng cực đoan tại Đồng Tâm là “cuộc chiến chính nghĩa”, “phòng vệ chính đáng”; kêu gọi cộng đồng mạng tán phát, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video clip phản ánh sai lệch bản chất vụ việc để yêu cầu các tổ chức nhân quyền, hãng thông tấn báo chí, toà án quốc tế quan tâm, theo dõi và tiến hành điều tra “toàn diện” vụ Đồng Tâm.

Các đối tượng Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thị Tâm được xác định là đóng vai trò như đầu mối thu thập, phát tán thông tin tại Đồng Tâm. Những người này đã cố tình đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc, kêu gọi các đối tượng chống đối ở nước ngoài phát tán lên không gian mạng, gây sự nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, mất niềm tin trong quần chúng nhân dân…

Một số tài khoản Facebook của những người từng là phóng viên cũng đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc, công kích lực lượng Công an “đối đầu” với dân tại Đồng Tâm. Các nhóm “Nhà xuất bản tự do”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, “CLB Lê Hiếu Đằng”, “Hội nhà báo độc lập”, “Văn đoàn Việt Nam” và 25 đối tượng chống đối ra bản “Tuyên ngôn Đồng Tâm 9.1.2020”.

Mặc dù nêu ra những điểm phi lý, bịa đặt nhưng những thông tin trên lại được chia sẻ mạnh trên Internet và có hàng chục tổ chức, hàng trăm cá nhân hưởng ứng ký tên vào cái gọi là “Bản tuyên bố” trên…

Sự thật chỉ có một

Coi việc lực lượng chức năng tổ chức trấn áp các đối tượng chống đối vào sáng 9-1 như cơ hội vàng để xuyên tạc sự thật, kích động, lôi kéo người dân chống lại chính quyền, những kẻ cơ hội đã tung ra cả một rừng thông tin giả trên không gian mạng. Trong bối cảnh đó, truyền thông chính thống đã phát huy vai trò cơ quan báo chí chân chính khi đưa tin trung thực, khách quan về sự việc.

Ngay trong sáng 9/1, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa tin về việc một số đối tượng chống đối tại địa bàn xã Đồng Tâm sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, hậu quả khiến 3 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh.

Trên các trang điện tử, hãng thông tấn trong nước và hàng loạt các báo khác đều đưa tin về vụ việc các đối tượng cản trở việc xây dựng tường rào quanh sân bay Miếu Môn, chống người thi hành công vụ. Việc cơ quan báo chính thống đưa tin khách quan, viện dẫn hồ sơ, căn cứ pháp lý giúp người dân hiểu đúng bản chất vụ việc.

Ngoài ra, thông tin về nhóm “Lê Đình Kình” nhận tiền từ tổ chức khủng bố Việt Tân, từ các thế lực chống đối bên ngoài được cơ quan Công an điều tra, làm rõ và đăng tải công khai đã phần nào cho thấy sự thật đằng sau những tuyên bố giữ đất của họ.

Trong khi các đối tượng chống phá điên cuồng thêu dệt những thông tin không đúng sự thật nhằm hướng lái dư luận theo ý đồ của mình thì trên Facebook lan truyền những câu chuyện rất đỗi dung dị của người chiến sỹ Công an hy sinh tại Đồng Tâm.

Bức ảnh người chiến sỹ trong quân phục Cảnh sát cùng cô dâu xinh đẹp trong tà áo dài truyền thống được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội là một ví dụ. Người chiến sỹ mới 27 tuổi – Đại uý Nguyễn Công Huy đã bị những kẻ ngông cuồng tại Đồng Tâm cướp đi mạng sống, hạnh phúc. Vợ anh – cô gái trẻ mới 25 tuổi bỗng chốc thành goá bụa. Con anh – cháu bé mới vài tháng tuổi còn chưa biết gọi cha vĩnh viễn mất đi điểm tựa thiêng liêng.

Dòng người đến tiễn biệt 3 liệt sỹ: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô; Đại uý Nguyễn Công Huy; Thượng uý Dương Đức Hoàng Quân vào ngày 16/1 tại Nhà tang lễ Quốc gia cho thấy, những người dân chân chính tin vào những gì mắt thấy, tai nghe chứ không phải thứ luận điệu của những “anh hùng bàn phím”, của những kẻ bợ đỡ thế lực thù địch bên ngoài để nhận tiền hay những kẻ giương “lá cờ dân chủ” nửa vời.

Cũng trên không gian mạng, những tin bài về phát biểu của người đứng đầu Chính phủ khi nêu quan điểm xử lý vụ Đồng Tâm; về hành động manh động, coi thường pháp luật của nhóm đối tượng tại Đồng Tâm; về công việc của người chiến sỹ Công an và những hy sinh của họ… nhận được nhiều triệu lượt tương tác, tiếp cận của bạn đọc.

Trong rừng thông tin trên không gian mạng, nhiều độc giả đã tìm đến những nguồn tin chính thống để hiểu đúng, hiểu đủ về sự việc. Bởi, tiếp cận sự thật là quyền và nhu cầu của mọi người Việt Nam chân chính.

Tin giả về dịch bệnh COVID-19 hay trong vụ việc Đồng Tâm đều gây ra những tác hại khôn lường. Làm thế nào để hạn chế việc lây lan, phát tán thứ “virus” này, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong bài tiếp theo…

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

(a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; (b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; (c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

(Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.)

Cao Hồng
.
.
.