Dự thảo về diện tích làm việc cho GS, PGS và giảng viên:

Người học sẽ phải gánh chi phí đầu tư?

Chủ Nhật, 06/10/2019, 08:56
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công công bố dự thảo lần 1 về Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT.

Ngay sau khi dự thảo được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, quy định này liệu có phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay? Và trong trường hợp nếu bắt buộc phải thực hiện, kinh phí đầu tư phải chăng sẽ đổ hết lên đầu người học?

Khó áp dụng ngay quy định vào thực tế

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Thông tư chi tiết hướng dẫn tiêu chuẩn, mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT là quy định về tiêu chuẩn diện tích làm việc của giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), giảng viên chính, giảng viên.

Cụ thể, dự thảo quy định mỗi GS cần có diện tích làm việc 24 m², PGS 18m²; giảng viên chính, giảng viên là 10m². Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải có phòng nghỉ cho giảng viên.

Cứ mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ với diện tích chuyên dùng là 3 m2/giảng viên, diện tích không nhỏ hơn 24m²/phòng.

Quy định về diện tích phòng làm việc của giảng viên đang có những ý kiến trái chiều. (Ảnh minh họa)

Về cơ sở đào tạo, dự thảo yêu cầu mỗi đơn vị cần có tối thiểu 1 hội trường với quy mô từ 250 chỗ trở lên, 1 giảng đường quy mô từ 200 chỗ trở lên, tối thiểu các giảng đường với quy mô từ 100 chỗ trở lên…

Các phòng học thông thường dưới 100 chỗ đảm bảo số phòng học đáp ứng quy mô đào tạo của cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, cần đảm bảo số phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng, trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo…

Thông tư áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ; trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên trong hệ thống giáo dục quốc dân và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.

Nhiều giảng viên cho rằng, quy định về diện tích phòng làm việc riêng cho giảng viên, GS và PGS là rất văn minh, phù hợp với xu hướng quốc tế. Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia phát triển, các GS, PGS đều có phòng làm việc và phòng thí nghiệm riêng.

Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo giáo dục đại học tại Việt Nam nhìn chung còn thiếu thốn, yếu kém như hiện nay, quy định này sẽ rất khó áp dụng ngay trong thực tế.

“Tôi cho rằng, thay vì đầu tư phòng làm việc cho GS, PGS và giảng viên nên tập trung nguồn kinh phí để đầu tư cho các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Điều này sẽ hiệu quả hơn và hạn chế được việc các nguồn lực đầu tư bị phân tán, gây lãng phí”- một cán bộ của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nói. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cũng cho rằng: Việc quy định cụ thể diện tích làm việc cứng cho GS, PGS, giảng viên nên là một điều kiện mang tính khuyến khích chứ chưa nên là điều kiện bắt buộc đối với các trường trong giai đoạn hiện nay. “Nếu quy định này được thông qua, chi phí đầu tư xây dựng nhiều khả năng lại đổ lên đầu sinh viên. Để có chi phí xây dựng, đầu tư, các trường sẽ buộc phải tăng học phí”- TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Chống các trường xây dựng vượt quy định, gây lãng phí?

Về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT - đơn vị chủ trì soạn thảo - cho biết: Đây không phải điều kiện về cơ sở vật chất các trường bắt buộc phải thực hiện, mà chỉ là tiêu chuẩn, định mức sử dụng nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trường học vượt quá khả năng nhà trường sử dụng đến.

Trước đây, Chính phủ chỉ quy định định mức sử dụng diện tích đối với các công chức, viên chức trong Nhà nước. Cho đến Nghị định 152 năm 2017, Chính phủ mới bắt đầu quy định tiếp đến các vị trí làm việc mang tính chất chuyên dùng. Điều này nhằm mục đích để các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập khi muốn mở rộng cơ sở vật chất, nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng ấy để phê duyệt nhằm tránh tình trạng các trường cứ lập dự án để xin tiền sẽ gây lãng phí cho nhà nước.

"Thông tư này chỉ có tác động khi các trường muốn lập dự án đầu tư. Với quy định này sẽ chống lãng phí, chống các trường xây vượt quy định; là căn cứ, định hướng cho phát triển trong tương lai của trường đại học và chỉ áp dụng với trường sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng đây chỉ là một điều kiện, điều kiện tiếp theo là phải có kinh phí, phải phụ thuộc vào ngân sách. Hướng tới các trường dần đạt các điều kiện chuẩn mực về cơ sở vật chất", ông Phạm Hùng Anh nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Phạm Hùng Anh, có ý kiến nói rằng, nhóm GS, PGS và giảng viên không cần phòng làm việc là không đúng.

Hiện tại vẫn còn tình trạng giảng viên lên dạy hết tiết là về do không có phòng làm việc. Thực tế cho thấy, ngoài việc lên lớp dạy học, vào phòng thí nghiệm hướng dẫn sinh viên thực hành, GS, PGS và giảng viên cũng rất cần có không gian nghiên cứu và làm việc với sinh viên.

“Trên thế giới, một phòng làm việc của GS, PGS thường phải từ 40 - 100m², trong khi qua khảo sát các trường đại học hiện nay của chúng ta, trung bình một GS đang có diện tích làm việc chỉ 6 - 7m².

Như vậy đây không phải là những quy định không có thực tiễn. Bộ đưa ra những nội dung này đều xuất phát từ thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu để phát triển các trường đại học.

Quy định ấy là căn cứ, định hướng cho sự phát triển trong tương lai của các trường đại học và chỉ áp dụng cho các trường sử dụng ngân sách nhà nước”- ông Hùng Anh nhấn mạnh.

Huyền Thanh
.
.
.