Điểm mới cơ bản trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng
So với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có một số điểm mới cơ bản, thể hiện sự phát triển tư duy lý luận, định hướng chiến lược của Đảng, đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới.
Mở đầu, ngoài phần giới thiệu khái quát bối cảnh, dự thảo Báo cáo chính trị xác định phương châm đại hội: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển; như vậy phương châm được thêm thành tố “sáng tạo – phát triển” cho “đổi mới” so Đại hội XII. Chủ đề đại hội được kết cấu bởi 5 thành tố: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”. Chủ đề Đại hội XIII có một số điểm mới cơ bản là: Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung, thành tố xây dựng Đảng. Đưa khát vọng phát triển đất nước và xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, Dự thảo đánh giá trên 7 phương diện, lĩnh vực về xây dựng Kinh tế thị trường định hướng XHCN; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, phát triển con người, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, dự thảo báo cáo chính trị xác định những hạn chế, khuyết điểm và chỉ rõ 4 nguyên nhân cơ bản, đúc kết, rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Dự thảo đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 30 năm thực hiện cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Nhìn lại quá trình này, nhận thức lý luận về mục tiêu, đặc trưng, đường lối, phương hướng cơ bản và những quan hệ lớn mang tính quy luật, CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được bổ sung, nhận thức, xác định rõ, cụ thể hóa và từng bước được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Dự thảo nêu rõ: Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.
Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.
Đối với tình hình trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 5 năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... là những yếu tố tác động đến phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Định hướng chiến lược phát triển đất nước trong những năm tiếp theo, Dự thảo xác định 5 quan điểm chỉ đạo phải được quán triệt trong nhận thức, hành động trong giai đoạn tới. Đây là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, chủ đạo về chiến lược, xác định động lực phát triển, định hướng huy động, phát huy mọi nguồn lực phát triển đất nước, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ.
Cụ thể hoá những quan điểm đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Dự thảo báo cáo chính trị xác định mục tiêu - một trong những điểm mới nổi bật, phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, bổ sung thêm nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu. Trong các nhiệm vụ trọng tâm đều có những nội dung mới.
Cụ thể về kết cấu có sự sắp xếp thứ tự lần lượt về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ cải thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hoá phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới cần tập trung vào các đột phá cụ thể sau đây: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Đó là một số tư tưởng, điểm mới cốt lõi được nêu trong dự thảo. Để Báo cáo chính trị được hoàn thiện, các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm tiếp tục góp ý hoàn chỉnh dự thảo đúng như tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xác định: “Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc phải vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo cho lâu dài, là một văn kiện tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước, do vậy phải có tầm nhìn chiến lược; phải làm cho chặt chẽ, chắc chắn, diễn đạt cho rõ ràng, không được sơ hở gây hiểu lầm”(1). Đường lối đúng đắn cùng với khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.