Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9-2-1907 – 9-2-2017)

Dấu ấn nhà cách mạng Trường Chinh

Thứ Năm, 09/02/2017, 08:25
Là nhà cách mạng tiền bối, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn và để lại dấu ấn sâu sắc với lịch sử hiện đại Việt Nam.



Nhiều năm đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư của Đảng ở những thời điểm có tính bước ngoặt, đồng chí Trường Chinh đều có những quyết sách phản ánh tầm vóc của một nhà chính trị lỗi lạc và nhà tư tưởng, văn hóa lớn.

1. Từ “Đề cương văn hóa Việt Nam” đến “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức tiêu biểu của quê hương địa linh nhân kiệt Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định), đồng chí Trường Chinh sớm giác ngộ tinh thần yêu nước. Từ tuổi thiếu niên, đồng chí đã tích cực hoạt động trong phong trào học sinh phản đối chế độ thực dân, phong kiến và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thời kỳ đồng chí Trường Chinh giữ trọng trách quyền Tổng Bí thư rồi Tổng Bí thư của Đảng từ 1940 đến 1956 là giai đoạn đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Trên cương vị này, đồng chí Trường Chinh đã có những dấu ấn đặc biệt góp phần vào sự phát triển của tư tưởng, lý luận và đường lối đưa tới sự thành công của Cách mạng Tháng Tám. 

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, nhân loại bước vào cuộc chuyển mình nhanh chóng và sâu sắc. Dân tộc Việt Nam đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Trong bối cảnh đó, Đảng ta quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ khó khăn đó, Đảng xác định vị trí, vai trò to lớn của công tác tư tưởng, văn hóa. Đây là cơ sở ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và công bố đầu năm 1943.

Đề cương khẳng định những vấn đề cốt lõi: “1. Phạm vi vấn đề: Văn hoá bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. 2. Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc). 3. Thái độ Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa: a) Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động. b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. c) Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”. 

Sau khi được công bố và đi vào cuộc sống, “Đề cương văn hóa Việt Nam” đã phát huy vai trò to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và thắng lợi Cách mạng Tháng Tám nói riêng. Những nguyên tắc: “Dân tộc - Đại chúng - Khoa học” của Đề cương văn hóa Việt Nam đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hai năm sau khi Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời, tháng 3 – 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhận định thời cơ cách mạng đang đến gần, Tổng Bí thư Trường Chinh đã triệu tập cuộc họp mở rộng Thường vụ Trung ương Đảng tại làng Đình Bảng.

Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo.

Hội nghị nhận định: “Cuộc đảo chính đã tạo ra khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện khởi nghĩa chín muồi nhanh chóng. Điều kiện đó là: Chính trị khủng hoảng, nạn đói ghê gớm, chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt”.

Từ đó, Hội nghị xác định: sau đảo chính, phát xít Nhật là kẻ thù chính – kẻ thù cụ thể trước mắt; khẩu hiệu đấu tranh là “đánh đuổi phát xít Nhật!”. Hội nghị chủ trương “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”…

Sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi đã đủ điều kiện, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng Việt Nam theo hình thức như một Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Thực tế Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh, nhờ vận dụng đúng đường lối và phương pháp cách mạng, đặc biệt là Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chính quyền trong cả nước đã về tay nhân dân chỉ trong vòng 2 tuần; đặc biệt, khi Tổng khởi nghĩa diễn ra ở Hà Nội ngày 19-8-1945, Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hiệu triệu của Quốc dân Đại hội Tân Trào về Tổng khởi nghĩa vẫn chưa được chuyển tới Xứ ủy Bắc kỳ!

Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh.

2. “Kháng chiến nhất định thắng lợi” và “Người kiến trúc sư trưởng sự nghiệp Đổi mới”

Là nhà chính trị lỗi lạc, Tổng Bí thư Trường Chinh tiếp tục khẳng định vai trò và tầm nhìn chiến lược trong hai cuộc kháng chiến; ông cũng là một trong những yếu nhân của Đảng khởi xướng sự nghiệp Đổi mới vào năm 1986.

Trong kháng chiến chống Pháp, đáp “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên bảo vệ nền độc lập và sự thống nhất đất nước.

Căn cứ đường lối của Đảng và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Tác phẩm này là sự phát triển có hệ thống lí luận về chiến lược kháng chiến toàn dân, toàn diện, về ba giai đoạn của cuộc kháng chiến trường kì và một số vấn đề về chiến thuật chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược…

“Kháng chiến nhất định thắng lợi” xác định: “Cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh tự vệ của dân tộc, là chiến tranh hợp chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ”.

Cuộc kháng chiến sẽ trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn phòng ngự - Giai đoạn cầm cự - Giai đoạn tổng phản công. Với tầm nhìn chiến lược đó, Tổng Bí thư Trường Chinh phân tích ngoài quân sự, cần tiến hành kháng chiến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… 

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thắng lợi vẻ vang. Chặng đường kháng chiến 9 năm kết thúc, phản ánh sự tài tình của Đảng và Bác Hồ, của đồng chí Trường Chinh qua đường lối kháng chiến trường kì, toàn dân, toàn diện…

Sau thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, đồng chí Trường Chinh tiếp tục được giao nhiều trọng trách.

Tháng 7-1986, sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần, đồng chí Trường Chinh được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đây là thời kì đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội sâu sắc; hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu từng bước thoái trào, báo trước nguy cơ tan rã, sụp đổ…

Một lần nữa, lịch sử lại giao phó sứ mệnh cho nhà cách mạng Trường Chinh và ông đã cùng Ban Chấp hành Trung ương và toàn Đảng bình tĩnh vượt qua khó khăn, quyết tâm “Đổi mới”, đặc biệt là “Đổi mới tư duy”, xuất phát từ thực tiễn để dứt khoát thực hiện công cuộc “Đổi mới”, đưa đất nước ta vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững…

Nhờ có đường lối Đổi mới đúng đắn đề ra từ Đại hội VI, đất nước ta vượt qua được thử thách hiểm nghèo, từng bước phát triển ổn định và giành được nhiều thành tựu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vai trò và dấu ấn của “Người kiến trúc sư trưởng sự nghiệp Đổi mới” Trường Chinh một lần nữa ghi đậm trong lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.

Trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”… Kết thúc Báo cáo Chính trị, Tổng Bí thư Trường Chinh nhắn nhủ: “Hãy giữ gìn và nâng cao danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản. Mọi người hãy suy nghĩ và hành động vì lí tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì lợi ích cách mạng chứ không phải vì địa vị và tư lợi. Lý tưởng ấy phải được thực hiện cụ thể trong lao động, chiến đấu, học tập và trong lối sống đảng viên”.
Trần Duy Hiển
.
.
.