Đất nước chính thức bước vào “thời chiến”

Thứ Tư, 25/03/2020, 08:56
Đất nước thực sự bước vào “thời chiến” với dịch bệnh khi Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ Chính trị nhận định hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh và đang ở trong giai đoạn cần tập trung cao độ để kiểm soát lây nhiễm, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng.

Còn Thủ tướng phát đi thông điệp, công tác phòng, chống dịch đã bước sang giai đoạn mới, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, sự đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa của cả hệ thống chính trị với các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa.

Chiều 22/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Cục Quân y, Bộ Quốc phòng làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu trong toàn quân để kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tại đây, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi toàn quân, toàn dân chính thức sẵn sàng bước vào thời chiến, bằng một lời hiệu triệu rất dân dã rằng, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!”. Tối cùng ngày, điện thoại của người dân đồng loạt nhận được tin nhắn của Thủ tướng nhắn nhủ, “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”.     

Hiện, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Chỉ thị về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian này; là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình, trong bất luận tình huống nào Quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Vào đầu tháng 3, toàn quân đã tiến hành diễn tập vận hành cơ chế và diễn tập thực binh theo 5 vấn đề huấn luyện tương ứng với các cấp độ dịch, sẵn sàng với dịch ở cấp độ cao nhất là cấp độ 5, là khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc, đã lây lan vào một số đơn vị Quân đội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gửi thư tới toàn quân, “với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng toàn quân tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc; tuân thủ nghiêm ngặt, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, góp phần ngăn chặn thành công dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân”.

Song hành cùng Quân đội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh về một loạt những công tác mà Bộ Công an đang ráo riết thực hiện như chủ động trong kế hoạch dự trù, đảm bảo công tác y tế, hậu cần phòng chống dịch trong tình huống xấu nhất; tăng cường nắm tình hình, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

Bộ trưởng Tô Lâm quả quyết, “chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải giữ được sức khỏe cho nhân dân, vừa phải giữ được tâm lý bình tĩnh, không hoang mang trong nhân dân”. Ngày 24/3, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện số 01 với 8 nội dung cụ thể chỉ đạo thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế lên phương án huy động nhân lực bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, kể cả người đã nghỉ hưu, sinh viên trường y cho phòng, chống dịch; nâng cao hơn nữa năng lực xét nghiệm, chuẩn hóa các phòng xét nghiệm và quy trình xét nghiệm, được sẵn sàng trên mọi tuyến đầu chống dịch…

Chính thức bước vào cuộc chiến với dịch bệnh, mở đầu cho phiên họp 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Xin gửi những tình cảm thân thiết, sự trân trọng và lời cảm ơn chân thành với sự tin tưởng sâu sắc tới các cấp chính quyền, đội ngũ những người trong tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là các nhân viên y tế, các nhà khoa học, các chiến sĩ Quân đội, Công an nhân dân, nhân viên các cơ quan hữu quan, các nhà báo... đã và đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu, chấp nhận khó khăn gian khổ để bảo vệ sự an toàn của người dân và đất nước”.

Chủ tịch Quốc hội nêu những con số cảm động mà Chủ tịch Quốc hội nhận được về cuộc chiến của toàn dân này. Đó là, đã có gần 7.000 người Việt Nam ở tâm dịch các nước được đón về nước; 700 tiếp viên hàng không, những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong tốp 3 nhưng vẫn đăng ký không nhận lương hoặc nghỉ không hưởng lương 2 đến 3 tháng; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu tại Hà Nội đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần phòng, chống dịch dù biết rằng mình ở trong độ tuổi nhạy cảm đối với dịch bệnh COVID- 19.

Hơn 10.000 cán bộ, chiến sỹ đã hơn một tháng nay ngủ bạt, ngủ lều để nhường chăn, gối, giường, đệm cho những người bị cách ly; tất cả các khu vực cách ly đều được cung cấp suất ăn miễn phí; đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân, khách sạn tư nhân đề nghị cung cấp miễn phí toàn bộ tiền phòng, tiền ăn cho những người nước ngoài bị cách ly ở Quảng Ninh; nhân viên khách sạn lẽ ra được quyền nghỉ nhưng xin ở lại để phục vụ cho người bị cách ly... Chủ tịch Quốc hội thấy, “đó là những con số, những hình ảnh rất đẹp của Việt Nam chúng ta”

Trên những con phố về đêm giờ trở nên rất vắng ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn, những tòa nhà vẫn sáng lung linh ánh đèn kết thành lá quốc kỳ đỏ rực cùng dòng chữ “Việt Nam vui lên”, “Việt Nam chiến thắng”.

Cũng trong cuộc họp của Bộ Chính trị cuối tuần trước, một lần nữa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quay sang Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để chia sẻ rằng, dù khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất mong những ngày mà đọc tin chỉ thấy về dịch bệnh sớm qua đi. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nói: “Ngày nào cũng chỉ thấy thông tin về dịch bệnh. Đừng sợ quá mà không dám làm việc gì khác”.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ dốc sức tổng tấn công đợt này để đưa cuộc sống trở về nhịp bình thường. Chính phủ cũng lường trước được dịch bệnh có thể kéo dài, vì thế, xác định vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất đúng như thời chiến, tuyệt đối không để nền kinh tế “đóng băng”.

Vào lúc này, trẻ em khắp cả nước cũng bắt đầu mong ngóng được đến trường. Chưa bao giờ các em học sinh được “nghỉ Tết” kéo dài tới gần 3 tháng như vậy. Và những người làm cha mẹ, có lẽ cũng đã sẵn sàng để thích nghi với thời chiến.

Như cậu bé Trần Đăng Khoa, một thủa nào đã kể về những ngày đi học trong mưa bom pháo dội, “chúng tôi tới lớp hàng ngày/ mũ rơm tôi đội túi đầy thuốc men/ ao trường vẫn nở hoa sen/ bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu…”.

Lê Châu
.
.
.