Công tác kiểm tra trong công cuộc phòng, chống tham nhũng
- Tổng Bí thư họp Bộ Chính trị về nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng
- Kiến nghị phòng chống tham nhũng trong chính các cơ quan chuyên trách
Nhìn rộng ra, các kết luận này không chỉ có sức cảnh tỉnh, răn đe với bất kì ai có ý định tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền... mà thực sự còn là điểm tựa của niềm tin trong công cuộc chống tham nhũng, xử lý quan chức suy thoái, tiêu cực. đó cũng chính là điểm tựa để lòng dân vững tin thêm với Đảng, với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần “không có vùng cấm”, phải mạnh hơn, quyết liệt hơn nữa như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
“Trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, việc kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái biến chất luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và được nhân dân đồng tình ủng hộ. “Lò nóng lên rồi, củi tươi cũng cháy” - một hình ảnh mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sử dụng, nhanh chóng trở thành phương ngôn bởi sự thuyết phục, lại dễ nhớ, dễ hình dung.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình ngày 15-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp vì không phải đấu tranh với người khác, bên ngoài mà là đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người”. |
Nói đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên đều bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng mạnh mẽ. Điều đó trở thành sức hút, một điểm tựa lớn lao thể hiện lòng dân vững tin hơn vào Đảng, với công cuộc chỉnh đốn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, suy thoái, tiêu cực theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII.
Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là một địa chỉ đã được xây dựng thương hiệu. Ở đó, người dân biết rõ được trong tháng qua những cá nhân nào, tổ chức đảng nào vi phạm, vi phạm mức độ ra sao, xử lý như thế nào. Câu hỏi đặt ra: Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương có từ lâu và các kết luận, xử lý cũng là việc chuyên môn thường ngày, vậy tại sao gần đây lại tạo nên sức hút, sự để tâm lớn như vậy? Ở đây, có 2 ý cần thấy:
Thứ nhất, trước đây, những bản kết luận kiểm tra của Đảng thường là tài liệu nội bộ, được công bố trong tổ chức đảng. Khi đảng viên nào đó sai phạm, bị xử lý kỷ luật thì thường chỉ trong nội bộ biết, chỉ một số trường hợp thông tin lên báo chí. Vì thế, nhiều khi đảng viên bị xử lý kỷ luật nhưng đi làm việc thì cơ quan, tổ chức và nhân dân vẫn không hay biết, thậm chí họ vẫn chăm chú nghe những đảng viên này giáo huấn như không có gì xảy ra.
Ngày nay, câu chuyện “lưu hành nội bộ” đã thay đổi. Cái gì thuộc nội bộ và cái gì công khai đã rõ ràng, minh bạch. Người dân giám sát cán bộ, đảng viên thì về nguyên tắc, người dân phải biết được đảng viên của mình có thành tích, khen thưởng hay vi phạm, bị xử lý kỷ luật ra sao. Người dân có quyền được biết và cơ quan chức năng có nhiệm vụ công bố cho dân biết.
Sự công bố rộng rãi vừa đảm bảo nguyên tắc nhân dân làm chủ, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, vừa có ý nghĩa cảnh báo, răn đe, phòng ngừa rất hữu hiệu. Khi sai phạm được kiểm tra và công bố công khai, để muôn dân được biết, tính răn đe của công tác kiểm tra, kỷ luật tăng lên gấp bội.
Thứ hai, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tạo sự quan tâm đặc biệt trong công luận kể từ khi Đảng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII với tinh thần xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Các đại biểu dự phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Chính tinh thần mạnh tay, quyết liệt với vấn nạn tham nhũng, quan liêu, công cuộc “nhóm củi đốt lò” của Đảng đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Một nghị quyết đến nay thực sự mang thương hiệu, đó là thương hiệu của niềm tin, của tình cảm người dân với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chèo lái của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ những sai phạm của đảng viên, tổ chức đảng theo thẩm quyền và xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo đúng quy định của Đảng, đồng thời chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý về mặt hành chính, thậm chí truy tố trước pháp luật.
Có thể thấy, nổi lên trong các kết luận về sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra là vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này nếu do người đứng đầu vi phạm kéo dài sẽ dẫn đến cả tổ chức đảng cơ quan, đơn vị đó trì trệ, gây hệ lụy lớn làm suy giảm vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, mất dân chủ, mất niềm tin của quần chúng vào Đảng.
Đáng chú ý, có những ngành, lĩnh vực, các sai phạm không phải mang tính hiện tượng của một, hai cá nhân mà “mang gen” liên quan nhiều thế hệ lãnh đạo, nổi cộm trong số đó chính là sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Từ năm 2005 đến 2017, PVN đã trải qua 4 đời chủ tịch và cả 4 cựu lãnh đạo trên đều mắc sai phạm, bị xử lí do liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm. Ngoài ra, các cá nhân dưới quyền, các lãnh đạo nhiều công ty trực thuộc PVN cũng nằm trong danh sách đã và đang bị điều tra, xử lý.
Từ thực tiễn đó, gần đây có ý kiến nêu rằng, nếu cứ xử lý nhiều như thế thì “lấy đâu ra cán bộ để làm” và “anh em lo lắng, không còn tinh thần làm việc”. Chúng tôi cho rằng, những lý lẽ nói trên là mang tính ngụy biện. Với một ngành được coi “quả đấm thép” như dầu khí, sai phạm, thất thoát kéo theo bao nhiêu hậu quả đau lòng, làm thâm hụt cực lớn nguồn thu, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước.
Việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, xử lý các vụ án liên quan đến PVN vừa thể hiện rõ tính nghiêm minh của luật pháp, vừa là cuộc “đại phẫu” để cứu một đầu tàu kinh tế tránh chệch đường ray, buộc trở lại quỹ đạo của nó. Do đó, không thể nói xử nghiêm là “hết cán bộ để làm”.
Tại phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: Việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan tới nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là việc thật đau xót nhưng không có cách nào khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn trong phòng, chống tham nhũng, góp phần chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Không có chuyện dừng lại và không thể dừng, phải quyết tâm cao hơn, đây là yêu cầu của Đảng, của nhân dân. “Không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân với đất nước. Không sợ mất uy tín; chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.