Công tác xây dựng Đảng từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII
Nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với quyết tâm chính trị cao và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm.
Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 ở các cấp đã từng bước đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi được một số biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong Đảng; khắc phục được một số khuyết điểm trong công tác cán bộ và thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được chỉ đạo tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Trung ương đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số quy định, quy chế nhằm tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, như:
Quy chế bầu cử trong Đảng; Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định về việc chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng; Quy chế giám sát cán bộ, đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động và luân chuyển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp được đẩy mạnh hơn, nhất là việc triển khai xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, góp phần quan trọng vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Bên cạnh những ưu điểm và kết quả quan trọng đã đạt được, Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ:
Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm; một số việc chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra. Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn khá phổ biến ở các cấp; còn có biểu hiện chủ quan, làm lướt, nhất là khi đưa việc kiểm điểm đi vào thường xuyên, gắn với kiểm điểm đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên cuối năm.
Trên một số vấn đề, qua kiểm điểm từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ được thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình; chưa chỉ ra được địa chỉ cụ thể và trách nhiệm của tập thể, cá nhân như: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, luân chuyển. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; thậm chí có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn diễn ra nghiêm trọng và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định những kết quả quan trọng bước đầu đạt được; đồng thời chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới là: Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất rất cao việc ban hành Nghị quyết "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng và cũng là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Việc Trung ương ban hành Nghị quyết lần này nhằm cụ thể hóa thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp lớn về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra; vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, nhất là những việc Nghị quyết đề ra nhưng chưa thực hiện và thực hiện chưa tốt; đồng thời có nội dung mới so với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đây là những nội dung cơ bản cần thực hiện đồng bộ, toàn diện mà trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Như vậy, Nghị quyết của Trung ương lần này có nội hàm rộng hơn so với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; vừa đề cập đến những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài; vừa tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, trọng tâm, cấp bách trước mắt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật để đánh giá tình hình; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá.
Mục tiêu mà Nghị quyết lần này đề ra là: Nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về nguy cơ và đề ra các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, biết đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương đã xác định, nhận diện cụ thể hơn và hệ thống tương đối đầy đủ, rõ ràng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là như thế nào? Những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là như thế nào? Trên cơ sở những biểu hiện cụ thể này, mỗi cán bộ, đảng viên tự liên hệ, tự soi mình để rèn luyện, phấn đấu cũng như góp ý, giúp đỡ cho đồng chí khác và cũng làm cơ sở để xử lý những trường hợp vi phạm.
Đồng thời, Nghị quyết Trung ương cũng đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp khá đồng bộ, khả thi để thực hiện là: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh một số giải pháp như:
Tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vấn đề xây dựng Đảng, về đạo đức cho cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc, bảo đảm quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc không chấp hành nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Thực hiện ngay việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và xử lý nghiêm minh những vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước mà dư luận xã hội đang quan tâm, bức xúc, đồng thời công khai kết quả xử lý để nhân dân biết...