Chúng ta vẫn thiếu những doanh nghiệp “thống lĩnh” về xuất khẩu

Chủ Nhật, 07/01/2018, 07:49
Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục, đạt gần 214 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016. Đây được coi là kỳ tích mới trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế.


Nhân sự kiện đánh dấu mốc này, chuyên mục Trò chuyện Chủ Nhật Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế - Phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) về những dấu ấn đã tạo nên kỳ tích xuất khẩu 2017 và những giải pháp then chốt cho xuất khẩu (XK) 2018 của Việt Nam.

PV: Năm 2017 được coi là một năm mang gam màu sáng của bức tranh xuất nhập khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Vậy, theo ông yếu tố nào tạo nên con số tăng trưởng ngoạn mục này?

TS. Lê Huy Khôi: Có thể nói là sau một khoảng thời gian khá dài chúng ta tập trung vào đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở (cả về phần cứng và phần mềm) tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, do vậy kết quả của tăng trưởng kinh tế và XNK của chúng ta đạt được năm nay là một tất yếu khách quan.

Những kết quả đạt được này bắt nguồn từ những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia thực hiện các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đã tạo cơ hội cho hoạt động kinh doanh và XNK của DN.

Sự tập trung đầu tư nguồn lực của toàn xã hội trong việc xây dựng và tạo nguồn cung hàng hóa và dịch vụ có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

TS. Lê Huy Khôi.

Chúng ta đã khai thác và phát triển xuất khẩu rất tốt một số thị trường XK chủ lực như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... đặc biệt là thị trường Trung Quốc, cũng như tận dụng được cơ hội cho xuất khẩu tại một số thị trường mà chúng ta ký kết các FTA.

PV: Trong cán cân xuất nhập khẩu, năm 2017 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, theo ông đây có phải là tín hiệu đáng mừng hay không? Sự chủ động của doanh nghiệp trong việc gia tăng giá trị và đẩy mạnh xuất khẩu có tác động như thế nào tới cán cân này?

TS. Lê Huy Khôi: Trong bối cảnh chúng ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, năm nay là năm thứ hai chúng ta xuất siêu, đây có thể là tín hiệu tích cực, rất đáng mừng trong bức tranh thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét và phân tích một cách kỹ lưỡng về bức tranh tổng thể của thương mại Việt Nam để có thể đưa ra chính sách điều chỉnh phù hợp nhằm tiếp tục gia tăng kim ngạch XK, đặc biệt là phát triển XK cho những ngành mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng cạnh tranh, có thể tham gia được vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 Nhìn sâu hơn một chút, mặc dù có thể nói là chúng ta đã gặt hái được những thành công nhất định, tuy nhiên thực tế bức tranh tổng thể thương mại của Việt Nam cũng vẫn đang đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần phải giải quyết.

Cụ thể như: nhập siêu có xu hướng gia tăng nhanh ở khối DN trong nước, cán cân thương mại của các DN trong nước năm 2017 thâm hụt -26,2 tỷ USD, tăng so với mức 21,9 tỷ USD năm 2016; trong khi thặng dư thương mại của các DN FDI lại tăng rất nhanh, từ 23,8 tỷ USD năm 2016 lên 29,2 tỷ USD năm 2017.

DN Việt Nam đã chủ động và tích cực trong việc tham gia vào sân chơi toàn cầu hóa, tuy nhiên chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém. Do vậy, khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ XK chưa cao, chưa tham gia được vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta không có những DN có khả năng trở thành DN thống lĩnh và dẫn dắt chuỗi giá trị, mặc dù chúng ta là cường quốc về xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, như: cà phê, gạo, tiêu, điều...

PV: Trong xuất khẩu DN FDI đang chiếm tỷ trọng lớn. Theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để tham gia vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu? Giải pháp nào để cân bằng, rút ngắn khoảng cách giữa DN FDI và DN trong nước? Việc kết nối giữa hai khối sẽ được thực hiện như thế nào trong năm 2018?

TS. Lê Huy Khôi: Như tôi đã trao đổi ở trên, đây mới là vấn đề mà chúng ta cần xem xét và nhìn nhận một cách nghiêm túc bức tranh XNK của Việt Nam, mặc dù tín hiệu tăng trưởng và kim ngạch thương mại năm qua là vô cùng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Với tỷ trọng XK của các DN nước ngoài chiếm tới khoảng 72,5% trong tổng kim ngạch XK, thì đây là vấn đề mà chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi để tìm câu trả lời thực chất về sự tăng trưởng cho bức tranh tổng thể này.

Ngoài ra chúng ta cũng phải sớm nhận thấy là các DN FDI đang tận dụng và khai thác rất tốt cơ hội có được từ hội nhập kinh tế và tham gia các FTA của Việt Nam, và họ đang kiếm được lợi nhuận siêu ngạch từ những cơ hội mà chính chúng ta đã tạo ra.

 Có thể nói là chúng ta đã thất bại về mục tiêu nội địa hóa và nâng cao kỹ năng quản lý, tiếp thu công nghệ tiên tiến trong mục tiêu chiến lược thu hút FDI. Do vậy, để các DN trong nước có thể rút ngắn được khoảng cách với DN FDI, thời gian tới, chúng ta cần phải quản lý các dự án FDI một cách có hiệu quả hơn, thu hút FDI một cách có lựa chọn, đặc biệt là tăng cường giám sát chặt chẽ khâu thẩm định hồ sơ và phê duyệt các dự án FDI.

Hiện nay, các DN FDI (đặc biệt là các DN của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,...) khi sang đầu tư thường kéo theo các DN phụ trợ của họ để cung cấp cho các DN mẹ, khiến cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không thể phát triển trong suốt thời gian qua. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu các DN FDI nếu muốn đầu tư tại Việt Nam thì phải sử dụng các DN hỗ trợ là của Việt Nam. 

PV: Trong hơn 214 tỷ kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện các loại đạt kỉ lục với 68,4 tỉ USD, tăng 33%; hàng dệt may đạt 23,58 tỷ USD; hàng giày dép đạt 13,19 tỷ USD… Ông đánh giá như thế nào về con số này? Đặc biệt sự đóng góp của Samsung trong hoạt động XNK. Con số này tác động như thế nào tới hoạt động XNK trong năm 2018?

TS. Lê Huy Khôi: Có thể thấy, những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn hiện nay chủ yếu là những nhóm hàng thuộc các DN FDI và nhóm hàng mà chúng ta chủ yếu gia công XK như da giày, dệt may,... có giá trị gia tăng thấp. Nhìn chung, theo dự báo về xu thế phục hồi kinh tế và thương mại chung của thế giới thì triển vọng XK của Việt Nam năm 2018 vẫn rất sáng sủa và sẽ là năm tiếp theo chúng ta có được tốc độ tăng trưởng và kim ngạch XK cao, tiếp tục duy trì cân bằng cán cân thương mại và đảm bảo có khả năng xuất siêu.

PV: Năm 2017, xuất khẩu nông sản (16 tỷ USD) và thuỷ sản (7,6 tỷ USD) đạt con số ấn tượng góp phần vào cán cân xuất nhập khẩu của nước ta. Tuy nhiên, trong năm 2018, theo ông câu chuyện thẻ vàng, thẻ đỏ của Eu sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam? DN Việt cần phải chuẩn bị những gì? Cảnh báo của ông đối với DN trong hoạt động này?

TS. Lê Huy Khôi: Điều đáng mừng nhất trong hai năm gần đây là kim ngạch XK những nhóm hàng thực sự là của Việt Nam cũng đạt được tốc độ tăng trưởng và kim ngạch XK khá cao, và đặc biệt chúng ta không những vẫn duy trì và phát triển được các thị trường chủ yếu, đã khai thác tốt được thị trường Trung Quốc - một thị trường có tiềm năng vô cùng lớn với đa phân khúc và phù hợp cho hàng hóa XK của Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thì xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu của các quốc gia sẽ ngày càng nhiều, càng tinh vi và khó lường hơn.

Cũng giống như những sự việc đã từng diễn ra về chống bán phá giá cá da trơn và dư lượng kháng sinh trong tôm, hay các biện pháp về kiểm dịch động thực vật đối với hàng hóa XK của Việt Nam những năm trước đây, thì chúng ta cần phải xác định việc chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự là khó tránh khỏi.

Câu chuyện thẻ vàng, thẻ đỏ của EU cũng là một trong những khó khăn như vậy, và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động XK thuỷ sản của Việt Nam. Điều may mắn là câu chuyện thẻ vàng của EU chúng ta được biết trước.

Do vậy, quan trọng nhất là chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến thông tin về thị trường một cách đầy đủ và kịp thời đến các ngư dân để họ có sự chuẩn bị. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kiến thức mới, kết hợp với tuyên truyền phổ biến về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, cũng như mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập.

Trong thời gian tới, vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải xác định tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường và đưa ra những cảnh báo sớm cho toàn bộ các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị và DN XK của Việt Nam.

PV: Theo ông, năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tập trung vào nhóm hàng nào?

TS. Lê Huy Khôi: Dự kiến cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu trong năm 2018 sẽ tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng của Chiến lược xuất nhập khẩu, tập trung vào nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhiên liệu, khoáng sản và các mặt hàng nông sản, thủy sản.

Tập trung XK sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng XK từ nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, xác định và dần mở rộng, phát triển xuất khẩu những mặt hàng mới, mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư nhằm gia tăng XK dịch vụ (dịch vụ tài chính, bảo hiểm, vận tải, giáo dục, chuyên gia,...), song song với đó là phát triển lĩnh vực du lịch thúc đẩy phát triển phương thức XK tại chỗ, nhằm gia tăng giá trị cho hàng hóa XK. Đây là lĩnh vực mà chúng ta đang có lợi thế cạnh tranh và có khả năng phát triển mạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.