Chủ nghĩa Lênin soi sáng công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của dân tộc Việt Nam

Thứ Tư, 22/04/2020, 06:38
Có thể nói - mỗi khi nhân loại đứng trước những thử thách và những bước ngoặt phát triển mới, các thế lực thù địch với chế độ xã hội XHCN, với Đảng Cộng sản luôn tìm cách chống lại V. Lênin - Người đã kế thừa tư tưởng của C.Mác-F.Ăngghen trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và giải phóng dân tộc.


Trong những thập kỷ gần đây, khi nhân loại bước vào thời đại toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế các thế lực thù địch lại kiếm cớ để chống lại Lênin, chống lại chế độ xã hội XHCN, trong đó có dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên thực tiễn sự phát triển của xã hội lại đang chứng tỏ những tư tưởng của Mác-Lênin luôn luôn đúng đắn, nếu người ta biết vận dụng và phát triển những tư tưởng đó phù hợp với thời đại và đặc điểm dân tộc, nhất là  đối với các dân tộc từng là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Dân tộc ta đã đi theo con đường của Chủ nghĩa Lênin thực hiện cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước hướng đến CNXH với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh.

Lênin phát biểu trước các binh sĩ thuộc Hồng quân Liên Xô tại Quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 25-5-1919.

Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, chưa bao giờ dân tộc ta chịu khuất phục trước các thế lực xâm lược. Những cuộc khởi nghĩa như của Hai Bà Trưng (40-43 sau công nguyên), của Lê Lợi (1418–1427), Quang Trung-Nguyễn Huệ (1771-1802)… đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên thắng lợi của dân tộc ta đối với các kẻ thù xâm lược vào các thời kỳ này đều trong cùng một thời đại (một hình thái kinh tế-xã hội) phong kiến.

Bước vào thời đại đế quốc chủ nghĩa, cuộc xâm lược của thực dân Pháp đã đặt dân tộc ta trước một nhiệm vụ lịch sử hoàn toàn mới- đó là phải đương đầu với một kẻ thù đến từ một quốc gia tư bản chủ nghĩa- có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam một một thời đại. Chính vì lý do đó nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của các sỹ phu yêu nước, như cuộc khởi nghĩa Trương Công Định (1859 – 1864); của Nguyễn Trung Trực (1861 – 1868); khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887),… rút cuộc đều thất bại.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta, xét về đặc trưng của thời đại, đó là thắng lợi của một dân tộc thuộc địa, ở một hình thái kinh tế phong kiến, lạc hậu đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã vùng lên lật đổ sự thống trị của thực dân xâm lược, có trình độ cao hơn chế độ phong kiến một thời đại. Nói cách khác, thắng lợi của cách mạng tháng Tám bắt nguồn từ truyền thống yêu nước của dân tộc ta gắn với sự vận dụng và phát triển lý luận cách mạng tiên phong của nhân loại. Đó là Chủ nghĩa Lênin.

Trong bài: “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Người kể, trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi: Quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? - Câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo…

Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Sau Cách mạng tháng Tám, dân tộc ta lại phải thực hiện hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Một lần nữa, Chủ nghĩa Lênin đã trở thành cơ sở cho đường lối kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm xâm lược. Đó là đường lối cách mạng bạo lực lật đổ chế độ xã hội do Mỹ và tay sai thống trị ở miền Nam, đồng thời xây dựng CNXH ở miền Bắc.

Về mặt đối ngoại, đường lối đó huy động sức mạnh đại đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước XHCN, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc. Đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết đối với tất cả các quốc gia, dân tộc không phân biệt chế độ xã hội, hệ tư tưởng.

Sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã quyết định đưa cả nước tiến lên CNXH. Các Đại hội của Đảng từ Đại hội IV, 1976 cho đến Đại hội XII, 2016, Đảng ta đều xác định nguyên tắc xây dựng một nước Việt Nam độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn về nhiều mặt. Trên lĩnh vực kinh tế, hình ảnh đất nước, cuộc sống của nhân dân đã được nâng cao đáng kể. Triển khai Chương trình 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa… cho đến nay các xã, cụm dân cư đã có đủ cơ sở xã hội thiết yếu, như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế. Tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm nhanh, luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra qua các giai đoạn, hoàn thành và vượt mức mục tiêu “Thiên niên kỷ” về giảm nghèo trước 10 năm…

Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam bình quân mỗi năm giảm 2-3%. Đến hết năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 9,45%, vượt mục tiêu đề ra là 10%. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng định hướng giảm nghèo giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu giảm số hộ nghèo còn 4-5% vào năm 2020. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ đói nghèo trong hơn một thập kỷ và là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới.

Tham nhũng là một vấn nạn của các quốc gia, Việt Nam cũng đã đạt được những thành công nhất định trong phòng chống tệ nạn này. Có thể nói chưa nhiệm kỳ nào, Đảng Cộng sản Việt Nam đã triển khai một chiến lược bài bản, quy mô như hiện nay. Chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh này là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và “phải làm đến cùng”. Chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Không ai, kể  những người có chức có quyền đã trở thành “củi” để đưa vào “lò”… nếu họ tham nhũng.

Về quan hệ quốc tế, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao vượt bậc. Cho đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia; Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, Nga, Trung Quốc.

Với Hoa Kỳ, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Trong thời kỳ đổi mới Việt Nam tham gia vào nhiều cơ quan quan trọng của tổ chức quốc tế rộng lớn: (1) Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009; (2) thành viên Hội đồng Kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2016-2018; (3) được bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016)… Ngày 25-5-2018, trong cuộc họp của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước trong khu vực đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021)

Gần đây trong đại dịch COVID-19, trong khi rất nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam ở nhiều châu lục, kể cả Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển ở châu Âu đã rơi vào đại dịch, khiến cho hàng chục nghìn người tử vong thì Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh này một cách có hiệu quả. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đánh giá cao và xem Việt Nam như là một kiểu mẫu về phòng, chống covid mà các nước có thể học hỏi.

Như vậy, trong suốt chiều dài trên 75 năm qua (1945-2020) đi theo con đường vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Lênin, Đảng ta, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một quốc gia có tiềm lực về các mặt, có vị thế chính trị quốc tế vững vàng. Dân tộc ta, với sự sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Lênin nhất định sẽ đạt được những thành quả to lớn hơn nữa trong thời kỳ tới.

TS. Cao Đức Thái
.
.
.