Chống tham nhũng phải bằng hành động cụ thể

Thứ Hai, 23/10/2017, 10:22
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến những quyết sách lớn của Đảng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng, đồng thời cũng khẳng định rõ quan điểm của Đảng là không dung túng, bao che, xử lý kiên quyết cán bộ, đảng viên “nhúng chàm”, dù người đó là ai, ở cương vị nào.

Dù chưa thể đưa ra ánh sáng tất cả các vụ án tham nhũng, nhưng với việc một số “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử (vụ án Oceanbank, Châu Thị Thu Nga...), đã cho thấy quyết tâm của Đảng mà thể hiện bằng hành động cụ thể.

Phát biểu trước cử tri, Tổng Bí thư đã không ít lần day dứt: Chúng ta rất đau xót khi phải kỷ luật đồng chí của mình; nhưng kỷ luật một người để cứu muôn người. Việc giáng những đòn mạnh vào tệ nạn tham nhũng, một lần nữa thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Trong rất nhiều nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, Đảng ta luôn xác định việc tu dưỡng đạo đức cách mạng của người đảng viên là quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, đã có không ít cán bộ, đảng viên coi nhẹ việc rèn luyện tu dưỡng, đánh mất phẩm chất đạo đức của người đảng viên, tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, xa rời quần chúng.

Cũng dễ hiểu, phần lớn những vụ tham nhũng điển hình, gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây, đều rơi vào cán bộ cấp cao, giữ vị trí cao, vị trí chủ chốt, hiểu biết pháp luật, với nhiều chân rết theo kiểu “lợi ích nhóm”, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực và hậu quả để lại hết sức nặng nề.

Có một thực tế đau lòng, qua một số “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian gần đây cho thấy, thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp là rất lớn, nhưng giá trị tài sản thu hồi chỉ như muối bỏ bể, thậm chí không thu hồi được. Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa tương xứng với tính chất nghiêm trọng của vụ việc...

Phải khẳng định rằng, tệ nạn tham nhũng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không chỉ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, mà nguy hại hơn, nó còn làm mất lòng tin của người dân đối với Đảng, với bộ máy quản lý nhà nước.

Thể hiện rõ quan điểm phải kiên quyết loại trừ tham nhũng, Quyết định 99-QĐ/TW (ban hành ngày 3-10-2017) của Ban bí thư Trung ương Đảng đã nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Quyết định cũng nêu rõ việc chống tham nhũng phải từ trên xuống và cán bộ, đảng viên phải làm gương.

Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh nhiều gương cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên đã nghỉ hưu, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, thì vẫn còn nhiều đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ, công chức đương quyền đã không làm tròn trách nhiệm của mình, nguy hại hơn là đồng lõa với tham nhũng...

Rõ ràng, tệ nạn tham nhũng vẫn là thách thức không thể xem thường, đang từng ngày từng giờ đe dọa thành quả của công cuộc đổi mới mà Đảng ta khởi xướng  mang lại. Vì thế, để phòng, chống tham nhũng mang lại kết quả, một giải pháp tuy không mới, nhưng cần thực hiện quyết liệt, đó là nghiêm trị những công chức, viên chức, cán bộ có chức quyền nhũng nhiễu, nhận hối lộ.

Mặt khác, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên kết với nhau theo kiểu “lợi ích nhóm” để tham nhũng... Đó chính là cách để xây dựng Đảng ta ngày một vững mạnh thêm và đó cũng là hành động hợp lòng dân.

Theo TTXVN
.
.
.