Chỉ trích quyền tự do báo chí - “điệp khúc” chống phá cũ mèm

Thứ Năm, 10/10/2019, 07:41
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt, sai sự thật, kích động hận thù…


Tháng trước, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời phóng viên về việc Ủy ban Bảo vệ Ký Giả (CPJ) ra báo cáo nói Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí nhiều nhất, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên. Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản Luật liên quan”.

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt, sai sự thật, kích động hận thù…

Việc CPJ ra báo cáo nói Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia “kiểm duyệt báo chí nhiều nhất”, vu cáo Việt Nam không có tự do báo chí, vi phạm dân chủ, nhân quyền... là điệp khúc lặp lại thường kỳ của CPJ cũng như một số tổ chức thù địch với Việt Nam. Thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với nước ta, các thế lực thù địch đã ráo riết lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, hướng lái Việt Nam theo quỹ đạo của phương Tây, trong đó họ triệt để lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc tình hình thực tế, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền… hòng gây mất ổn định chính trị - xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân.

Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về quyền tự do báo chí, Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã khẳng định người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật đảm bảo thực hiện.

Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp 1946 về quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng”.

Quy định này đã được thể chế trong các văn bản pháp luật nước ta nhằm đảm bảo quyền tự do báo chí được thực hiện trên thực tế như: Bộ luật Hình sự 2015, Luật Báo chí năm 2016...

Trong những năm qua, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng quyền tự do báo chí để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với nước ta, trong đó, các đối tượng tập trung vào một số hoạt động cơ bản sau:

Một là, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc khi Nhà nước xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về báo chí để vu cáo Nhà nước Việt Nam: “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”… Họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do báo chí; hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Hai là, ra sức tuyên truyền, cổ vũ, cường điệu hóa “các giá trị” dân chủ tư sản, các quan điểm của phương Tây về tự do báo chí. Họ viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền tự do báo chí, nhưng cố tình tảng lờ những điều khoản nghĩa vụ kèm theo để thực hiện các quy định đó rồi phát tán qua internet, mạng xã hội, làm cho con người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối; từ đó cổ súy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lợi dụng quyền tự do báo chí hoạt động tích cực, quyết liệt hơn.

Ba là, triệt để tác động Quốc hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên... với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do báo chí”, điển hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc, Nghị quyết của Nghị viện châu Âu; các báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế: Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ)...

Mặc dù phải thừa nhận Việt Nam “có tiến bộ” về đảm bảo quyền tự do báo chí, nhưng vẫn xuyên tạc tình hình, vu cáo Nhà nước vi phạm “tự do báo chí”, “đàn áp, bắt giữ trái phép các blogger”… Họ còn tác động các chính khách cực đoan trong Quốc hội Mỹ, Anh, Canada… tổ chức điều trần, hội thảo nhằm xuyên tạc tình hình đảm bảo quyền tự do báo chí trong nước nhằm tác động Quốc hội, Nghị viện các nước này ra Nghị quyết bất lợi cho nước ta.

Bốn là, dùng quyền tự do báo chí làm điều kiện để gây sức ép, can thiệp vào nội bộ nước ta. Trong đó, Mỹ và các nước phương Tây luôn gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam; yêu cầu Nhà nước phải cho xuất bản báo chí tư nhân, đòi tự do báo chí theo kiểu phương Tây. Thông qua triển khai các dự án hợp tác, tài trợ, họ ra sức thúc đẩy Nhà nước ta thành lập các báo, nhà xuất bản tư nhân, đòi tự do báo chí theo kiểu phương Tây.

Năm là, tác động, lôi kéo, mua chuộc các phần tử chống đối, cơ hội chính trị, số phóng viên báo chí tha hóa, biến chất tăng cường viết bài xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, vu cáo Việt Nam vi phạm “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” rồi tán phát trên mạng xã hội, internet...

Đặc biệt các đối tượng còn thành lập các câu lạc bộ, các diễn đàn trên mạng xã hội dưới chiêu bài “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống Đảng, Nhà nước.

Trong những năm qua, nước ta đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Theo thống kê, hiện cả nước có 844 cơ quan báo chí gồm 184 cơ quan báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình vượt 98% diện tích cả nước.

Ở Việt Nam, báo chí đã thực sự trở thành cầu nối giữa "ý Đảng - lòng dân", tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, hành vi vi phạm vi phạm pháp luật. Đó là minh chứng phản bác luận điệu vu cáo Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “kiểm soát báo chí, Internet”…

Cũng như hoạt động bình thường khác của xã hội, việc thực hiện quyền tự do báo chí đều phải trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, không một cá nhân, tổ chức hoạt động báo chí nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã xử lý các đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân theo pháp luật, điều này phù hợp với luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này. Tự do báo chí đúng nghĩa luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của nhân dân.

Nhằm góp phần đấu tranh có hiệu quả với hoạt động lợi dụng quyền tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước ta, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác quản lý nhà nước với báo chí, truyền thông và công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí chống phá Việt Nam.

Đẩy mạnh tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tự do báo chí để xâm phạm quốc gia nước ta, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị.

Mỗi nhà báo cần không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; tự nghiêm khắc “tự soi”, “tự sửa”, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm Luật Báo chí và các quy định của pháp luật trên lĩnh vực báo chí; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, truyền thông, quản lý Internet. Xây dựng, hoàn thiện các quy định đạo đức nghề nghiệp và giáo dục các chủ thể trong hoạt động báo chí, truyền thông tự giác thực hiện. Các chế tài xử lý vi phạm cần đủ mạnh để đảm bảo ngăn ngừa răn đe; kiên quyết sắp xếp lại các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực báo chí, truyền thông. Qua đó chủ động phát hiện những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc ở các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhà báo để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối nội và đối ngoại qua nhiều kênh và nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú làm cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, các giá trị văn hóa đặc trưng của đất nước và con người Việt Nam, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo, xuyên tạc vấn đề này ở Việt Nam.

Quốc An
.
.
.