70 tuổi gây tội ác, sao lại “tha tử hình”!

Thứ Ba, 25/08/2015, 20:20
Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi đề xuất bỏ hình phạt tử hình với người trên 70 tuổi. Tuy nhiên, đa số ý kiến phản bác đề xuất này…

Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo Bộ luật hình sự thì vẫn có nhiều ý kiến khác. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nên phân loại rõ hơn trong từng loại tội, nhưng bỏ hẳn án tử hình đối với một số tội danh thì phải cân nhắc kỹ. “Người 70 tuổi mà trùm ma túy, chủ mưu, cầm đầu phạm tội ác thì phải tử hình chứ không có nhân đạo trong việc này được” – ông nói. Nhiều ý kiến cũng phản bác đề xuất bỏ án tử với người trên 70 tuổi và lấy các viện dẫn cho thấy, xã hội phát triển, người ở tuổi này vẫn khỏe mạnh và có người gây ra tội ác “tày trời” như giết người, cầm đầu đường dây mua bán ma túy, băng nhóm tội phạm… Do đó, vì bất kỳ lý do gì, tha cho số này là không được.

Dự án Bộ luật hình sự sửa đổi đề xuất bỏ tử hình ở 7 tội danh.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, là người làm trong ngành và đã nghiên cứu hơn chục năm nay về tội tử hình, ông nhận thấy không phải nhiều án tử hình thì giảm được tội phạm. Đôi khi hình phạt khắc nghiệt quá lại gián tiếp làm nảy sinh tư tưởng sống gấp bằng con đường phạm tội, cho rằng đằng nào cũng là phải chịu tội tử hình rồi. Nên coi trọng việc thu hồi tài sản hơn là xử tử tội phạm tham ô, tham nhũng tử hình. Ông cũng không đồng ý việc bổ sung hình phạt chung thân không giảm án vì không đạt được mục đích cải tạo.

Nêu vấn đề quy trách nhiệm pháp nhân tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay, do còn nhiều ý kiến khác nhau, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đưa ra lấy ý kiến nhân dân được chỉnh lý theo 2 phương án. Phương án 1: Bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào dự thảo. Theo đó, pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ các pháp nhân công quyền (bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ); sửa đổi khái niệm tội phạm; quy định cụ thể các tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự  và các chương, điều quy định khác liên quan đến pháp nhân phạm tội. Phương án 2: không quy định vấn đề này. Đa số ý kiến tại phiên họp tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. 

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), trong lĩnh vực môi trường, các hành vi vi pham pháp luật để lại hậu quả rất lớn đối với một cộng đồng dân cư rộng lớn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người dân nên rất cần có quy định này. 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, quy định này sẽ có tác dụng tốt, hạn chế được nhiều hành vi sai phạm nghiêm trọng của pháp nhân trong các lĩnh vực như mua bán người, trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm, bỏ qua các quy định về an toàn vệ sinh lao động… 

Hiện có 116 quốc gia (trong đó có 6 nước trong khối ASEAN) có quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân. Các công ước có liên quan đến xử lý pháp nhân gồm: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; các công ước về chống khủng bố mà Việt Nam đã tham gia… 

M.Đ.
.
.
.