Xung quanh cá nhân vận động, quyên góp từ thiện:

Cần đảm bảo đúng luật, phù hợp với đạo đức xã hội

Thứ Bảy, 24/10/2020, 08:33
Theo Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội): Chúng ta phải xây dựng cơ chế pháp luật tốt để mọi nghĩa cử cao đẹp được nhân rộng, mọi quyên góp ủng hộ được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch, mọi người cùng giám sát được.


Miền Trung nước ta liên tiếp bị những trận lũ lụt kinh hoàng, hàng trăm người chết vô cùng đau thương, hoa màu, lương thực và gia súc bị cuốn trôi. Hơn lúc nào hết, nhân dân ta đang phát động sâu rộng tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Các tổ chức như nhà trường, đoàn thể, tổ dân phố, các hiệp hội, ngành nghề, thậm chí các cá nhân đều kêu gọi và tự nguyện quyên góp chi viện vì khúc ruột miền Trung đau thương. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, cảm kích của nhiều người, còn có một số ý kiến bày tỏ lo ngại, nghi ngờ liệu có những cá nhân nhận tiền từ thiện lợi dụng để trục lợi hay không?

Trong những ngày qua, việc ca sĩ Thủy Tiên vận động được hơn 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung nhận được nhiều sự hoan nghênh và quan tâm của dư luận. Không chỉ ca sĩ Thủy Tiên mà hiện nay, nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng với cộng đồng đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện lại có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi. Ví dụ như ca sĩ Mỹ Tâm, MC Phan Anh, nghệ sĩ Hoài Linh… và nhiều ca sĩ, nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật khác.

Việc cá nhân tự đứng ra vận động, quyên góp từ thiện có vi phạm pháp luật hay không? Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội), nếu những người này tự bỏ tiền ra để cứu trợ và đứng ra kêu gọi quyên góp với mục đích cứu trợ, từ thiện trên danh nghĩa của mình chứ không giả mạo, mượn danh nghĩa của cơ quan, tổ chức khác; đồng thời tài sản họ tiếp nhận được phân phối đúng mục đích, thực sự thực hiện công tác cứu trợ, từ thiện hiệu quả thì hành vi này của họ là không vi phạm pháp luật.

Ca sĩ Thủy Tiên trao quà cho người dân vùng lũ miền Trung.

 “Quan điểm của cá nhân tôi thì đối với hoạt động từ thiện, kêu gọi từ thiện tự phát của cá nhân, tổ chức thì không cần quy định cấm đoán, cản trở, hạn chế mà cho phép hoạt động theo các quy định của Bộ luật Dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội. Trong trường hợp ai đó lợi dụng hoạt động này để trục lợi, lừa đảo thì đã có những chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng các quy định như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi vậy khi cá nhân người vận động quyên góp gian dối, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng hoặc lợi dụng hoạt động từ thiện để vụ lợi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về hành vi của mình tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nói.

Làm thế nào để tinh thần tương thân tương ái được lan rộng, nghĩa cử cao đẹp của mọi người đều đến tay người dân vùng lũ kịp thời, hiệu quả; đồng thời, chúng ta cũng không để kẻ xấu lợi dụng lòng tốt của đồng bào, lấy tiền quyên góp bỏ túi làm giàu cho riêng mình? Theo Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội): Chúng ta phải xây dựng cơ chế pháp luật tốt để mọi nghĩa cử cao đẹp được nhân rộng, mọi quyên góp ủng hộ được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch, mọi người cùng giám sát được.

Luật sư Hùng cho biết, các quy định của pháp luật về đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn chưa đáp ứng được các cơ chế nêu trên. Ví dụ: các tổ chức, đơn vị tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ được quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ–CP chỉ giới hạn bởi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương và các đơn vị tổ chức được các chủ thể trên cho phép; ngoài ra các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP cũng được thực hiện.

Với quy định hạn hẹp về chủ thể nêu trên, pháp luật đã vô tình gạt bỏ rất nhiều chủ thể khác như nhà trường, đoàn thể, hiệp hội, tổ chức, cá nhân tổ chức quyên góp thiện nguyện. Vô tình, nhà làm luật đã đẩy những chủ thể này vào tình trạng “làm phúc phải tội”.

Trong khi đó, cách thức huy động, quản lý và hỗ trợ từ quỹ từ thiện còn chung chung chưa cụ thể rõ ràng, chưa nhanh chóng. Người dân góp tiền, hiện vật cũng chưa được công khai như một hình thức biểu dương, đánh giá xếp hạng công dân tốt. Đặc biệt số tiền quyên góp được trao tặng cho người gặp khó khăn cũng chưa có quy định công khai minh bạch. “Đây là kẽ hở để cán bộ suy thoái lợi dụng bỏ túi riêng. Khiến cho người dân mất niềm tin vào các tổ chức thiện nguyện mà pháp luật quy định. Từ đó, người dân quyên góp và trao cho bạn bè, người thân, người có uy tín để ủng hộ đồng bào gặp khó khăn”, luật sư Hùng nói.

Luật sư Hùng phân tích, về mặt pháp lý, bản chất việc thiện nguyện là giao dịch dân sự dưới hình thức tặng cho theo quyền sở hữu, trong đó có quyền tự định đoạt, nhưng Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Nghị định 148/2007/NĐ-CP quy định phải thông qua các tổ chức có thẩm quyền là không theo Điều 158 Bộ luật Dân sự, vi phạm Khoản 1 Điều 32 Hiến pháp năm 2013.

Vì vậy, luật sư Hùng kiến nghị, các nhà làm luật cần nghiên cứu và sửa luật theo hướng cởi mở hơn về mặt chủ thể tham gia tổ chức quyên góp, chặt chẽ hơn về mặt giám sát, công khai minh bạch, nhanh chóng thuận tiện để ứng cứu kịp thời và các nghĩa cử cao đẹp của dân tộc được nhân rộng.

Luật sư Đặng Văn Cường: Quan điểm của cá nhân tôi thì hoạt động kêu gọi ủng hộ quyên góp cho đồng bào đang gặp khó khăn như nữ ca sỹ Thủy Tiên và một số ca sỹ, nghệ sĩ tổ chức, cá nhân khác đã thực hiện là rất tốt và phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội nên cần phải phát huy và tạo điều kiện để những hoạt động này được lan tỏa và phát huy những giá trị nhân văn trong bối cảnh nhiều người dân miền Trung đang gặp khó khăn như hiện nay. Những quy định pháp luật không còn phù hợp, có thể là những rào cản cho những hoạt động thiện nguyện này thì cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc phải có những hướng dẫn cụ thể để tránh những tranh cãi không đáng có.
Trần Hằng
.
.
.