Cần chú ý phát hiện, xử lý “tham nhũng chính sách”

Chủ Nhật, 04/08/2019, 08:55
Ngày 26-7 vừa qua, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và đã có những phát biểu kết luận quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá XIII xung quanh vấn đề trên.


PV: Xin bà cho biết quan điểm về kết quả “đốt lò” chống tham nhũng của đất nước trong thời gian qua?

PGS.TS Bùi Thị An: Công tác phòng, chống tham nhũng do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo vừa qua dần đã đem lại niềm tin cho nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Người dân rất mong chờ, chú ý theo dõi những chỉ đạo của Đảng, thấy có kết quả thì dân rất mừng. Có thể nói, chưa bao giờ người dân quan tâm theo sát những vụ việc, kết luận về chống tiêu cực, tham nhũng như bây giờ. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã thể hiện được sự chỉ đạo nhất quán của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đó là không có “vùng cấm”,  không có ngoại lệ, không có “hạ cánh an toàn”. Bởi vì trước đây người ta cho rằng, cứ “chui” được vào vị trí này, vị trí kia là yên tâm rồi, và đã “hạ cánh” là an toàn. Trước khi về hưu ký hàng loạt quyết định cho vào biên chế, phê duyệt các dự án, xong rồi không ai đụng đến... thì bây giờ đã khác, các quy định thực sự có tác dụng răn đe, phòng ngừa các dấu hiệu tham ô, tham nhũng. “Cuộc chiến” chống tham nhũng hiện nay như một cuộc “tổng tiến công” mà có những “trận đánh” cụ thể, rõ ràng, khiến nhân dân chờ mong hàng ngày. Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa rồi do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì làm cho mọi người yên tâm và tin tưởng rằng, “cuộc chiến” sẽ tiếp tục, sẽ quyết liệt.

PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá XIII.

PV: Bà nhìn thấy điều gì từ những phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp?

PGS.TS Bùi Thị An: Có một tuyên bố rất quan trọng từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp đến, nhất quyết không được để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức vào cấp ủy. Đồng thời, ai vướng vào quan hệ thân quen, đưa gia đình vợ con vào mà tìm mọi cách bao che, xoá nhẹ đi thì không được, có dính dáng gì thì thôi không cơ cấu vào cấp uỷ nữa. Người dân rất tin vào tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng đó cũng là việc làm rất khó. Đảng phải tìm được giải pháp có hiệu quả để đạt được mục tiêu ấy, để những đồng chí trong Trung ương khoá XIII hoàn toàn là vì Đảng, vì nước vì dân mà không vì những lợi ích riêng tư, cá nhân.

Và từ phát biểu này, tôi cũng đề nghị một trong những vấn đề của tham nhũng mà Trung ương cần chú trọng là tham nhũng quyền lực. Có hiện tượng cán bộ lãnh đạo lên được rồi thì củng cố địa vị, đưa những người thân quen, cánh hẩu, người nhà vào những vị trí quan trọng... Trong công tác cán bộ, mình yêu cầu chống kẻ cơ hội chính trị, chống “chạy chức, chạy quyền”, hiện tượng “cả họ làm quan”... song muốn xử lý triệt để thì cần xem lại toàn bộ quá trình ấy. Tại sao khi phát hiện sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ thì tất cả các quy trình đều đúng? Đúng quy trình nhưng sản phẩm sai thì thế nào? Đành rằng quy hoạch là cần thiết, tiêu chí bằng cấp là quan trọng, nhưng trải nghiệm và kết quả trong thực tiễn còn quan trọng hơn nhiều. Khi bổ nhiệm cán bộ cần đánh giá cẩn thận quá trình công tác đã trải qua, chứ không nên chỉ đơn thuần nhìn vào hồ sơ. Bằng cấp là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ của một cán bộ lãnh đạo. Quan trọng hơn là trải nghiệm thực tiễn, là bản lĩnh vững vàng trong quá trình chà xát với thực tiễn trước đó. Nếu không sẽ lại vẫn hiện tượng “con ông cháu cha, con cháu các cụ” vào làm, xong đi học, xong rồi quy hoạch, cứ thế lên các vị trí cao hơn...

PV: Trở lại vấn đề phòng, chống tham nhũng, có ý kiến cho rằng nếu chúng ta làm mạnh tay quá thì cán bộ sẽ làm việc “cầm chừng”...

PGS.TS Bùi Thị An: Quả đúng như vậy, hiện cũng đã có tình trạng chuẩn bị Đại hội Đảng thì một số người “đi nhẹ, nói khẽ”, không dám quyết, không dám đương đầu. Do đó Đảng phải có giải pháp, phải tăng cường quản lý, giám sát, đặc biệt là giám sát của Mặt trận Tổ quốc và giám sát của dân, để xem cách người đó xử lý công việc liên quan đến quyền lợi của dân như thế nào. Có cán bộ không quyết cái gì cả, cứ bình bình mà “đi” lên. Do đó, yêu cầu cán bộ phải lao vào công việc, phải thể hiện quan điểm, phải vì dân. Cần lấy tiêu chí anh quyết đoán, xông pha vào công việc như thế nào; đối với sự việc liên quan đến lợi ích của người dân thì anh vì dân ra sao. Nếu làm được điều này thì rất tốt, sẽ loại ra được những cán bộ cơ hội, đặt lợi ích của bản thân lên trên hết.

PV: Nhắc lại một loạt vụ án nghiêm trọng như vụ AVG, vụ đánh bạc nghìn tỷ, vụ Vũ “nhôm”, vụ Út “trọc”..., Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không ngưng nghỉ, không chùng lại, thậm chí là quyết liệt hơn”. Suy nghĩ của bà về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Thị An: Tôi hoàn toàn đồng tình, kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã mang lại niềm tin cho nhân dân, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, do đó không có lý do gì mà chúng ta lại ngơi nghỉ hay chùng lại. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã khẳng định rồi, “làm mạnh mẽ để giữ uy tín, chứ không sợ mất uy tín”. Tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời để các đối tượng tham ô, tham nhũng không có cơ hội chạy trốn và tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng thì phải thu hồi được cho dân.

Bên cạnh đó, vừa rồi chúng ta để ý đến tham nhũng vật chất và tham nhũng quyền lực nhiều, tới đây cần phải chú ý hơn tới tham nhũng chính sách. Bởi vì qua một số vụ án tham nhũng cho thấy, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của luật để thực hiện các hành vi tham nhũng. Chẳng hạn trong làm luật, vì lợi ích nhóm mà các đối tượng cố tình tìm cách liên kết, móc ngoặc với những cán bộ có chức, có quyền thoái hoá biến chất để đưa ý đồ có lợi cho họ vào luật. Có rất nhiều doanh nghiệp chân chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội; song cũng có những doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận và đi ngược lại quyền lợi của dân đã yêu cầu sửa luật một cách kín đáo, mà đôi khi chỉ thay đổi vài từ thì luật đã xoay chuyển theo hướng khác rồi. Họ lobby, họ mời “đi khảo sát” trong và ngoài nước rồi quà cáp, phong bì... mà nếu cán bộ làm luật không bản lĩnh thì sẽ dễ đi chệch hướng. Việc lobby chính sách khó đong đếm vô cùng, không thể bằng 1 tỷ, 2 tỷ, nghìn tỷ mà có khi thành nhiều nghìn tỷ, và quan trọng là làm cho dân mất lòng tin vào sự điều hành của chính quyền. Do đó, từ niềm tin của mình, chúng tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chú ý vấn đề này, vì khi tham nhũng đã đi vào chính sách thì sẽ có tính chất định hướng và có tác động lâu dài.

PV: Từ góc độ một cử tri, một người dân, bà cảm nhận thế nào về công cuộc “đốt lò” đẩy lùi tham nhũng trong thời gian tới?

PGS.TS Bùi Thị An: “Lò cháy lên rồi không ai có thể đứng ngoài cuộc được”. Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vừa rồi cũng là hiệu lệnh cho giai đoạn tiếp theo của “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, thể hiện quyết tâm đẩy lùi tham nhũng cao độ của Đảng, Nhà nước và làm cho nhân dân yên tâm hơn. Trước đây nhân dân cũng có lúc lo lắng, vì thấy một số người có biểu hiện tham ô, tham nhũng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhưng vừa rồi qua thông tin xử lý các vụ việc thì nhân dân tin tưởng hơn. Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết sẽ tiếp tục làm, kiên trì, bền bỉ, không chùng lại... thì người dân sẽ chờ đợi, lắng nghe. Quan trọng nhất, với kết luận, tuyên bố ấy thì người dân phấn khởi, yên tâm, tin tưởng. Mà khi có sự đồng thuận của dân thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Quỳnh Vinh
.
.
.