Cần bổ sung vấn đề “an ninh mạng” vào dự báo tình hình thế giới

Chủ Nhật, 04/10/2015, 17:04
Tiếp tục góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016- 2020), đa số ý kiến trong số hơn 30 nghìn ý kiến của cán bộ, đảng viên CAND tham gia góp ý đề nghị bổ sung thêm vấn đề “an ninh mạng” vào dự báo tình hình thế giới, đất nước những năm sắp tới.
Tiếp tục góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016- 2020), đa số ý kiến trong số hơn 30 nghìn ý kiến của cán bộ, đảng viên CAND tham gia góp ý đề nghị bổ sung thêm vấn đề “an ninh mạng” vào dự báo tình hình thế giới, đất nước những năm sắp tới và sửa lại là: “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp”. 
Hiện nay an ninh mạng đã trở thành vấn đề nóng bỏng, chi phối, tác động đến mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là xu hướng phát triển của thế giới hiện đại với cuộc cách mạng công nghệ thông tin đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức đối với an ninh quốc gia. 

Đa số ý kiến cho rằng mục tiêu “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là trừu tượng, khó định lượng, đánh giá cuối nhiệm kỳ; đề nghị  sửa đổi, bổ sung rõ hơn, như sau: “xây dựng nền tảng vững chắc để đến năm 2025 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. 

Một số ý kiến đề nghị, sửa nhiệm vụ tổng quát thứ 6 trong 5 năm tới thành “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Vì ngoài việc tăng cường quản lý thì phải bảo đảm tính hiệu quả của công tác này.

Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “phát triển nguồn nhân lực phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội” vào nội dung thứ hai và sửa lại là: “Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội”. Như vậy mới sát với thực tế, đào tạo nguồn nhân lực phải vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa có tính chiến lược cho sự phát triển đất nước cũng như giải quyết nhu cầu thực tế của xã hội. Một số ý kiến đề nghị thêm cụm từ “có chuyên môn cao”, “toàn diện” vào câu“phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” và sửa lại là: “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo”. Vì để tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cũng như nền kinh tế tri thức, trước hết cần phải có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có chuyên môn cao, cần ưu tiên phát triển chiều sâu hơn chiều rộng.

Về phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, có ý kiến đề nghị bổ sung mục tiêu: “Bảo tồn quỹ đất nông nghiệp hợp lý trước tình trạng đô thị hóa, công nghiệp hóa và tác động của biến đổi khí hậu”. Về phát triển khu vực dịch vụ, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “Chủ động tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong nước và ngoài nước” và sửa lại là: “Phát triển dịch vụ khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch, việc làm, chủ động tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế”.

Về phát triển đô thị, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “phát huy vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ của các đô thị” và sửa lại là: “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, đô thị ven biển; phát huy vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ của các đô thị”. Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “đa dạng hóa hình thức đầu tư” và sửa lại là: “Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đa đạng hóa hình thức đầu tư để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại”.

Nguyễn Hưng (ghi)
.
.
.