Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng

Cần bổ sung, làm rõ một số nội dung công tác an ninh

Chủ Nhật, 18/10/2015, 07:53
Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã khái quát đầy đủ bối cảnh tình hình, đánh giá làm nổi bật những thành tựu cơ bản của đất nước sau 30 năm đổi mới và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; chỉ ra những hạn chế, yếu kém; đúc kết được các bài học kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020 và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Trong đó, đã đề cập những thành tựu, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ công tác an ninh.

Thành tựu lớn nhất của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia 5 năm qua là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa,  bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia; giữ vững ổn định chính trị; tiềm lực quốc phòng - an ninh được đẩy mạnh, nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc gắn với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân, tạo môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ đắc lực đất nước hội nhập và phát triển. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, lực lượng Công an nhân dân được xây dựng theo tiêu chí cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Hiện nay, các nguy cơ, các mối đe dọa an ninh quốc gia mà Đảng ta chỉ ra vẫn chưa bị đẩy lùi, có nguy cơ đang trở thành những thách thức lớn đối với cách mạng nước ta; đồng thời nảy sinh những vấn đề phức tạp mới có thể trở thành nguy cơ, nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời hóa giải, nhất là tình hình tranh chấp ở biển Đông, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; vấn đề mất an ninh, an toàn mạng; vấn đề an ninh “phi truyền thống”.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia đề ra trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng khá toàn diện, đầy đủ, đã xác định rõ những vấn đề cốt lõi đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là những mục tiêu, nhiệm vụ vừa trước mắt vừa lâu dài, có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, cách diễn đạt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong các dự thảo văn kiện còn đan xen giữa quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp. Cần sắp xếp lại theo một trình tự logic, từ mục tiêu, quan điểm đến các nhiệm vụ, giải pháp. Dự thảo văn kiện cần xác định rõ những định hướng chiến lược trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, như: tập trung hoàn thiện đường lối quốc phòng, an ninh trong giai đoạn cách mạng mới; xây dựng, triển khai các chiến lược về quốc phòng, an ninh, nghệ thuật, khoa học, lý luận an ninh cũng cần tiếp tục được đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Về các mục tiêu, yêu cầu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, dự thảo báo cáo chính trị mới chỉ đề cập đến mục tiêu không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, cần bổ sung các mục tiêu không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa; không để xảy ra khủng bố, bạo loạn.

Về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong nghị quyết Đại hội XI xác định rõ những định hướng phải tập trung hiện đại hóa ngay, trong Công an là các lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động. Phần này dự thảo chỉ nêu chung là “ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng” (dự thảo Báo cáo chính trị) và “ưu tiên hiện đại nhanh ở những lĩnh vực cần thiết đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ” (dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm  2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội  5 năm 2016 - 2020). Cách diễn đạt những nội dung nói trên trong hai văn kiện không thống nhất, dễ có thể hiểu là có sự thu hẹp về phạm vi và tốc độ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên như trong văn kiện Đại hội XI. Ngoài ra, cần nhấn mạnh chống âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch.

Về nhiệm vụ và giải pháp, nên gắn kết chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại, không nên tách thành 2 ý như trong dự thảo văn kiện. Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh các địa bàn trọng điểm, các vùng chiến lược; phát triển sâu rộng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hoàn thiện các đề án, phương án đảm bảo an ninh, trật tự; thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm...

Giáo sư, TS Bùi Quảng Bạ
.
.
.