Bổ sung hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, khám chữa bệnh cho người tâm thần

Chủ Nhật, 11/04/2021, 07:23
Vừa qua, vụ việc nữ lao công bị nam thanh niên có tiền sử bệnh tâm thần dùng gạch đập liên tiếp vào đầu dẫn đến tử vong tại đường Cầu Giấy, Hà Nội đã tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng người tâm thần gây án. Người tâm thần và gần đây là người “ngáo đá” gây án không phải là câu chuyện mới nhưng rõ ràng nó vẫn đang tiếp diễn gây ra những cái chết rất thương tâm.


Người tâm thần, người “ngáo đá” gây án có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Ở góc độ pháp lý, người tâm thần và người “ngáo đá” giống và khác nhau như thế nào? Quản lý người tâm thần như thế nào để ngăn ngừa những vụ việc đau lòng có thể xảy ra? Đó là những nội dung xoay quanh cuộc trò chuyện của Báo CAND với Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân.

Phóng viên (PV): Thưa Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân, ông đánh giá như thế nào về vụ việc nữ lao công bị nam thanh niên có tiền sử bệnh tâm thần dùng gạch đập liên tiếp vào đầu dẫn đến tử vong tại Hà Nội ngày 4/4 vừa qua?

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân: Theo tôi đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và đây cũng không phải lần đầu tiên người có tiền sử bệnh tâm thần gây nên vụ việc nghiêm trọng như vậy. Đã có nhiều người bị tâm thần thực hiện hành vi giết người xảy ra.

PV: Qua xác minh của cơ quan Công an cho thấy, nam thanh niên này có tiền sử bệnh tâm thần. Theo quy định của pháp luật, nam thanh niên này có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã gây ra hay không, thưa ông?

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân: Xét hành vi của nam thanh niên này đã cấu thành tội giết người, tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Về nguyên tắc, khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ và khi xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp tố tụng để điều tra, đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Trường hợp nam thanh niên này, Cơ quan điều tra cần xác định tình trạng bệnh lý cũng như năng lực chịu trách nhiệm hình sự của đối tượng. Nếu có căn cứ xác định đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự phải ra quyết định trưng cầu giám định để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. 

Dựa vào kết luận giám định có thể xảy ra 3 trường hợp: 

Một là, nếu đối tượng bị bệnh tâm thần, hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của đối tượng sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (theo điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự). 

Hai là, nếu đối tượng bị bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 21 Bộ luật Hình sự). Trường hợp này, Cơ quan điều tra sẽ ra Quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 

Ba là, nếu có căn cứ xác định đối tượng bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng bia, rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 13 Bộ luật Hình sự)

PV: Đã từng có nhiều vụ người tâm thần gây án trong đó có cả những vụ việc rất nghiêm trọng. Ông có thể lý giải nguyên nhân của những vụ việc này?

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân: Trên thực tế thời gian qua, những người tâm thần đã gây ra rất nhiều vụ việc nghiêm trọng, đau lòng. Có nhiều nguyên nhân để xảy ra những vụ việc đó: 

Thứ nhất, bản thân những người bị bệnh tâm thần họ bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nên họ không biết được hành vi của mình sẽ gây nguy hiểm như thế nào cho xã hội. 

Thứ hai, ý thức cảnh giác của người dân nói chung, của người thân người bị mắc bệnh tâm thần nói riêng chưa cao (thiếu sự theo dõi, giám sát diễn biến bệnh, nhất là các biểu hiện bất thường; thiếu ý thức cảnh giác, phòng ngừa…). Thậm chí người thân của người mắc bệnh tâm thần không muốn con, em  mình đi khám, chữa bệnh vì sợ xấu hổ, sợ tốn kém hoặc không có khả năng chi trả khám, chữa bệnh… 

Thứ ba, sau khi đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe người bệnh ổn định được đưa trở lại gia đình, sống cùng cộng đồng, không có gì chắc chắn việc họ khỏi hẳn bệnh, có thể bệnh tình của họ lại tái phát, khi đó việc khám, điều trị cho người bệnh là do sự tự nguyện và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của gia đình người bệnh. Việc này có thể dẫn đến nhiều người mắc bệnh tâm thần vẫn sống chung, tạo nên sự bất an cho cộng đồng và đã gây nên những vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng trong thời gian qua.

PV: Người tâm thần vẫn sống chung với cộng đồng và theo quy định của pháp luật hiện hành, họ không phải đi chữa bệnh bắt buộc nếu chưa thực hiện hành vi phạm tội. Ông có cho rằng đây là lỗ hổng pháp lý khiến người tâm thần gây ra những vụ án đau lòng không, thưa ông?

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân: Tôi cho rằng, hành lang pháp lý của chúng ta chưa điều chỉnh hết các trường hợp bắt buộc người mắc bệnh tâm thần phải đi chữa bệnh cũng như trách nhiệm của gia đình, các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát, khám, chữa bệnh bắt buộc đối với người mắc bệnh tâm thần. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất bổ sung hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, khám, chữa bệnh bắt buộc cho người mắc bệnh tâm thần nhằm giảm các nguy cơ họ sẽ thực hiện các hành vi phạm tội cho xã hội.

PV: Cùng với nhóm người tâm thần thì thời gian vừa qua, người “ngáo đá” cũng gây ra nhiều vụ án mạng đau lòng. Thưa Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân, dưới góc độ pháp lý, người “ngáo đá” giống và khác với người tâm thần ở điểm nào?

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân: Dưới góc độ pháp lý, người “ngáo đá” với người mắc bệnh tâm thần hoàn toàn khác nhau. Người “ngáo đá” có triệu chứng của tâm thần (loạn thần nặng) dưới góc độ khoa học. Nhưng dưới góc độ pháp lý “ngáo đá” chính là do hậu quả của hành vi sử dụng chất ma túy gây ảo giác, đây là hành vi chủ động, không vô thức của chủ thể sử dụng chất ma túy. Theo quy định của pháp luật hiện hành sử dụng chất ma túy được coi là chất kích thích mạnh. Do đó, theo quy định của pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và vì vậy, người “ngáo đá” vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do họ gây ra (Điều 13 Bộ luật Hình sự).

Như phân tích ở trên, người mắc bệnh tâm thần có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ bệnh cũng như khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của họ.

PV: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2022. Một trong những sửa đổi quan trọng của Luật chính là quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ông có thể cho biết đó là những trường hợp nào?

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có thể nói đã được sửa đổi cơ bản và toàn diện so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) nhằm khắc phục những bất cập trong công tác cai nghiện, đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả. 

Theo đó, những người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau: Thứ nhất, người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; thứ hai, trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; thứ ba, người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; thứ tư, trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện. Như vậy có thể thấy, việc quy định như trên nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

PV: Theo ông, việc quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ có tác dụng như thế nào trong việc ngăn chặn, phòng ngừa người “ngáo đá” gây án?

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân: Có thể nói, việc quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ giúp cho Nhà nước kiểm soát, quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, tiến tới góp phần giảm được tình trạng mất an ninh, trật tự, tội phạm, bạo lực nói chung và làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong do tội phạm, tệ nạn ma túy nói riêng mang lại, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

PV: Người nghiện ma túy trong đó có cả người “ngáo đá”đã có quy định cụ thể về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vậy, ông có đề xuất như thế nào về việc quản lý người tâm thần để tránh những vụ việc đau lòng có thể xảy ra?

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân: Để quản lý người mắc bệnh tâm thần tránh cho họ gây ra những sự việc đau lòng có thể xảy ra, theo tôi trước hết, cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ người mắc bệnh tâm thần đang chữa bệnh bắt buộc tại cơ sở y tế, tránh việc họ bỏ trốn ra ngoài xã hội. 

Thứ hai, nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình người bệnh trong theo dõi, quản lý họ, không để họ tự do đi lại trong cộng đồng; giám sát khi họ có biểu hiện “lạ” thì cần đưa đến cơ sở y tế kịp thời để được tư vấn khám, điều trị. 

Thứ ba, cần huy động các nguồn lực xã hội, nhất là các tổ chức xã hội tại địa bàn cơ sở trong quản lý, giám sát người mắc bệnh tâm thần; huy động nguồn tài chính giúp những gia đình có người mắc bệnh tâm thần được khám, chữa bệnh. 

Thứ tư, cần làm tốt công tác truyền thông về quản lý, giám sát người mắc bệnh tâm thần, về những nguy cơ mà người mắc bệnh tâm thần sẽ gây ra cho xã hội cũng như ý thức cảnh giác, đề phòng khi tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh tâm thần.

Và, như tôi đã nói ở trên, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất bổ sung hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, khám, chữa bệnh bắt buộc cho người mắc bệnh tâm thần nhằm giảm các nguy cơ họ sẽ thực hiện các hành vi phạm tội cho xã hội.

PV: Cảm ơn Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân!

Nguyễn Hương
.
.
.