Bàn tăng lương không phải cuộc “mặc cả”

Thứ Năm, 20/07/2017, 08:46
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, nền kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường, nên tiền lương, tiền công, phúc lợi của người lao động phải dựa trên đối thoại, thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng.

Hôm nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ 2 để bàn về việc tăng lương tối thiểu vùng 2018.

Cũng giống như kỳ họp trước, kỳ họp năm nay của Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đã kéo dài sang phiên thứ 2 nhưng con số cuối cùng để xác định mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 vẫn chưa “hạ hồi phân giải” bởi quan điểm của các bên rất cứng rắn.

Ở phiên họp thứ nhất diễn ra vào tháng 6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đại diện cho người lao động) đề xuất mức tăng 13,3%, trong khi đó phía VCCI (đại diện cho giới doanh nghiệp) chỉ đưa ra mức tăng dưới 5%. Hai con số khác biệt là câu chuyện đã xảy ra ở nhiều kỳ họp những năm trước.

Tiền lương, tiền công của người lao động phải dựa trên đối thoại, thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng.

Trong cuộc trả lời báo chí ngày 17-7, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia rằng, bàn việc tăng lương tối thiểu vùng là để các bên thương lượng, không phải cuộc “mặc cả”.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, nền kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường, nên tiền lương, tiền công, phúc lợi của người lao động phải dựa trên đối thoại, thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng. Cơ chế của Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng dựa trên đối thoại để tìm ra điểm chung.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích, cả công ước quốc tế và pháp luật các nước đều nêu rõ, tiền lương tối thiểu phải căn cứ theo mức sống tối thiểu, năng suất lao động, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Quốc gia nào cũng muốn tất cả người dân có việc làm, thu nhập, còn người lao động luôn muốn lương cao, chủ sử dụng lao động lại muốn lương thấp. Tuy nhiên, nếu tăng lương ở mức vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp sẽ dẫn tới lao động bị sa thải, mất việc làm.

“Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn các bên thỏa thuận, thương lượng đạt điểm cân bằng cho tăng lương tối thiểu năm sau. Mong mọi thành quả phát triển kinh tế, xã hội đều được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động”, ông Diệp nói.

Đúng là không nên “mặc cả” việc tăng lương tối thiểu của người lao động, bởi đây là đội ngũ đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thế nhưng dường như, mỗi kỳ họp bàn về tăng lương tối thiểu vùng lại đang thực sự là một cuộc mặc cả.

Đơn cử như phiên họp thứ nhất năm nay, trong khi Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 13,3% thì phía VCCI đề xuất mức tăng rất thấp, thậm chí là không tăng. Nhưng trước sức ép từ phía Tổng LĐLĐVN thì VCCI mới có ý kiến tăng 2%, 3%, rồi đến dưới 5%. Đây là thực tế cho thấy rõ ràng phía đại diện giới chủ đang mặc cả với người lao động.

“Tôi nói thật là tôi thất vọng ở con số VCCI đưa ra. Họ nói rằng, đời sống công nhân hiện nay rất khó khăn. Thứ hai họ nói tăng trưởng của doanh nghiệp là nhờ công nhân lao động. Công nhân lao động có phấn khởi, có tin tưởng, hăng hái làm việc thì chúng tôi mới có kết quả tăng trưởng này. Thế mà cuối cùng họ chỉ đưa ra con số quá thấp như thế”, PGS. TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn chia sẻ.

Theo lời PGS. TS Vũ Quang Thọ thì muốn người lao động có thể tiếp tục làm việc, cống hiến, gắn bó với doanh nghiệp thì tiền lương phải đảm bảo để họ sống được, có nghĩa lương tối thiểu trả cho người lao động phải đáp ứng được các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động như ăn ở, may mặc...

“Điều 91 Bộ luật Lao động đã quy định, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, thì chúng ta phải thực hiện đúng theo luật rồi mọi việc mới tính tiếp. Luật có hiệu lực 5 năm nay rồi mà đến nay lộ trình cũng còn chưa rõ khi nào mức lương tối thiểu mới đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu là bất hợp lý”, PGS. TS Vũ Quang Thọ bày tỏ.                           

Phan Hoạt
.
.
.