An ninh mạng – góc nhìn từ tâm điểm dư luận: Chân dung những “nhà chỉ trích”
- An ninh mạng – góc nhìn từ tâm điểm dư luận1
- Luật An ninh mạng sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp
- Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc xây dựng Luật An ninh mạng
Nhiều tổ chức, cá nhân lên tiếng phản ứng dưới danh nghĩa tổ chức quốc tế, phi chính phủ song lý lịch số này không khó để nhận ra. Chẳng hạn, tổ chức Freedom House nói “Việt Nam tiếp tục là kẻ thù của tự do Internet” khi nhận định về Luật An ninh mạng, đưa ra nhiều quan điểm “gây bão”. Vậy Freedom House là ai, xem lý lịch để biết “độ thân quen”.
Freedom House (tức “nhà tự do”) là tổ chức phi chính phủ, thành lập tháng 10-1941, trụ sở đặt ở Hoa Kỳ. Tổ chức này tự gán cho mình sứ mệnh “theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu tình hình thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự tại các quốc gia trên thế giới”.
Freedom House còn tự nhận là “một tiếng nói minh bạch cho dân chủ và tự do trên thế giới”! Ðể thể hiện sứ mệnh, hằng năm Freedom House đều công bố các văn bản gọi là phúc trình về tự do trên thế giới, báo cáo thường niên về tự do báo chí, tự do Internet. Đáng nói, trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, Freedom House tự chọn bản danh sách theo ý mình để khảo sát.
Không ít người xuống đường tụ tập, gây rối do bị tác động từ những thông tin kích động |
Rất nhiều lần, trong phúc trình về “tự do thế giới”, “tự do báo chí”, “tự do Internet”, Freedom House tiếp tục coi Việt Nam là quốc gia “không tự do” trong thực thi quyền tự do chính trị và dân sự.
Từ khi mới ra đời, Freedom House đã là cỗ máy tuyên truyền do cố Tổng thống Roosevelt lập ra để chuẩn bị tâm lý cho công chúng Mỹ đối với việc nước Mỹ tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Freedom House không bị giải thể mà tiếp tục được sử dụng để tiến hành các chiến dịch tuyên truyền, vận động cho Kế hoạch Marshall và tổ chức NATO, đồng thời tuyên truyền chống Chủ nghĩa cộng sản.
Có một sự thật là cho đến nay, hầu hết kinh phí hoạt động của Freedom House do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ nên nó trở thành một công cụ của những người đã chi tiền để hoạt động dưới vỏ bọc nghiên cứu, theo dõi, cổ súy cho tự do, dân chủ, nhân quyền...
Bởi vậy, thông tin mà Freedom House đưa ra về tự do Internet bị áp đặt bới tư tưởng, ý đồ xấu. Gần đây, bản phúc trình Tự do Internet năm 2017 của tổ chức Freedom House tại Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam tiếp tục “lún sâu vào trong nhóm các nước không có tự do Internet”. Họ xếp Việt Nam thứ 7, sau Trung Quốc, Cuba… và được mô tả trên bản đồ với thanh màu xám, ý chỉ đất nước không có sự thay đổi về tự do Internet.
Cái cách mà Freedom House làm cũng tương tự như Human Rights Watch (tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW), đó là biến có thành không, không thành có, sử dụng chiêu trò giả dối để vu cáo. Giống như Freedom House, năm nào HRW cũng lặp lại luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, tự do báo chí, Internet.
Những nhân vật mà HRW đưa ra để viện dẫn cho cái gọi là “đàn áp nhân quyền” cũng lặp lại ở danh sách mà Freedom House sử dụng nếu như số “nhà dân chủ, nhân quyền” đó hoạt động chống phá bằng kênh truyền bá trên Internet. Cổ suý, đồng hành cùng Freedom House, HRW, có không ít trang mạng, tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và những tổ chức báo chí như Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa), Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières-RSF)...
Trong phúc trình, báo cáo thường niên, các tổ chức này đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do báo chí, Internet, trấn áp báo chí, trấn áp các bloggers rồi cố tình xếp Việt Nam nằm trong danh sách nhóm nước có thứ hạng cực thấp về tự do báo chí, ngôn luận, Internet... HRW, Freedom House trích dẫn những trường hợp bị phạt tù, xử lý hình sự khi lợi dụng mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội.
Bản phúc trình “Chỉ số tự do báo chí” hàng năm của Tổ chức phóng viên không biên giới đều cho rằng, tự do báo chí, Internet ở Việt Nam “chưa có dấu hiệu được cải thiện”, người dân “không được tự do tiếp cận thông tin” và Việt Nam đã trở thành “nước cầm tù blogger và cư dân mạng lớn thứ hai thế giới”. Tương tự chiêu bài như Freedom House, cùng với việc công bố phúc trình, RSF lợi dụng một số cơ quan truyền thông vốn thiếu thiện cảm với Việt Nam, thù địch với Việt Nam để có các cuộc trả lời phỏng vấn “làm sâu sắc hơn” phúc trình này.
Ra đời năm 1985 tại Pháp, ngay từ đầu, RSF tự cho mình quyền cổ súy tự do báo chí, tự do ngôn luận kiểu phương Tây. RSF là cái tên nhẵn mặt hay lên tiếng bóp méo, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Cách làm của họ cũng không giống ai, đó là dựa vào tố cáo hay bài viết của các đối tượng vi phạm luật pháp rồi xâu chuỗi, đưa vào danh sách lên án vi phạm tự do báo chí, internet, ngôn luận.
Thực chất, RSF hoạt động không phải vì quyền lợi của các nhà báo, từng bị tố cáo ở nhiều nước. Tổ chức này còn bị cáo buộc đã nhận được nhiều ủng hộ từ nhà tỷ phú Mỹ George Soros, người đã từng ủng hộ công đoàn Solidarnosc hàng triệu USD, từ Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment for Democracy) - tổ chức mà 90% ngân sách xuất phát từ ngân sách quốc gia của Mỹ và thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ”.
Cũng chính bởi sự lệ thuộc tài chính như thế, RSF, Freedom House, HRW... đều có chung động cơ, mục đích hành động. Vì thế, đến hẹn lại lên, những bản báo cáo, phúc trình của họ đưa ra liệt kê hàng chục, hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để đánh giá “theo cách riêng”, từ đó phê phán, chỉ trích đến chính phủ các nước.
Bởi thế nên chẳng có gì lạ khi Quốc hội thông qua dự luật, ngay lập tức RSF lên tiếng đòi “thu hồi Luật An ninh mạng”. Ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói: “Chúng tôi yêu cầu các nhà lập pháp Việt Nam thu hồi luật mới khắc nghiệt này, vốn là công cụ để củng cố sự kiểm soát của chính phủ đối với việc tiếp cận thông tin”. Ông hù dọa “Chúng tôi cũng yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ trên mạng không nhượng bộ những đe dọa không thể chấp nhận được từ luật này”!
Rõ ràng, chân tướng của những của RSF, Freedom House, HRW... đã lộ dạng từ lâu, cũng chiêu bài, thủ đoạn đánh lận, gian dối và vu cáo như cũ dù xu thế ngày nay đã thay đổi nhiều.
Cùng những tổ chức như trên, không ít cá nhân trong và ngoài nước cũng được dịp “lên án” vấn đề an ninh mạng, chỉ trích Quốc hội, Nhà nước Việt Nam. Có thể thấy rõ, đó là những người có hành vi phạm pháp, lợi dụng không gian mạng để chống phá đất nước, đã bị cơ quan chức năng xử lý dưới các hình thức.
Số này lâu nay sử dụng mạng Internet viết bài tuyên truyền phỉ báng, chống đối, nhân danh chiêu bài “xã hội dân sự”, “dân chủ nhân quyền”, “bảo vệ Tổ quốc”… để lập hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích dễ gây ấn tượng với nhu cầu, thị hiếu của từng tầng lớp, thành phần xã hội nhất định như “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”...
Thủ đoạn của họ là thông qua các trang web, diễn đàn trực tuyến, nhất là mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo người dân tham gia, sử dụng các phần mềm bảo mật để liên lạc, tổ chức huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho số thành viên, công khai viết đơn kiến nghị, đòi thành lập đảng chính trị đối lập, xin tự thành lập hội, nhóm và đòi khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự…
Các đối tượng lợi dụng kẽ hở về mặt pháp luật, các vấn đề tiêu cực, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ở trong nước để tuyên truyền, xuyên tạc và mưu đồ hình thành, công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập tại Việt Nam. Số khác hiện hùa theo tư tưởng, quan điểm này, cổ súy, bao biện hành vi phạm pháp của những trường hợp mà họ gọi “bất đồng chính kiến” như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Đài, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Tạ Phong Tần, Đinh Nhật Uy, Trương Minh Tam, Chu Mạnh Sơn...
Với an ninh mạng, một đạo luật điều chỉnh, tác động trực tiếp tới không gian mạng – nơi mà các thế lực, các tổ chức, cá nhân như viện dẫn trên sử dụng làm công cụ đắc lực chống phá Việt Nam thì như đỉa phải vôi, họ phản ứng dữ dội.
Vấn đề đặt ra là chúng ta – những người sống và bảo vệ chế độ này, đất nước này, dân tộc này phải hiểu cho ra nhẽ, phải biết phân định đúng sai, biết rõ bụng dạ lòng người mà phân phải trái. Chứ nếu cứ thấy người ta phán trên mạng, chửi trên mạng, nói rằng luật này không ra gì, luật này trù úm chế độ, kéo lùi lịch sử, luật này là củng cố độc tài, là toàn trị... rồi cũng chả rõ đầu cua tai nheo, cứ thế hùa vào, ấy là nguy hiểm.
Xem như sự thể thì cái sự hùa vào như gió lách nhà tre trên facebook, blog, diễn đàn mạng hiện nay thật đáng sợ. Có biết bao người đã đọc dự luật đâu, rồi khi Quốc hội thông qua cũng đã xem chữ nào trong luật mà thấy mạng chửi thì cũng hùa vào chửi bừa, rồi share bài viết, clip, đồ họa chế diễu khắp nơi, như thể mình được hưởng cái gì đó hay lắm mà không biết đó là sự tiếp tay gieo họa, mà họa trước hết ở chính mình trước khi nói hậu họa ở người, họa cho xã hội, quốc gia.
(Còn tiếp)