Đinh Bộ Lĩnh và việc thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ

Thứ Ba, 19/06/2018, 11:29
LTS: Năm 2018, kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Xin giới thiệu bài viết của Giáo sư sử học Lê Văn Lan về sứ mệnh dẹp loạn 12 sứ quân và thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ của vị anh hùng “cờ lau tập trận” Đinh Bộ Lĩnh.

Dẹp loạn 12 sứ quân

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh 44 tuổi, người làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Có nghĩa: 30 năm về trước, khi Ngô Quyền lập đại võ công sông Bạch Đằng (năm 938), cản phá quân xâm lược Nam Hán, chính thức và vĩnh viễn khép lại thời đại “Bắc thuộc” đen tối hơn nghìn năm trước đây; đồng thời chính thức và chắc chắn mở ra kỷ nguyên độc lập – tự chủ hơn nghìn năm sau đấy, họ Đinh mới 14 tuổi.

Ở tuổi thiếu niên ấy, có thể Đinh Bộ Lĩnh chỉ mới nhận thức được sự kỳ vĩ của việc Ngô Quyền – ngay sau trận đánh ở cửa  sông Bạch Đằng đã về Cổ Loa (Kinh đô cũ của An Dương Vương, nước Âu Lạc) và lên ngôi “Vương” ở đấy để “nối lại quốc thống” (truyền thống độc lập tự chủ của quốc gia), mà chưa hiểu rõ được điều mà Ngô Quyền chưa kịp làm: khắc phục cái rớp – như một mạch ngầm xã hội và lịch sử, cũng từ nghìn năm trước chảy trôi về - cát cứ, phân quyền, của các “thổ hào” (thủ lĩnh địa phương).

Cho nên, ngay sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình nhà Ngô ở Cổ Loa suy yếu, thì, với phẩm chất bẩm sinh từ thuở còn thơ ấu – “Cờ lau tập trận” – của một nhà quân sự tài năng lớn, và được quần chúng ở quê hương Đại Hoàng suy tôn, Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành “Tù trưởng sách Đào Ao”, “Thủ lĩnh châu Đại Hoàng” (nay là miền các xã Gia Hưng, Gia Phú, Liên Sơn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Và đến năm 951, ở tuổi 27 thì đã kháng cự thắng lợi, chống lại được cuộc đưa quân từ Cổ Loa đến trấn Dẹp, của hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn – con trai kế thừa kém cỏi ngôi Vương của triều đình Cổ Loa do Ngô Quyền để lại.

Đến năm 965, khi cả Xương Ngập và Xương Văn đều mất thì Đinh Bộ Lĩnh đã thực sự trở thành một thế lực địa phương mạnh vào bậc nhất, trong sự nghiệp và thời bùng nổ cục diện “Loạn thập nhị sứ quân” – như được mệnh danh trong các bộ sử cũ.

Bởi vì, trước đó, từ căn cứ “Châu Đại Hoàng” ở miền rừng núi phía Tây tỉnh Ninh Bình ngày nay, Đinh Bộ Lĩnh đã thực hiện được một cuộc “liên kết” ngoạn mục, với một thế lực địa phương khác, do “sứ quân” Trần Lãm cầm đầu, hùng cứ ở miền đồng bằng ven biển, phía Nam tam giác châu thổ sông Hồng, với trung tâm là “Bố Hải Khẩu” (tức: thành phố Thái Bình ngày nay).

Với phương thức hành động giỏi kết hợp chính trị với quân sự, khéo léo “lấy lòng” Trần Lãm, đồng thời trổ tài cầm quân, giúp Trần Lãm đánh dẹp các thế lực thổ hào nhỏ hơn ở trong vùng, cuối cùng được Trần Lãm tin yêu, giao cho tất cả binh quyền và đất đai, cư dân thuộc vùng hùng cứ - Đinh Bộ Lĩnh đã không chỉ trở thành chúa tể miền đất chiến lược căng ngang – từ Tây sang Đông – cả cạnh đáy, giáp biển, của tam giác châu thổ sông Hồng, mà còn hiện diện giữa cuộc “Loạn thập nhị sứ quân” như một thủ lĩnh, không chỉ kiệt xuất về quân sự, mà còn sắc sảo, giỏi giang về chính trị, đặc biệt là một nhân vật có chí hướng và thích làm lớn.

Đem ứng ngay điều này vào việc tự nhận sứ mạng dẹp “Loạn thập nhị sứ quân” trong các năm từ 965 đến 967, dưới ngọn cờ đề ba chữ “Vạn Thắng Vương”, Đinh Bộ Lĩnh đã cho đương thời và lịch sử, thấy ở mình, bản lĩnh lợi hại của một nhà quân sự bẩm sinh, dưới (ở trong) không chỉ một tấm chiến bào, mà còn là cả chiếc áo thụng của một chính khách, ngày càng thâm trầm, sắc sảo, là như thế nào.

Chỉ có 6 (một nửa) trong số 12 sứ quân (là: Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Kiều Công Hãn, Kiều Thuận, Nguyễn Thử Tiệp, Lý Khuê) khiến Đinh Bộ Lĩnh phải dùng “biện pháp quân sự” đánh dẹp.

Còn như trường hợp Ngô Nhật Khánh (là họ hàng với Ngô Quyền) thì gả con gái (là Công chúa Phất Kim) cho làm vợ, và thu nạp mẹ của Nhật Khánh làm “hoàng hậu” (vợ) của mình (dùng hôn nhân để thu phục); trường hợp sứ quân Lã Đường ở Văn Giang (Hưng Yên) cũng được Đinh Bộ Lĩnh khéo léo khuất phục. Duy nhất, sứ quân Nguyễn Khoan ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc ngày nay) được sử cũ chép là “Tự tan rã”!

Vậy là, đến cuối năm 967, trước mắt, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh và người dân cả nước Việt lúc bấy giờ, là một cảnh tượng - có phần nào giống với tình hình cuối năm 938, khi Ngô Quyền vừa đánh xong trận Bạch Đằng – “Trời quang mây tạnh”. Sau “giông bão” tiền đồ đang hứa hẹn,  đòi hỏi phải làm được một “đại sự” nào đấy, cho thật xứng đáng và xứng hợp.

Có phần nào khác với Ngô Quyền, trong thời gian hơn 20 năm khắc phục nạn cát cứ - phân quyền, Đinh Bộ Lĩnh đã cho mọi người thấy: Có một nhân vật lịch sử lớn – vừa là một nhà quân sự kiệt xuất, vừa là một chính trị gia lão luyện – họ Đinh, là mình, đã xuất hiện. Nhất định, nhân vật lịch sử đó sẽ phải nghĩ suy, tính toán, để vào năm 968, làm được những việc đại sự, trước đấy chưa từng thấy.

Lên ngôi hoàng đế, thành lập nước Đại Cồ Việt

Những bối cảnh và điều kiện cả chủ quan lẫn khách quan, cả bên trong lẫn bên ngoài để bây giờ, sau 1.050 năm, đọc lại sử cũ, thấy sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết gọn gàng nhưng rành rẽ và chặt chẽ: “Mậu Thìn (tức năm 968 dương lịch), vua (Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh) lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt Kinh đô ở Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế”.

Chỉ qua mấy dòng viết kiệm lời theo đúng sử bút cổ truyền như vậy, mọi người đều thấy hiển hiện 3 đại sự vượt bậc và có ý nghĩa thật lớn lao, đã được Đinh Bộ Lĩnh thực hiện ngay vào năm 968:

Một là, lên ngôi “Hoàng đế” mà không xưng “Vương” nữa, vì đã là “Vạn Thắng Vương” rồi. Nhưng không phải chỉ có thế. Việc “xưng đế hiệu” mà không xưng “Vương hiệu” – mặc dù trong tiếng Việt, “Đế” hay “Vương”  thì cũng đều là “vua” cả nhưng động thái này rất có ý nghĩa về mặt ngoại giao, tránh “chạm cạnh” với Hoàng đế nước láng giềng phương Bắc; chính  sự rành rẽ này, phát đi những tín hiệu rất rõ ràng về sự bình đẳng/ bình quyền, giữa nước Việt phương Nam và nước Trung Hoa ở phương Bắc, đúng như sự khẳng định ở 5 thế kỷ sau của thiên tài Nguyễn Trãi, trong “Bình Ngô Đại cáo”, bằng 4 chữ thần tình: “Các đế nhất phương” (cùng là “đế” một phương).

Vị Hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Đinh – Đinh Tiên Hoàng Đế, đang được “gọi tắt” là: Đinh Tiên Hoàng – còn có tôn hiệu “do quần thần dâng” là: “Đại Thắng Minh Hoàng Đế”! Hai chữ “Đại Thắng” vừa là để tuyên ngôn về truyền thống hào hùng, oanh liệt của dân tộc và của chính Đinh Bộ Lĩnh, vừa khẳng định nhân cách và sự nghiệp của nhà quân sự kiệt xuất họ Đinh trước đây, bây giờ vẫn được kế tục. Thêm vào một chữ “Minh” nữa, càng làm rõ phẩm chất nhà chính khách của vị tân hoàng đế, đồng thời biểu thị yêu cầu của thời cuộc, là mục đích làm Hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh.

Hai là, thành lập một quốc gia dân tộc, một thể chế nhà nước quân chủ tập trung, với bộ máy chính quyền trung ương được tổ chức chặt chẽ, để quản lý (quản trị) một đất nước đã giành lại được độc lập từ thời Ngô Quyền rồi, nhưng bây giờ thì thêm sự thống nhất nữa khi “Loạn thập nhị sứ quân” đã được khắc phục. Đồng thời, sẵn sàng sức mạnh quốc gia mà đối phó với những mưu toan của ngoại bang lăm le xâm lược.

Quốc gia dân tộc ấy, có tên gọi là “Đại Cồ Việt”, một quốc hiệu “vừa chữ (Hán) vừa nôm (dân tộc)”, vừa khẳng định tộc danh “Việt”, vừa biểu đạt xu hướng, khí thế của sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và dân tộc, là: rất lớn, “hai lần lớn lao” (tức: Vừa “đại” vừa “cồ”). Ba là, lựa chọn và đặt định, đồng thời xây dựng kinh đô của quốc gia (đất nước) và triều đại (nhà Đinh) ở Hoa Lư (Thung lũng hoa Lau). Đương thời và cho đến ngày nay, vẫn có hai địa điểm và địa danh cùng là Hoa Lư (Thung Lau).

Những năm sau đó, sử cũ cũng còn chép được nhiều việc quan trọng, lớn lao nữa, đã được Đinh Bộ Lĩnh và triều đại của ngài thi hành. Đó là chuỗi công việc và sự nghiệp, tiếp tục và tăng cường hoàn thiện, những đại sự đã được thực hiện, trong và từ năm 968 lịch sử.

Vì thế, năm 968 trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, thường vẫn được “gọi gọn” là: Năm thành lập nước Đại Cồ Việt với một loạt các sáng tạo vượt bậc, luôn và mãi là một cột mốc kỳ vĩ, với nhân vật lịch sử lớn: Đinh Bộ Lĩnh mà thân thế và sự nghiệp còn cần được nghiên cứu sâu sắc thêm và hơn rất nhiều nữa trên dòng lịch sử lâu đời và hào hùng của đất nước và dân tộc ta.

Nhà sử học Lê Văn Lan
.
.
.