Những hành vi lái xe tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Thứ Năm, 04/07/2019, 10:32
Chạy xe ngược chiều, vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại di động,… là một trong nhiều hành vi lái xe có thể gây nguy hiểm cho người khác mà cánh tài xế đang mắc phải.

Vượt đèn đỏ

Giống như đường 1 chiều, đèn tín hiệu giao thông cũng được sinh ra để giúp cho giao thông an toàn, có trật tự hơn, giảm ùn tắc. Tuy nhiên, một số tài xế lại có thói quen vượt đèn đỏ hay tranh thủ những giây cuối cùng của đèn vàng trên các nút giao thông không có cảnh sát.

Hành vi này giúp họ đi nhanh hơn vài chục giây hay hơn chục phút nhưng có thể làm lỡ cả cuộc đời của họ hoặc những người tham gia giao thông không may khác. Bởi đèn giao thông giúp người này, người kia có quyền ưu tiên để sang đường nhưng hành vi vượt đèn đỏ đã cố ý cướp quyền ưu tiên và đưa họ vào tình huống đặc biệt nguy hiểm.

Lái xe ngược chiều

Lái xe ngược chiều không chỉ vi phạm pháp luật mà còn rất nguy hiểm. Dù không thường xuyên nhưng một số tài xế thường quyết định đi ngược dòng xe cộ để tiết kiệm vài mét. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi chạy trên đường một chiều, đường cao tốc vốn có lưu lượng giao thông hoạt động với tốc độ nhanh không cảnh giác với các trường hợp “đối đầu” như đường nhỏ trong đô thị hay đường 2 chiều.

Ảnh minh họa: Đi ngược chiều là hành vi cực kỳ nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Chỉ vì tiết kiệm vài ml nhiên liệu, một chút thời gian lái xe nhưng hành vi này lại đưa lái xe và những người cùng tham gia giao thông khác vào tình trạng nguy hiểm.

Sử dụng điện thoại di động khi lái xe

Sử dụng điện thoại di động khi lái xe làm hạn chế sự tập trung của bạn và do đó, bạn có thể sẽ gặp sự cố. Được xếp vào hành vi cực kỳ nguy hiểm nhưng sử dụng điện thoại khi lái xe lại là lỗi nhiều tài xế mắc phải nhất.

Nguyên nhân sâu xa vẫn chủ yếu là do tiết kiệm thời gian dừng đỗ để gọi điện, trả lời tin nhắn.

Không đi đúng làn đường

Đây là thói quen xấu mà nhiều tài xế Việt vi phạm nhất bởi thói quen “điền vào chỗ trống” và ích kỷ khi tham gia giao thông. Bạn có thể dễ dàng thấy tình trạng này khi di chuyển trong đô thị nhưng nó chỉ gây ách tắc giao thông là chính chứ không gây nguy hiểm cho người khác như khi lái xe trên cao tốc.

Việc phân làn trên cao tốc giúp tăng tốc độ lưu thông của các phương tiện mà vẫn đảm bảo an toàn nhưng một số tài xế lại có thói quen chiếm làn ưu tiên để chạy tốc độ cao hoặc vượt xe hay trưng dụng “làn đường nhanh” ngoài cùng bên phải để chạy tốc độ chậm. Thậm chí, một số lái xe thích đi giữa hai làn đường hay đổi làn đột ngột làm tăng nguy cơ tai nạn trên cao tốc.

Sử dụng đèn pha bừa bãi

Sử dụng đèn chiếu xa không cần thiết có thể giúp bạn nhìn xa hơn một chút nhưng lại làm mù các phương tiện đi ngược chiều, làm tăng khả năng va chạm trực diện. Nhiều tài xế thậm chí sử dụng đèn pha ngay cả khi đi trong phố đã được chiếu sáng bởi đèn đường hay không hạ pha khi xe ngược chiều đã chủ động bật đèn chiếu gần trước.

Đèn pha được sinh ra để giúp tài xế quan sát tốt hơn khi đi trên đường vắng không có đèn chiếu sáng, các tài xế nên hạ đèn cos khi có phương tiện đi ngược chiều để tránh đưa người khác vào tình huống nguy hiểm.

Lạm đụng đèn Hazard

Đèn Harzard hay còn được biết đến là đèn ưu tiên, đèn cảnh báo, đèn khẩn cấp vốn được sử dụng trong một số trường hợp khẩn cấp chủ yếu là dừng đỗ khi xe gặp sự cố và đang chặn đường của các phương tiện khác. Nó vừa có chức năng ưu tiên cho xe gặp sự cố khẩn cấp vừa có tính năng cảnh báo những người tham gia giao thông khác để tránh va chạm không cần thiết.

Việc sử dụng đèn khẩn cấp bừa bãi có thể gây hiểu nhầm cho các phương tiện tham gia giao thông khác đồng thời làm mất đi ý nghĩa thực sự của nó.

V.Cường (tổng hợp)
.
.
.