Xứng danh “Hiệp sỹ”

Thứ Năm, 24/05/2018, 08:41
Những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ngày càng phát triển rộng khắp ở Bình Dương, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương “Hiệp sỹ” dũng cảm truy bắt tội phạm…

Gặp vợ chồng anh Hồ Văn Hoàng và chị Tăng Ngọc Thu (ngụ phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương) ở một quán cóc ven đường thuộc phường Lái Thiêu, tôi rất ấn tượng bởi vẻ bề ngoài hiền lành, niềm nở của họ. Cả hai đều là tiểu thương bán thịt heo ở chợ Lái Thiêu.

Hàng ngày, vợ chồng Hoàng bắt đầu làm việc từ 1h đến 6h sáng. Bình minh vừa hé rạng, công việc buôn bán kết thúc, hai người không nghỉ ngơi mà sẵn sàng tham gia truy bắt tội phạm. Kinh doanh ở chợ, thỉnh thoảng chứng kiến nhiều người bị bọn bất lương lừa đảo lấy tiền, mất của rất xót xa. Không ít lần, Hoàng dũng cảm bắt trộm, cướp bàn giao cho cơ quan Công an.

Cách đây vài năm, Đội phòng chống tội phạm (PCTP) phường Lái Thiêu được thành lập, Hoàng tìm đến xin gia nhập. Lúc đó, Hoàng đã bị Thu ngăn cản quyết liệt.

Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, Thu đi theo chồng truy bắt tội phạm. Lúc đầu Thu theo chồng để tìm hiểu xem công việc này có gì mà Hoàng say mê dữ vậy? Sau thấy hay nên chị cũng sát cánh cùng chồng trong đêm hôm để có thể phụ giúp khi cần.

Kể từ ngày đó, chị Thu cả ngày lẫn đêm bám sát theo chồng. Thời gian đầu rất mỏi mệt do thiếu ngủ. Hơn nữa, chị cũng sợ mỗi khi xe anh tăng tốc đeo bám, truy đuổi theo tội phạm. Một thời gian sau, gương mặt hồng hào của chị cũng dần rám nắng, trông có vẻ già dặn hơn so với tuổi. Nhưng bù lại, chị thêm gan dạ, dũng cảm khi sẵn sàng giáp mặt với đủ loại tội phạm. Khả năng phát hiện, nhận diện, đeo bám theo đối tượng của chị giờ cũng nhạy bén hơn rất nhiều.

Anh Hải (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội bắt 3 cha con cướp tài sản.

Điểm hay ở chị là dễ tiếp cận đối tượng nghi vấn để nghe chuyện trò nắm bắt thông tin, bởi chúng ít đề phòng, dễ mất cảnh giác trước một nữ “hiệp sỹ” như chị. Và cứ thế, chị không chỉ giúp chồng liên tiếp lập công, vạch mặt được nhiều tên tội phạm gian manh, mà bản thân chị cũng dần thêm hào hứng với công việc.

Anh Hoàng nhớ lại lần bắt đối tượng tên V. nhiễm HIV: “Hôm đó, khoảng 9h sáng, Hoàng nhận được điện thoại cầu cứu của một phụ huynh học sinh về việc, con gái chị bị mất xe đạp điện. Lập tức, hai vợ chồng lấy xe máy rảo quanh các tuyến đường trên địa bàn để tìm xe đạp điện như đặc điểm mà nạn nhân tả. Đến con hẻm vắng thuộc phường Lái Thiêu, tôi phát hiện V. đang chuẩn bị rã hàng nên yêu cầu trả lại xe. Như con thú dữ, đối tượng dùng kim tiêm xông vào tấn công cả hai vợ chồng. Sau gần 3 phút vật lộn, chúng tôi khống chế được V., rất may trên người không bị thương tích. Ngoài V. ra, chúng tôi từng đối mặt với nhiều kẻ có HIV khác nhưng không vì đó mà mình chùn bước”.

Cũng như vợ chồng anh Hoàng, những lần tôi gặp được anh Nguyễn Thanh Hải, Đội PCTP phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, cũng là lúc anh đang cùng đồng đội lập công. Dưới tiết trời nắng nóng tháng 5, nhưng các anh vẫn kiên trì đeo bám, đón lõng đối tượng. Có khi mưa tầm tã, người “xe ôm” này vẫn tuyệt đối không bỏ vị trí để mất dấu tội phạm.

Vội quệt ngang giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, anh Hải nói: Ngoại trừ bọn tội phạm trộm cắp, đấu tranh với đối tượng cướp giật, rải đinh đều gai góc như nhau. Minh chứng sự gai góc ấy bằng vụ án bắt quả tang các đối tượng rải đinh bẫy người đi đường hồi đầu năm 2011.

Chiều 30 Tết, nhận được tin báo của người dân và hàng chục nạn nhân bị dính đinh của bọn "đinh tặc" trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một), Hải cùng đồng đội bỏ ăn Tết. Rạng sáng mùng 1, Hải quyết tâm bắt bằng được kẻ rải đinh bẫy người đi đường.

“Chúng rải đinh vào thời điểm ít người chú ít nhất là vào giữa trưa hoặc lúc nửa đêm về sáng. Mỗi khi tiến hành rải đinh, chúng chạy xe với tốc độ hơn 100km/h nên rất khó bắt quả tang. Mệt mỏi đeo bám, thức trắng mấy đêm liền, rồi chúng tôi cũng bắt được “đinh tặc” Nguyễn Thế Công (30 tuổi, quê Thanh Hóa) lúc y lao như tên bắn ra quốc lộ, tay cầm nắm đinh vãi trên đường. Một tuần sau, cũng với màn phóng xe như điên lúc giữa trưa để rải đinh, “đinh tặc” Phạm Văn Cảnh (32 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng bị chúng tôi đeo bám và bắt quả tang”, anh Hải kể lại.

Theo anh Hải phân tích: Cái khó trong việc truy bắt bọn đinh tặc, ngoài việc xác định đúng đối tượng, mất nhiều thời gian công sức đeo bám, anh em còn phải mạo hiểm chạy xe tốc độ cao mới bắt được quả tang đối tượng rải đinh, nếu không ra tay chuẩn xác lúc chúng đang rải đinh hoặc chỉ chậm một chút để chúng kịp phi tang tang vật thì khó mà bắt chúng tâm phục khẩu phục.

Bắt “đinh tặc” gian nan, hiểm nguy là vậy, bắt cướp có hung khí càng hiểm nguy bội phần. Dù rất cẩn trọng nhưng không ít lần các “Hiệp sỹ” vẫn bị đối tượng phản công bằng đủ hình thức chống trả.

Anh Hải nhớ nhất lần anh và các đồng đội đối mặt với hiểm nguy trong vụ truy bắt cướp bằng kỷ niệm lần đầu “ăn hơi cay”. Rạng sáng 9-12-2009, sau khi bắt 2 tên trộm cướp là Hồ Sỹ Thuận (23 tuổi, quê Nghệ An, trộm xe máy) và Lê Văn Luận (24 tuổi, quê Thanh Hóa), cướp giật điện thoại của người đi đường.

Khi phát hiện 2 đối tượng đang rình rập "đá nóng" xe máy, chúng tôi lao vào khống chế thì bị một đối tượng rút bình hơi cay xịt vào mặt để tẩu thoát và giải nguy cho đồng bọn. Dù mắt cay xè nhưng chúng tôi vẫn tóm được chúng giao cho cơ quan Công an.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Nhiều năm qua, Công an tỉnh Bình Dương đã nêu cao vai trò nòng cốt, đề ra nhiều cách làm nhằm thực hiện hiệu quả, rộng khắp các mô hình phòng chống tội phạm. Hàng năm, người dân cung cấp tin báo tố giác tội phạm, hỗ trợ Công an bắt giữ hàng trăm đối tượng, góp phần tích cực đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế, xã hội.

Để nâng cao hiệu quả phong trào trên, Công an tỉnh Bình Dương còn đẩy mạnh xây dựng kế hoạch vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm bảo đảm ANTT. Một phần không thể thiếu trong công tác này là công tác khen thưởng, tặng quà động viên khích lệ tinh thần kịp thời đối với các “Hiệp sỹ”, chủ nhà trọ... tố giác, phát hiện và truy bắt tội phạm.

C.Bình
.
.