Vô hiệu hóa nhiều đối tượng giựt dọc, móc túi tại lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực

Chủ Nhật, 25/10/2015, 11:20
Đây là kết quả và những nỗ lực đáng ghi nhận của lực lượng Công an Kiên Giang, trong đó tiêu biểu nhất là Công an TP Rạch Giá.


“Trước ngày lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực 2015, chúng tôi đã chủ động đón và vô hiệu hóa các đối tượng… Nhờ vậy mà kết thúc lễ hội năm nay, không xảy ra một vụ giựt dọc, móc túi nào” – Đại tá Nguyễn Quốc Sử - Trưởng Công an TP Rạch Giá phấn khởi thông tin với PV Báo CAND. 

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp hành quyết vào ngày 27-10-1868, nhằm ngày 12-9 năm Mậu Thìn, hàng trăm năm qua, tỉnh Kiên Giang – một trong số những địa phương của các tỉnh ĐBSCL có thờ, cúng cụ Nguyễn (tên quen gọi của người dân đối với cụ Nguyễn Trung Trực - PV), đã trở thành thông lệ, việc tổ chức lễ cúng cụ Nguyễn sớm hơn nhiều ngày. 

Cụ thể như năm nay, lễ giỗ lần thứ 147 của cụ Nguyễn diễn ra trong 3 ngày liên tiếp là 8, 9 và 10-10, tức 26, 27 và 28-8 âm lịch, với nhiều hoạt động, sự kiện diễn ra tại khu vực  trung tâm TP Rạch Giá như Di tích quốc gia mộ và đình Nguyễn Trung Trực, khu lấn biển, khu 16ha, công viên Nguyễn Trung Trực;…

“Hàng năm lượng người trong và ngoài tỉnh Kiên Giang tập trung về TP Rạch Giá để tham dự chuỗi hoạt động khá đông đúc, với con số ước khoảng 1 triệu lượt người. Nhiều năm rồi, các đối tượng hình sự, nhất là đối tượng chuyên móc túi, giựt dọc xem lễ hội cụ Nguyễn là… mùa làm ăn” - Đại tá Nguyễn Quốc Sử cho biết thêm.

Năm nay, nắm bắt được phương thức, thủ đoạn và thói quen hoạt động của tội phạm, ngay từ trước lễ hội 1 tháng, Công an TP Rạch Giá đã xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo ANTT cho địa bàn trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động lễ hội. Biên cạnh việc huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, tập trung bảo vệ tại 6 mục tiêu chính của lễ hội, lãnh đạo Công an TP còn hạ quyết tâm trước lãnh đạo Công an tỉnh là không để cho các đối tượng hình sự có “đất” để hoạt động. 

Để thực hiện quyết tâm này, trước lễ, Công an TP Rạch Giá đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm đến các cơ quan, doanh nghiệp, tổ nhân dân tự quản và đông đảo quần chúng nhân dân để nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phòng chống tội phạm. 

Lễ hội Nguyễn Trung Trực tuy thu hút cả triệu người tham dự nhưng diễn ra trong trật tự.

Các đội nghiệp vụ, Công an các phường, xã tăng cường quản lý chặt đối tượng tại chỗ. Công tác phối hợp nhất là trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giữa Công an TP Rạch Giá với Công an các đơn vị, địa phương khác cũng chặt chẽ, nhịp nhàng. Và đặc biệt, lãnh đạo Công an TP chủ động phòng ngừa tội phạm từ xa.  

Trong số những nhóm (với tổng cộng khoảng 200 đối tượng) tụ tập về các điểm diễn ra hoạt động chính của lễ hội Nguyễn Trung Trực năm nay để tìm cơ hội “làm ăn”, có nhóm của Ngọc quẹo (ngụ Giục Tượng, huyện Châu Thành, Kiên Giang), nhóm của Hồng “răng vàng”, nhóm của vợ chồng A Lìl (cùng ở An Giang).

Hầu hết số đối tượng vừa kể và “đàn em” của chúng đều có tiền án, tiền sự. Các “chủ mẻ” này có lượng “đàn em” khá đông; như băng của Ngọc quẹo đông đến khoảng 30 đối tượng. Các “chủ mẻ” thuê hẳn xe khách để cho “đàn em” di chuyển đến Kiên Giang nhưng không lưu trú tại TP Rạch Giá mà ở cách đó khoảng 30km, thuộc địa bàn huyện Tân Hiệp và Hòn Đất, rồi di chuyển bằng xe ôm vào khu vực trung tâm, nhằm trách sự phát hiện của lực lượng Công an. Tuy nhiên, khi đến các khu vực đông người – nơi diễn ra các hoạt động của lễ hội năm nay, các đối tượng lần lượt đều bị vô hiệu hóa hoặc không “có đất” để hoạt động. 

Một số đối tượng được mời đến trụ sở Công an để nhắc nhở, giáo dục ngay sau khi vừa có biểu hiện đáng ngờ. Tại Di tích mộ và đình Nguyễn Trung Trực – nơi tập trung đông người nhất trong ngày lễ hội, được nghe cán bộ Công an liên tiếp thông báo bằng loa tay nhắc nhở, tất cả người dân tham gia lễ hội đều có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ đồ trang sức, ví, điện thoại di động của mình.

Thái Bình
.
.