Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam:

Thực hiện tốt mô hình “Dòng tộc tự quản về ANTT”

Chủ Nhật, 01/07/2018, 08:45
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Quảng Nam rất xem trọng dòng tộc. Với họ, dòng tộc có ảnh hưởng rất lớn trong quan hệ sinh hoạt, đời sống tình cảm. Từ đó, lực lượng Công an đã xây dựng nhiều mô hình hay, thiết thực dựa trên đặc điểm dòng tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc ở khu vực miền núi…

Chúng tôi đến thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn để tìm hiểu hiệu quả mô hình “Dòng tộc tự quản về ANTT”. Trung tá Lê Văn Thu, cán bộ Công an huyện Đông Giang, cho biết, đồng bào Cơ tu ở huyện Đông Giang gồm 24 dòng tộc chính, trong đó có 1 dòng tộc là họ Bríu ở thôn Bhơ Hôồng được chính quyền quyết định thành lập hoạt động theo quy ước của dòng tộc.

Từ năm 2013, dòng tộc Bríu được công nhận là dòng tộc văn hóa. Sau đó được sự hướng dẫn, vận động của Công an huyện Đông Giang, dòng tộc này triển khai mô hình “Dòng tộc tự quản về ANTT”. Đến nay, mô hình đã được áp dụng cho tất cả con cháu dòng họ Bríu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…

Trò chuyện với già Bríu Thiện, Tộc trưởng tộc Bríu của đồng bào Cơ tu ở thôn Bhơ Hôồng, chúng tôi được ông cho biết thêm, tộc của ông có số lượng người rất đông, sống tập trung chủ yếu ở huyện Đông Giang, ngoài ra còn sinh sống rải rác ở các huyện Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn...

Trước khi chưa thành lập mô hình “Dòng tộc tự quản về ANTT”, tình hình tại địa phương xã Sông Kôn nói riêng và huyện Đông Giang nói chung nổi lên một số vấn đề phức tạp như nạn phá rừng già làm nương rẫy, tình hình khiếu kiện đất đai hoa màu, sử dụng súng tự chế, tình hình trộm cắp, gây rối trật tự công cộng... gây mất ANTT, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Nhưng từ khi triển khai mô hình, đã phát huy mạnh mẽ hơn tinh thần trách nhiệm của các hộ gia đình trong quản lý bảo vệ tài sản của bản thân, tập thể và của những người xung quanh, đồng thời hăng hái, tích cực trong công tác phối hợp, giúp đỡ lực lượng chuyên trách xử lý các vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội...

Các già làng ở xã Sông Kôn trao đổi tình hình ANTT với Công an huyện Đông Giang.

Lãnh đạo Công an huyện Đông Giang cho biết thêm, qua mô hình “Dòng tộc tự quản về ANTT”, từ năm 2015 đến nay, người dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị để lực lượng Công an ngăn chặn và giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, xử lý 5 vụ phạm pháp trên lĩnh vực kinh tế, 1 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý hàng chục đối tượng; các mâu thuẫn, khiếu kiện phát sinh đều được giải quyết ngay tại cơ sở, kết quả có tới hàng chục vụ việc liên quan đến ANTT được hòa giải không để phát sinh phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và một số hủ tục lạc hậu khác của đồng bào Cơ tu đã được hạn chế tiến tới loại bỏ…

Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Trưởng Công an huyện Đông Giang, cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện có 20 mô hình tự quản về ANTT, nổi bật và hiệu quả hơn cả là mô hình “Dòng tộc tự quản về ANTT”. Mô hình này gắn chặt với công tác tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các phong trào khác thuộc cơ sở. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra sự thống nhất cao trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cơ tu, xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt tộc họ, nâng cao vai trò tộc họ, góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi con người, mỗi gia đình, gia tộc phấn đấu rèn luyện, giáo dục con cháu hướng về cội nguồn, sống có nghĩa tình.

Đồng thời qua đó điều chỉnh hành vi con người thông qua các mối quan hệ huyết thống gia đình dòng tộc và xã hội, từng bước hạn chế những tiêu cực tồn tại; không để các phần tử xấu có cơ hội, xúi giục làm những hành vi vi phạm pháp luật. 

Ngọc Thi
.
.