Sự quên mình của các “hiệp sĩ” cần được tôn vinh!

Thứ Năm, 17/05/2018, 08:32
“Hiệp sĩ” đường phố là cụm từ, danh hiệu người dân và truyền thông dùng để chỉ những người dân có hành động nghĩa hiệp, tổ chức thành đội hoặc tự mình tuần tra trên đường phố, săn bắt cướp ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Họ đã tham gia tích cực vào việc phát hiện, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ cướp giật, trộm cắp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.


Hoạt động của các “hiệp sĩ” đường phố một lần nữa lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi ngày 15-5, Đội “hiệp sĩ” Tân Bình tham gia truy bắt tội phạm và bị các đối tượng manh động chống trả làm hai "hiệp sĩ" tử vong là Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định); ba "hiệp sĩ" bị thương gồm: Trần Văn Hoàng (Trưởng nhóm "hiệp sĩ", ngụ quận Tân Bình), Nguyễn Đức Huy (24 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi).

Hiện trường nhóm hiệp sĩ bắt cướp bị tấn công tại quận 3 TP.HCM.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, bên cạnh những ý kiến trân trọng, cảm phục hành động dũng cảm của các “hiệp sĩ”, cũng có những ý kiến cho rằng “hoạt động của các nhóm hiệp sỹ là không chính danh? Họ không được phép bắt người và pháp luật không bảo hộ; hành động như vậy là “lạm quyền”, tự phát, làm thay chức năng của lực lượng CAND”...

Một triết gia nổi tiếng từng nói “Pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa”. Hoạt động của các “hiệp sĩ” với mục đích tốt đẹp là ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần lập lại trật tự an toàn xã hội, mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể họ phải làm, phải đối mặt với một trong những loại tội phạm nguy hiểm nhất, nhưng đó là hành động nghĩa hiệp, nghĩa cử cao đẹp phù hợp với chuẩn mực đạo đức vì lợi ích của người khác, cộng đồng, xã hội trong điều kiện tình trạng cướp, cướp giật phức tạp và cực kỳ manh động.

Hành động đó được nhiều người dân trân trọng vì các anh đã âm thầm ngày đêm hoạt động, thậm chí xả thân, quên mình ngã xuống mà không vì cái danh hay lợi ích vật chất, các anh tự nguyện hành động, tự nguyện cống hiến và hoạt động trong môi trường nguy hiểm. Đó là biểu hiện cao nhất của pháp luật, là đạo đức. Các anh ngã xuống trước sự hung hãn, chống trả quyết liệt hết sức nguy hiểm của bọn tội phạm để lại sự mất mát không thể bù đắp đối với vợ con và gia đình các anh. Các anh là những bông hoa đẹp cần được tôn vinh trong cuộc sống.

Sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng CAND là nòng cốt, nhân dân là nền tảng. Bác Hồ từng nói, đối với công tác, chiến đấu của CAND “khi nhân dân giúp ta nhiều thì thành công nhiều, giúp ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Trong bất luận hoàn cảnh nào, lực lượng nòng cốt là CAND với nghiệp vụ có tinh thông đến đâu, phương tiện có hiện đại đến mấy cũng không thể không cần đến vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Lực lượng CAND một lòng chiến đấu bảo vệ tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của nhân dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì hòa bình, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Trong sự nghiệp vô cùng cam go và quyết liệt, sự tham gia, phối hợp, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong đấu tranh, trấn áp, tố giác, phòng, chống tội phạm là đặc biệt cần thiết và không thể thiếu. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự là của Công an, song chỉ lực lượng Công an thôi thì chưa đủ mà cần sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” là một trong những mô hình tự giác có tổ chức và hiệu quả thiết thực thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” theo hướng hỗ trợ cơ quan chức năng, lực lượng Công an làm tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Hoạt động ấy xuất phát và đáp ứng phần nào yêu cầu thực tiễn đặt ra; các anh đã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ không những cho mình mà còn cho người khác và cộng đồng xã hội.

Mặt khác hoạt động của các anh là phối hợp, hỗ trợ với lực lượng trong điều kiện các đối tượng là tội phạm quả tang, cần phải hành động ngay để ngăn chặn, sau đó bàn giao cho lực lượng chức năng giải quyết.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đối mặt với các đối tượng tội phạm nguy hiểm, thân thể, tính mạng các anh có thể bị xâm hại. Để đảm bảo hoạt động có hiệu quả hơn cần có sự quản lý, phối hợp, hướng dẫn. Trong đó cần trang bị kiến thức pháp luật để hoạt động chặt chẽ, hiệu quả.

Quá trình tham gia ngăn chặn, truy bắt có cơ sở, chứng cứ rõ ràng, chắc chắn, cẩn trọng, an toàn, đảm bảo phát huy hiệu quả của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và mục tiêu bảo vệ ANTT. Từ thực tiễn, đặt ra yêu cầu các cơ quan hữu quan quan tâm nghiên cứu cơ sở pháp lý để xác lập mô hình, quy chế hoạt động, đồng thời có sự phối hợp, quản lý, hướng dẫn hoạt động đối với các nhóm “hiệp sĩ” mà trực tiếp là lực lượng CAND nơi sở tại, nhằm tạo thuận lợi cho mô hình này phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tội phạm.

Một mặt vừa đảm bảo hoạt động an toàn hơn, được trang bị kỹ năng nghiệp vụ và phương tiện, công cụ hỗ trợ giảm thiểu được hậu quả đáng tiếc xảy ra. Mặt khác, không để phần tử xấu lợi dụng, đội lốt, mang danh các đội “hiệp sĩ đường phố” để hoạt động vì động cơ, mục đích không chính đángthậm chí vi phạm pháp luật. Cần có tập huấn, hướng dẫn một cách cơ bản đối với các đội “hiệp sĩ” khi có tình huống xảy ra, với vai trò là nhân chứng ra sao, thông báo để có sự phối với lực lượng chức năng sở tại thế nào?

Khi ngăn chặn bị đối tượng chống trả quyết liệt, manh động, cần làm gì, hành động như nào để đảm bảo an toàn, đảm bảo chứng cứ, hiện trường, bàn giao đối tượng cho lực lượng chức năng… Tất cả những nội dung đó cần được trang bị, tập huấn cho các “hiệp sĩ”.

Sự quên mình vì nhân dân luôn được nhân dân trân trọng, ghi nhận, tôn vinh. Đặc biệt sự xả thân quên mình ấy vì sự bình yên cuộc sống của nhân dân cần được tôn vinh kịp thời như đề xuất xem xét công nhận liệt sỹ cho các “hiệp sĩ” đã hy sinh của các cơ quan chức năng là phù hợp với nguyện vọng của phần đông nhân dân.

Lê Thế Cương
.
.