Sa lưới bởi "tai mắt" của người dân

Thứ Bảy, 30/01/2016, 08:34
Trong khoảng 10 năm (từ 2004 - 2015), qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quần chúng đã bắt, vận động tự thú 10.470 đối tượng có lệnh truy nã, chiếm gần 14% tổng số đối tượng đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại của lực lượng Công an.

Chính “tai mắt” người dân đã tạo nên “thiên la địa võng”, giăng lưới trời để các đối tượng truy nã không còn nơi lẩn trốn.

Đầu năm 1992, một nhóm bạn gồm: Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Văn Đầy và Nguyễn Tấn Tài (SN 1975), ngụ ở ấp Long Thượng, xã Kiến An, huyện Chợ Mới (An Giang) tổ chức đánh bài. Trong lúc chơi, Tài và Đầy có xảy ra cự cãi trong việc chung tiền ăn thua, sau đó Tài đi về nhà lấy một con dao quay lại sòng bài. Hai bên tiếp tục cãi vã, Tài dùng dao đâm chết anh Nguyễn Văn Hoàng.

Vụ bắt giữ Đặng Văn Hùng, kẻ sát hại 4 người trong một gia đình ở Yên Bái có sự hỗ trợ tích cực của người dân. Ảnh: Xuân Mai.

Tài bị bắt ngay sau đó và được chuyển xuống Trại tạm giam Long Tuyền. Tháng 9-1992, Tài đã bỏ trốn khỏi nơi giam giữ và có lệnh truy nã đặc biệt về tội giết người và trốn khỏi nơi giam giữ.

Ngay sau khi phát lệnh truy nã, các đơn vị nghiệp vụ của Công an Cần Thơ (chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự và sau này là Phòng Cảnh sát truy nã đã triển khai lực lượng tổ chức vây bắt Nguyễn Tấn Tài ở nhiều địa phương đối tượng có mối quan hệ nghi vấn như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh,… Tuy nhiên, hành tung của tên này vẫn bí ẩn và bặt vô âm tín.

Đại tá Lê Hữu Trà, Trưởng phòng PC52, Công an TP Cần Thơ chia sẻ: "Sau khi nghiên cứu, phân tích về nhân thân đối tượng, chúng tôi nhận định, Tài chắc chắn chỉ lợi dụng các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để lẩn trốn. Tuy nhiên, để khoanh vùng đối tượng đang lẩn trốn ở đâu lại là công việc không đơn giản. Muốn truy đối tượng chỉ có thể bám vào người dân, nhờ “tai mắt” của quần chúng để phát hiện".

Phòng PC52, Công an TP Cần Thơ đã phát động và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đẩy mạnh phong trào tố giác tội phạm, ảnh của Tài cùng các đối tượng truy nã nguy hiểm được phát đến tận các nơi dân cư. Tháng 4-2015, một người dân ở chợ Xẻo Vong, thị xã Ngã Bẩy (Hậu Giang) phát hiện có 1 đối tượng lang thang có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Thông tin được báo về Phòng PC52. Ngay lập tức, một tổ công tác lên đường tổ chức xác minh, điều tra. Lực lượng trinh sát phát hiện đối tượng lang thang này có nhiều đặc điểm giống Tài, tên tội phạm nguy hiểm giết người cách đây hơn 21 năm. Nguyễn Tấn Tài đã bị bắt giữ tại địa bàn xã Hiệp Lợi,  thị xã Ngã Bẩy.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Khảo, Cục trưởng Cục xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Bộ Công an, trong hơn 10 năm (từ 2004 đến 2015), quần chúng nhân dân đã phát hiện, bắt giữ và vận động tự thú 10.470 đối tượng, trong đó 60% là đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Để huy động sức mạnh của phong trào quần chúng trong truy bắt, thanh loại đối tượng có lệnh truy nã, Công an các đơn vị địa phương đã có nhiều biện pháp, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương. 

Một biện pháp khá hiệu quả và gặt hái nhiều thành công đó là việc triển khai xây dựng các mô hình trong phòng chống tội phạm, ví dụ như mô hình “Khu phố không có tội phạm ẩn náu, hoạt động”; “Khu phố có tội phạm bị phát hiện nhanh, ngăn chặn kịp thời”;... Chính hoạt động của các mô hình này đã huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, đoàn thể quần chúng và nhân dân tham gia phát hiện, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Ở các tỉnh Tây Bắc, từ lâu Sơn La được coi như tuyến lửa trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Đại tá Phùng Tiến Triển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết, chỉ riêng đối tượng phạm tội ma túy có lệnh truy nã ở Sơn La hiện nay còn 168  tên, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Vân Hồ và Mộc Châu. 

Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, Công an tỉnh Sơn La ngoài việc liên tục tổ chức các đợt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, còn tổ chức tốt việc truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra tự thú. Thực hiện Phương án 279, Công an tỉnh Sơn La và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã vận động được 19 đối tượng ma túy có lệnh truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm ra đầu thú.

Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm: Từ khi thành lập đến nay, lực lượng Cảnh sát truy nã đã xác minh, truy bắt, vận động tự thú được 16.703 đối tượng truy nã (chiếm 34% tổng số bắt, thanh loại, vận động đối tượng truy nã của toàn quốc), trong đó vai trò của quần chúng trong cung cấp thông tin, hỗ trợ đắc lực lực lượng Công an truy bắt, vận động tự thú chiếm hơn 13%. Kết quả này góp phần kéo giảm số đối tượng có lệnh truy nã ngoài xã hội hiện còn 13.511 đối tượng.
Oanh Ngọc
.
.