Phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội

Thứ Hai, 23/07/2018, 08:42
Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Nhiều vụ án giết người, cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, giao cấu với trẻ em xảy ra. Thực trạng này đã đến mức báo động và trở nên đáng lo ngại.

 Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra 108 vụ trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật với 170 đối tượng. Trong đó: giết người 2 vụ, cướp và cướp giật tài sản 2 vụ, trộm cắp tài sản 39 vụ, cố ý gây thương tích 7 vụ, đánh bạc 8 vụ, sử dụng trái phép chất ma túy 8 vụ... 

Lực lượng Công an các cấp đã điều tra, xử lý hình sự 19 vụ với 25 đối tượng; xử lý hành chính 83 vụ với 128 đối tượng. Trong tổng số 170 đối tượng vi phạm có 156 trường hợp vi phạm lần đầu và 8 trường hợp vi phạm lần thứ 2 trở lên. 

Những con số này cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về trẻ vị thành niên phạm tội. Nếu như trước đây, tội phạm do trẻ em vị thành niên gây ra chủ yếu là các tội ít nghiêm trọng, thì nay đã có một số vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. 

Đơn cử như: Ngày 23-10-2017, Nguyễn Minh Vượng (17 tuổi) học sinh lớp 10A5, Trường THPT Tháng Mười, huyện Yên Sơn và Dương Minh Long (17 tuổi), trú tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (đã bỏ học), do mâu thuẫn cá nhân đã sát hại em Lý Hồng Ngọc, 17 tuổi, học sinh cùng trường. Vụ Bùi Duy Thiên (16 tuổi), trú tại xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương dùng dao đâm chết ông nội và chém bị thương bà nội. 

Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Thiên là do thiếu tiền để chơi game và do ảnh hưởng của trò chơi bạo lực trên mạng Internet... Đó chỉ là 2 trong một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng do trẻ vị thành niên gây ra.

Công an thành phố Tuyên Quang triển khai phương án triệt phá tụ điểm phức tạp về ANTT trên địa bàn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng xấu đến văn hóa, giáo dục, sự tha hóa biến chất, lối sống thực dụng trong một bộ phận tầng lớp trẻ hiện nay; sự tiêm nhiễm những luồng văn hóa độc hại, các trang mạng xã hội, kích động bạo lực, kích động tình dục. 

Bên cạnh đó là sự non kém, lệch lạc về nhận thức các vấn đề xã hội, pháp luật; những ảnh hưởng tiêu cực về phía gia đình như: sự thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau, một số thành viên trong gia đình sống buông thả, rượu chè, cờ bạc, thậm chí phạm tội, đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên. 

Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục các em; một số gia đình còn quá nuông chiều con cái để dẫn đến tệ nạn ăn chơi đua đòi, giao lưu với đối tượng xấu, sống buông thả dẫn đến sa ngã. 

Sự quản lý lỏng lẻo, thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình, dẫn đến trẻ vị thành niên rơi vào con đường phạm tội. Nhiều gia đình không quan tâm đến đời sống tinh thần của con, phó mặc cho nhà trường, thậm chí có trường hợp còn dung túng, bao che hành vi vi phạm pháp luật của con, em mình.

 Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và gia đình, xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng ngừa trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. 

Duy trì, phát huy hiệu quả mô hình "Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng". Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú; phát huy hiệu quả hơn nữa trong sự phối hợp giữa 3 môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội đối với giáo dục đạo đức toàn diện cho học sinh, sinh viên. 

Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn, gia đình hòa thuận, có nếp sống văn hóa, không để tình trạng bạo lực gia đình xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng Công an các cấp cần chủ động nắm chắc tình hình về tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiến niên. 

Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về các biện pháp phòng ngừa trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác quản lý đối tượng thanh, thiếu niên hư, lập hồ sơ đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng, hoặc đưa ra kiểm điểm, quản lý, giáo dục tại cộng đồng dân cư. 

Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, nhất là trong hoạt động dịch vụ văn hóa như: Internet, Game online, phim ảnh có nội dung đồi trụy, bạo lực. 

Tập trung lực lượng tấn công, truy quét tội phạm hình sự; kịp thời điều tra khám phá nhanh các vụ án, xử lý nghiêm trước pháp luật để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung, nhằm làm trong sạch địa bàn, hạn chế tới mức thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật do lứa tuổi vị thành niên gây ra.

Trần Thái
.
.