Những già làng vì cuộc sống bình yên của nhân dân
Già làng Tút (70 tuổi) ở làng Chuét 1, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai là người có công tuyên truyền, giáo dục, đưa chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống. Ông chia sẻ, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn về đời sống, sự “hấp thụ” kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật cũng không dễ. Để giúp cho bà con mình hiểu, làm theo thì già làng phải là người gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, khi nhận thấy đúng, hay, bà con mới nghe và làm theo...
Già làng Y Mlui ở làng Dơng, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa (Gia Lai) tâm sự: “Mình còn làm già làng khi lòng dân thực sự ủng hộ, tin yêu, chia sẻ... và tự mất đi khi uy tín của mình với dân làng không còn nữa. Phải có lòng dân đùm bọc, che chở thì mới bền lâu...”.
Cả cuộc đời già làng Mlui gắn với dân làng. Lúc bình yên, ông đến từng nhà giúp đồng bào biết cách trồng, chăm sóc cà phê, làm lúa nước... Khi dân làng bị kẻ xấu xúi giục làm điều sai trái, bỏ trốn vào rừng, vượt biên trái phép... già làng Mlui đã đến từng nhà phân giải điều hay, lẽ phải, rồi ông vào rừng kêu gọi thanh niên bỏ trốn về lại làng trình diện chính quyền để lo làm ăn. Nhiều người lầm lỗi đã nhận ra lẽ phải, trở về buôn làng chăm lo lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Còn già làng Siu Plim ở làng Bloi, xã Ia Ly, Chư Păh, Gia Lai được mệnh danh là người thầy trong việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. “Để dân nghe, trước hết mình và gia đình phải là người đi đầu trong việc thực hiện nếp sống mới, sống gương mẫu và thường xuyên giúp đỡ mọi người phát triển kinh tế”, già làng Plim nói.
Già làng Rơ Châm Rich ở làng Yang 2, xã Ia Phí, Chư Păh, Gia Lai là người làm kinh tế giỏi và tích cực giúp đỡ bà con trong làng cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Già làng Hnhơt của Plei Piơm, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai là người giỏi trong việc hòa giải, góp nhiều công sức vun đắp cho bao mái ấm gia đình, tình đoàn kết dân tộc. Không kể hết đời làm già làng, Hnhơt đã hóa giải bao nhiêu chuyện khó cho dân làng… Già làng Hnhơt có tài nói hay và thông thạo nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số nên ông đã hóa giải được nhiều mâu thuẫn mà người khác khó làm...
Tây Nguyên có hơn 8.100 già làng và người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Họ là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò cầu nối trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong làng, góp nhiều công sức thiết thực trong phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, giữ vai trò quan trọng trong tập hợp dân làng, thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân ở các buôn làng.