Khi cán bộ không là công bộc của dân

Thứ Ba, 09/10/2018, 11:30
Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã liên tiếp để xảy ra hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng liên quan đến trách nhiệm của một số cán bộ cơ sở làm thiệt hại ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. 

Nhưng đâu là nguyên nhân khiến họ - những cán bộ cơ sở giữ vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân, Nhà nước với công dân, lại có những việc làm sai phạm? Và bài học rút ra từ những sai phạm đó là gì? 

Đây thực sự là bài toán mà cấp uỷ, chính quyền cơ sở cần phải khẩn trương giải quyết, để mỗi người cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương tiêu biểu về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cấp dưới và quần chúng nhân dân noi theo....

Có dịp về công tác tại huyện Quảng Xương, chúng tôi không khỏi ái ngại cho người dân về cách làm việc quan liêu của một số cán bộ cấp xã nơi đây. 

Theo phản ảnh và đơn tố cáo của nhiều người dân trên địa bàn xã Quảng Yên: Trong đợt mưa lũ xảy ra đầu tháng 10-2017, do ảnh hưởng của mưa lũ, hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn xã đã bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Theo thống kê, có gần 100 hộ dân sẽ được nhận số tiền 248,3 triệu đồng tiền hỗ trợ bão lũ. 

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh bắt tạm giam đối tượng Đinh Trọng Tấn về hành vi vu khống, bôi nhọ lãnh đạo huyện.

Tính đến ngày 14-3-2018, UBND xã Quảng Yên đã tiếp nhận ngân sách và tổ chức chi trả cho người dân số tiền đợt 1 là 137 triệu đồng; đợt 2 là 90,4 triệu đồng. Còn hơn 20 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng được trả sau vì xã không đủ điều kiện.

Trong khi người dân đang gặp phải muôn vàn khó khăn, đời sống bấp bênh, đáng lý ra những người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở phải trăn trở, lo toàn tìm cách giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và cuộc sống thì ngược lại, ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên đã chỉ đạo cán bộ xã "xin lại" 10% tiền hỗ trợ của mỗi hộ dân để lo lót việc đi lại. 

Thậm chí, ông Kỳ còn trực tiếp gọi điện cho một hộ dân đề nghị phải đưa 3 triệu đồng/1 hộ để lo thủ tục. Khi vụ việc bị người dân tố cáo và đưa ra ánh sáng, ông Lê Quang Kỳ đã bị huyện ủy Quảng Xương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Vụ việc vừa mới tạm lắng xuống thì những ngày gần đây, dư luận và quần chúng nhân dân xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương lại xôn xao và bất bình trước hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ để trục lợi cá nhân của ông Hoàng Văn Sơn, 35 tuổi (cán bộ địa chính xã Quảng Lộc) và ông Bùi Ngọc Dũng, 33 tuổi (trưởng thôn 3, xã Quảng Lộc). 

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan CSĐT công an huyện Quảng Xương: Trong 2 năm 2016 và 2017, lợi dụng việc được giao nhiệm vụ kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng điểm dân cư xã Quảng Lộc, Hoàng Văn Sơn và Bùi Văn Dũng đã câu kết với nhau lập khống hồ sơ, tăng diện tích bồi thường của 126 hộ dân trên dịa bàn thôn 3, xã Quảng Lộc trong diện được đền bù để chiếm đoạt của Nhà nước gần 800 triệu đồng. 

Hiện Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hoàng Văn Sơn và Bùi Ngọc Dũng để điều tra, làm rõ hành vi sai phạm.

Không chỉ ở huyện Quảng Xương mà ở nhiều địa phương các trên địa bàn tỉnh, tình trạng một số cán bộ, công chức xã thay vì là "công bộc" của dân, phục vụ lợi ích nhân dân thì họ lại nghĩ rằng mình có đặc quyền, đặc lợi với nhân dân, ngang nhiên “xà xẻo” công quĩ, tư lợi cá nhân, bán đất trái thẩm quyền, thậm chí đưa họ hàng, người thân vào danh sách các hộ nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. 

Điển hình như vụ việc xảy ra tại xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm của lãnh đạo và cán bộ công chức xã trong việc rà soát, lập danh sách các hộ nghèo để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. 

Trong đó vợ của các ông Vũ Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Nga Thanh; Phạm Văn Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy xã; Phạm Hùng Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã; Mai Sỹ Thể, cán bộ văn hóa xã… đã được ghép vào danh sách các hộ nghèo trên địa bàn xã để trục lợi. Lẽ ra, những suất ưu đãi đó phải dành cho những hộ nghèo, nhưng họ đã lợi dụng chính sách của Nhà nước để mang lợi về cho người thân và gia đình mình.

Không chỉ “xà xẻo” công quĩ Nhà nước, có không ít cán bộ công chức xã do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, có biểu hiện “tự suy thoái”, “tự chuyên hoá” như trường hợp của Đinh Trọng Tấn (37 tuổi), là huyện ủy viên, Đại biểu HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương đã bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh bắt tạm giam 2 tháng về hành vi vu khống, bôi nhọ lãnh đạo huyện. 

Trước đó, do bất mãn cá nhân, Đinh Trọng Tấn đã thường xuyên nhắn tin qua điện thoại vu khống, bôi nhọ, xúc phạm Bí thư Huyện ủy Quảng Xương gửi cho một số lãnh đạo các xã trên địa bàn. Hay như câu chuyện về vụ 12 con dê thay vì được cấp cho nông dân nghèo để tạo điều kiện cho họ thay đổi cuộc sống thì đằng này nó lại âm thầm “lạc”vào trang trại của bí thư huyện.... 

Tất cả những sự việc trên đã và đang ngày càng làm cho bộ mặt chính quyền cơ sở trở nên xấu xí trong mắt người dân. Và làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền. Trong khi đó Đảng và Nhà nước đang có những chủ trương quyết liệt nhằm xây dựng một nền công vụ trong sạch, tử tế ở cấp vĩ mô thì ở cấp độ địa phương, điều đó đang rất cần được quan tâm và thực hiện quyết liệt hơn bao giờ hết.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ công an tỉnh đã khởi tố điều tra 7 vụ án tham nhũng, trong đó có 5/7 vụ liên quan đến cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Điển hình như: tháng 5-2018, phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can gồm: ông Nguyễn Hữu Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải và bà Nguyễn Thị Thu, nguyên kế toán ngân sách xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ để thu lợi bất chính gần 300 triệu đồng từ việc tự ý nâng giá bán đất cho 21 hộ dân trên địa bàn xã Hoằng Hải.

Mới đây nhất, đầu tháng 8-2018, thông qua nguồn tin tố giác của quần chúng nhân dân và phản ánh của truyền hình CAND, sau một thời gian điều tra, xác minh cơ quan CSĐT Công an huyện Hà Trung đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đình Khá, 56 tuổi nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hà Ninh và Đặng Văn Lương, nguyên cán bộ địa chính xã Hà Ninh, huyện Hà Trung về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, lập khống hồ sơ, giả mạo chữ ký để xác định sai nguồn gốc đất gây thiệt hại cho nhà nước hàng tỷ đồng.

Đây chỉ là những vụ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ chủ chốt ở cơ sở trên địa bàn tỉnh với tính chất và hậu quả hết sức nghiêm trọng, gây mất lòng tin của dân đối với chính quyền cơ sở. 

Từ những vụ việc này cho thấy hầu hết những cán bộ sai phạm trên đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản. Thế nhưng họ đã có những sai phạm nghiêm trọng kéo dài, gây ảnh hưởng đến lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Bên cạnh nguyên nhân nói trên, qua các vụ việc có thể thấy công tác đánh giá cán bộ, phê bình và tự phê bình còn mang tính chiếu lệ, nể nang, thiếu tinh thần đấu tranh, thậm chí là dung túng, bao che. 

Chỉ đến khi tình trạng khiếu kiện kéo dài hoặc có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp trên, thì những sai phạm này mới được làm rõ và xử lý nghiêm minh. Chính sự nể nang, chần chừ, nhẹ hóa các vi phạm của cán bộ đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài và bức xúc trong nhân dân.

Một nguyên nhân khác, đó là sự yếu kém và thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ. Mặc dù, hàng năm các cơ quan, ban ngành chức năng đều thường xuyên thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên hầu hết các vụ việc trên chỉ được phát hiện khi có đơn thư khiếu nại tố cáo của quần chúng nhân dân. Điều này cũng thể hiện sự thiếu kiên quyết và chậm trễ trong xử lý sai phạm của các cơ quan chức năng đối với cán bộ sai phạm.

Qua những vụ việc trên, một lần nữa cảnh báo tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý cán bộ và sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền ở cơ sở hiện nay. Hậu quả lớn nhất là mất cán bộ, giảm sút niềm tin của nhân dân. 

Do đó cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng đối với cán bộ, đảng viên, gắn với việc nêu gương và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Đối với đội ngũ cán bộ cơ sở cần rút ra bài học quý báu về tinh thần tự học tập, rèn luyện tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, tuân thủ triệt để kỷ luật, kỷ cương và nỗ lực thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, để cán bộ cơ sở phải thực sự là “Công bộc” của dân như Bác Hồ từng răn dạy.

Thái Thanh
.
.