“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân giao nộp vũ khí

Thứ Tư, 20/05/2020, 07:42
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, những năm qua, Công an các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân…

Tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là đồng bào Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào vốn thành thạo với việc chế tạo, sử dụng súng săn động vật hoang dã trái phép. Việc dùng súng tự chế tràn lan đã để lại nhiều hệ lụy, trong đó có nhiều người phải bỏ mạng oan uổng vì loại súng này...

Thiếu tá Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Công an xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức cho hay, để làm ra một khẩu súng săn, súng tự chế chỉ mất từ một đến hai ngày, nên cứ kết thúc một đợt vận động, sau khi giao nộp vũ khí xong bà con lại tiếp tục sản xuất khẩu súng khác để sử dụng. “Việc người dân sở hữu, sử dụng vũ khí tự chế và công cụ hỗ trợ tràn lan sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, làm tận diệt các loài động vật hoặc nguy hiểm hơn, họ còn dùng súng để tự “giải quyết” mâu thuẫn với nhau mà hậu quả của nó để lại là khôn lường”, Thiếu tá Tuấn cho biết thêm.

Cũng theo Thiếu tá Tuấn, trước mối nguy hại việc người dân sử dụng súng trái phép, đồng thời nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả đợt tổng kiểm tra và cao điểm vận động toàn dân giao nộp, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn, vừa qua, Công an xã đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động người dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng súng cũng như giao nộp vũ khí.

“Ngoài việc cán bộ, chiến sỹ trực tiếp đến nhà dân để tuyên truyền, vận động, Công an xã Quảng Tân cũng đã tranh thủ những người có uy tín đến tận từng nhà, từng khu dân cư để tuyên truyền về tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phổ biến các văn bản của pháp luật về việc quản lý, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm nâng cao ý thức của người dân. Chỉ trong vòng 20 ngày thực hiện cao điểm, Công an xã Quảng Tân đã thu hồi được 20 khẩu súng tự chế các loại, trong đó có 10 khẩu do người dân tự nguyện đến giao nộp”, Thiếu tá Tuấn cho biết thêm.

Công an xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức vận động người dân giao nộp vũ khí.

Còn tại huyện Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk có đường biên trải dài, tiếp giáp với nước bạn Camphuchia, là nơi có nhiều rừng núi, đồng bào di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống rải rác trong rừng và đã mang theo tập tục dùng súng tự chế để săn bắn. “Với thói quen tàng trữ, chế tạo súng tự chế nhằm mục đích săn bắn của một bộ phận lớn là bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa đã khiến cho công tác quản lý, giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Việc sử dụng súng tự chế, súng săn… tràn lan đã để lại nhiều hệ luỵ, trong đó có những vụ việc đau lòng”, Thiếu tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Trưởng Công an huyện Ea Súp cho hay.

Thiếu tá Nghĩa dẫn chứng, thời gian qua, trên địa bàn huyện Ea Súp có nhiều gia đình tàng trữ, sử dụng súng chỉ nhằm mục đích săn bắn nhưng cất giữ trong nhà, quản lý sơ sài, chủ quan đã khiến con nhỏ, người thân trong nhà đưa súng ra nghịch bị cướp cò gây thương vong. “Hoặc có những vụ việc đi săn thú bắn nhầm vào nhau tử vong, thương tích. Đó là chưa kể đến những vụ việc chỉ vì xuất phát những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, người ta có thể mang súng ra để giải quyết mâu thuẫn và đã gây ra nhiều hệ lụy đau lòng”, Thiếu tá Nghĩa phân tích.

Trước thực trạng người dân sử dụng súng tự chế tràn lan, Công an huyện Ea Súp đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về những tác hại của việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bằng các hình thức như: Xây dựng phóng sự, bài viết, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, treo pa nô, phát tờ rơi tại các trục đường chính đông người qua lại… Đặc biệt nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong dòng họ, già làng, trưởng bản để vận động linh hoạt, khéo léo quần chúng tích cực tham gia, tự giác giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

Qua đó đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn. Nhờ đó, chỉ trong đợt cao điểm từ 25-3 đến 10-5, Công an huyện Ea Súp đã thu gom được 16 khẩu súng cồn tự chế, 32 viên đạn K59, 2 viên đạn K54, 32 viên đạn Garang, 3 hộp tiếp đạn, 2 khẩu súng hơi khí nén tự chế, 1 nòng súng kíp, 2 thanh kiếm, 0.5kg thuốc nổ, 5 kíp nổ và 4 súng kíp do người dân tự nguyện giao nộp.

Theo Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, ngoài số vũ khí, vật liệu nổ mà lực lượng chức năng thu được trong thời gian qua, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít người dân lén lút sản xuất và sử dụng trái phép các loại vũ khí vật liệu nổ. Từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của nhân dân, gây mất ANTT tại địa phương. Để ngăn chặn tình trạng sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ trái phép, trong thời gian tới đòi hỏi các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về những tác hại cũng như sự nguy hiểm của các loại vũ khí vật liệu nổ đối với bản thân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an sẽ tập trung khảo sát nắm tình hình ở các địa bàn trọng điểm, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn trước khi lập kế hoạch tổ chức phát động quần chúng. Đồng thời tranh thủ vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín để gặp gỡ, vận động thuyết phục bà con không cất giấu, tàng trữ trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ và tự giác giao nộp cho chính quyền, góp phần giảm thiểu những tai nạn thương vong do việc sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ gây ra.

Văn Thành
.
.