Để các phum sóc người Khmer bình yên

Thứ Hai, 20/01/2020, 09:27
Từ nhiều năm qua, an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn huyện Long Phú (Sóc Trăng) được giữ vững. Thành quả đó được người dân địa phương ghi nhận.

Trong đó, bên cạnh sự chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đối với các cấp, các ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), còn có sự nỗ lực đổi mới trong công tác, xây dựng nhiều mô hình hay, sáng kiến tốt của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an huyện Long Phú…

Đại tá Hồ Thị Ngọc Hoa, Trưởng Công an huyện Long Phú, chia sẻ: “Long Phú là huyện có vị trí địa lý khá đặc biệt, có tuyến quốc lộ 60, quốc lộ Nam sông Hậu đi qua; có Nhà máy nhiệt điện Long Phú đang xây dựng. Đồng thời cũng là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm gần 30% dân số toàn huyện”.

Trong năm qua, Công an huyện Long Phú đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức thực hiện phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và tố giác tội phạm. Đã tổ chức gần 2.000 cuộc tuần tra với 10.426 lượt CBCS tham gia; giải tán 60 sòng bài, 27 tụ điểm đá gà, 63 sòng bầu cua, 7 sòng lắc bông vụ, 6 sòng lô tô; 38 nhóm thanh niên tụ tập về khuya; phát hiện 6 dùng xung điện đánh bắt thủy sản; cảm hóa giáo dục 223 đối tượng; triệt phá 30 điểm, 148 đối tượng và vô hiệu hóa 13 điểm của các đối tượng đá gà, đánh bài, ma túy…

Đại tá Hồ Thị Ngọc Hoa, cho biết thêm: “Những năm qua, chúng tôi cố gắng phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Phương châm của chúng tôi là lấy phòng ngừa làm chính. Làm tốt công tác phòng chống thì ắt hạn chế được tội phạm và TNXH. Công an làm nòng cốt trong xây dựng các mô hình phong trào, tuyên truyền công tác bảo vệ ANTT đến quần chúng; tăng cường lực lượng Công an xuống bám sát cơ sở, tranh thủ sự hỗ trợ của nhân dân nên công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn huyện được giữ vững. Trong năm qua, huyện không có trọng án xảy ra”.

Mô hình camera an ninh phát huy hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện Long Phú.

Theo Đại tá Hoa, từ năm 2016 đến nay, bằng hình thức xã hội hóa, Công an huyện tích cực phối hợp với chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê” ở 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn. Trên 4.300 bóng đèn được lắp trên các tuyến đường liên ấp, liên xã trong toàn huyện với tổng chiều dài 140km, kinh phí 3,5 tỷ đồng. Mô hình này đã góp phần rất lớn trong đảm bảo ANTT, ATGT cho người dân địa phương.

Ông Lý Thanh Sơn (người Khmer, ngụ xã Châu Khánh), vui vẻ cho biết: “Các vụ việc mất ANTT thường xảy ra vào ban đêm; các đối tượng phạm tội lợi dụng đêm tối để hoạt động, lẩn trốn. Khi có vụ việc xảy ra, hiện trường ở đó không có đèn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Từ ngày có hệ thống đèn chiếu sáng, tình hình ANTT tốt hẳn lên, giảm bớt nỗi lo cho người dân chúng tôi, hạn chế được nhiều vụ tai nạn giao thông”.

Còn anh Lý Sà Oanh (người Khmer, ngụ xã Trường Khánh), phấn khởi: “Đường nông thôn bây giờ có điện sáng suốt đêm nên bà con yên tâm, không lo chạy xe tai nạn, không lo trộm cắp nữa. Đường nông thôn mà không khác gì đường ở phố, bà con vui lắm”.

Thượng tá Trần Văn Thiết, Phó trưởng Công an huyện Long Phú, khẳng định: “Từ khi thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”, tình hình TTATXH trên địa bàn huyện ổn định, không xảy ra vụ việc phức tạp về ANTT. Các hành vi như cướp tài sản, trộm cắp tài sản... giảm mạnh. Công tác điều tra, xử lý các vụ việc xảy ra vào ban đêm gặp nhiều thuận lợi, tỷ lệ điều tra đạt 100%. Bên cạnh đó, mô hình này còn góp phần vào công tác phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần tích cực xây dựng khu dân cư, xã, thị trấn “An toàn về ANTT”.

Không chỉ vậy, thời gian qua, Công an huyện còn tham mưu cho cấp trên vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp kinh phíđể lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các địa phương. Đến nay, đã có 7/11 xã, thị trấn có 72 camera, kinh phí lắp đặt trên 373 triệu đồng. “Từ khi Công an huyện gắn camera, tình hình ANTT ở địa phương luôn được đảm bảo. Bà con chúng tôi rất ủng hộ mô hình này vì hiệu quả phòng ngừa tội phạm rất cao”, ông Huỳnh Nê (người Khmer, ngụ thị trấn Long Phú) cho hay.

Một mô hình khác cũng được nhân dân đánh giá cao trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ là mô hình “Xóm đạo tự quản” về an ninh trật tự trong tín hữu Cao đài ở thị trấn Đại Ngãi và cũng là mô hình đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Mô hình “Xóm đạo tự quản” được ra đời với mục tiêu nâng cao công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Long Phú Kim Hen đánh giá, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Long Phú đã tập trung chỉ đạo phát triển KT-XH ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững... Qua đó, nhiều hộ đồng bào Khmer nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch, nên đời sống của đồng bào được nâng lên.

“Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của Công an huyện Long Phú. Tập thể CBCS Công an huyện đã thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn huyện, góp phần to lớn vào sự phát triển KT-XH của địa phương, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao”, ông Kim Hen khẳng định.

Văn Đức – C.X.
.
.