Cuộc sống mới ở “chung cư không chồng”

Chủ Nhật, 06/03/2016, 16:10
Ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng có một khu chung cư đặc biệt dành cho những phụ nữ đơn thân mà nhiều người thường gọi với cái tên “chung cư không chồng”. 


Gần 1 năm nay, an ninh trật tự tại khu chung cư này được đảm bảo bởi một tổ bảo vệ dân phố (BVDP) cũng đặc biệt không kém, đó là các thành viên của tổ đều là nữ. Đây cũng là tổ BVDP nữ duy nhất tại TP Đà Nẵng…

Khu “chung cư không chồng” là nơi sống tập trung của 144 trường hợp phụ nữ đơn thân trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ông Phạm Trung Khảm (Bí thư Chi bộ khu Hòa Phú 5A, Hòa Minh), cho biết, từ năm 2008, những chị em phụ nữ có số phận hẩm hiu, phiêu dạt khắp nơi về Đà Nẵng, đã được chính quyền thành phố đưa đến sống tại khu nhà liền kề ở phường Hòa Minh. Đến cuối năm 2011, chung cư 5 tầng, với 4 khu nhà được xây dựng xong, họ được chuyển về đây sống.

Tổ BVDP nữ khu “chung cư không chồng” ở phường Hòa Minh.

Các phụ nữ đơn thân đều trong diện nghèo khó, bệnh tật; những người lầm lỡ, nuôi con tự túc. Cuộc sống thường ngày của họ gắn với công việc lao động chân tay, thu nhập rất bấp bênh, như nhặt ve chai, bán vé số, rau hành… Do nhận thức kém, cộng với cuộc sống khó khăn nên trước đây có không ít hộ nảy sinh mâu thuẫn, xích mích nhau. Những đứa trẻ không có cha, sống trong hoàn cảnh ấy cũng sớm sa chân vào các tệ nạn, như trộm cắp, rượu chè, rồi bỏ học ăn chơi lêu lổng…

Nắm bắt tình hình đó, chính quyền và các các cơ quan, đoàn thể địa phương đã luôn quan tâm, động viên, trợ cấp tiền và tặng quà cho các chị em trong các dịp lễ Tết; đồng thời áp dụng chính sách hỗ trợ việc làm, cho vay vốn ưu đãi để làm ăn. Dần dà, cuộc sống các hộ phụ nữ đơn thân ổn định hơn, những đứa trẻ được ăn học tử tế.

Chị Lê Thị Ái Nhung (46 tuổi, đang sống tại căn hộ trong khu nhà A) chia sẻ: “Vợ chồng tôi chia tay từ năm 1999, tôi một mình làm công nhân kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ, trong đó một đứa bệnh tật triền miên, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Năm 2008, mấy mẹ con dắt díu về đây ở, trong tay tôi không có lấy một thứ tài sản gì, kể cả bộ bàn ghế, chiếc xe đạp cũng không.

Rồi nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền thành phố, cũng như sự động viên rất lớn của các cán bộ địa phương, bản thân tôi cũng cố gắng vươn lên, bây giờ cuộc sống đã ổn định hơn rất nhiều. Trong nhà đã có tủ lạnh, tivi, tôi có một số vốn để mở quán cà phê nhỏ. Con trai được ăn học tới nơi tới chốn, có công việc đàng hoàng”.

Cùng chung hoàn cảnh, chị Phạm Thị Nhiên Hương (48 tuổi, trú tại căn hộ trong khu nhà B) cũng tâm sự rằng, từ khi được chuyển về đây ở cuộc sống của mấy mẹ con chị đã tốt lên rõ rệt, không còn phải lo bữa đói bữa no, không còn cảnh nửa đêm không dám về phòng ngủ, vì phải trốn nợ chủ trọ.

Lúc trước, vì cơm áo gạo tiền, hai vợ chồng chị cứ lục đục, gây gổ với nhau. Không chịu được cảnh đó mà chồng chị đã bỏ đi, để lại cho chị 2 đứa con nheo nhóc. Năm 2010, cuộc sống đầy đủ hơn, chồng chị cũng quay về xin nối lại tình cảm, 2 vợ chồng chị hàn gắn lại với nhau, sinh thêm một đứa con gái và sống hòa hợp cho tới bây giờ…

Không chỉ thay đổi về kinh tế, mà về nhận thức của các chị em ở đây cũng đã được nâng cao hơn rất nhiều. Nhiều chị em năng nổ tham gia các hoạt động phong trào ở tổ, ở phường. Như chị Nhung bây giờ đã làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ khu Hòa Phú 5A, chị thường xuyên đi vận động các chị em trong khu chung cư phấn đấu làm ăn, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Đáng quan tâm, gần một năm nay, khi tổ BVDP nữ được thành lập đi vào hoạt động, các hộ dân ở “chung cư không chồng” sống bình yên và chan hòa với nhau hơn hẳn; an ninh trật tự khu chung cư cũng được đảm bảo hơn.

Tổ BVDP đặc biệt này có 7 tổ viên. “Chúng tôi khăng khít với nhau như chị em một nhà, chung cùng trách nhiệm, với mong muốn đóng góp chút ít công sức vì bình yên khu phố. Công việc của chúng tôi là đi tuần tra đêm, phối hợp với lực lượng Công an hòa giải, xử lý những vụ việc lớn, nhỏ trên địa bàn. Kể ra đây cũng là công việc không ít khó khăn đối với chị em phụ nữ. Thế nhưng, mọi người lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình, chẳng nề hà sớm khuya”, chị Phạm Thị Thu Hà, Tổ trưởng tổ BVDP nữ, bộc bạch.

Ông Khảm cho biết thêm: “Các chị tham gia tổ BVDP xuất phát từ tinh thần tự nguyện nên ngoài những bữa ăn bồi dưỡng đêm khuya, các chị chưa nhận được một đồng trợ cấp nào. Tiền xăng xe, tiền nước uống khi đi làm nhiệm vụ các chị đều tự bỏ tiền túi mình ra. Thế mà ai cũng tự giác, ai cũng hào hứng, cũng tràn đầy trách nhiệm. Những hoạt động tích cực của các chị không chỉ được địa phương ghi nhận, mà còn được Công an quận Liên Chiểu, Công an TP Đà Nẵng khen ngợi.

Năm 2016, mô hình này sẽ được củng cố hơn, đưa thêm những chị em có năng lực, có nhận thức vào tổ để phát triển khu chung cư Hòa Minh trở thành khu chung cư văn hóa...”.

Lý Na
.
.