Chuyện nghề của những chiến sĩ tìm dấu vết “biết nói”

Chủ Nhật, 28/01/2018, 08:30
Một trong những công việc đầu tiên phục vụ điều tra làm rõ bản chất vụ án là khám nghiệm hiện trường thu thập tỉ mỉ các tài liệu, dấu vết... Đây là công việc đặc thù mang tính khoa học, kỹ thuật cao. Cán bộ kỹ thuật hình sự (KTHS) phải áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật theo quy định pháp luật để tìm các dấu vết “biết nói”.

Đại úy Bùi Văn Thăng, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng KTHS Công an tỉnh Bình Phước đã gắn bó với công tác khám nghiệm hiện trường từ ngày đầu vào lực lượng Công an. Anh vừa được Công an tỉnh tặng giấy khen đột xuất vì có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Khi tìm hiểu, chúng tôi đã bị cuốn vào những câu chuyện của nghề KTHS, “đánh án” bằng các biện pháp khoa học, kỹ thuật. Thông tin mà lực lượng KTHS thu được từ hiện trường là những chi tiết vô cùng đắt giá giúp cơ quan điều tra “giải mã” các vụ án.

Đại úy Bùi Văn Thăng cùng đồng đội kiểm tra dấu vết trên vỏ chai nhựa.

Anh Thăng kể lại: Vào trung tuần tháng 6-2017, anh tham gia hỗ trợ Công an thị xã Đồng Xoài khám nghiệm hiện trường vụ trộm cắp tài sản tại gia đình chị Nguyễn Thị Tiếp (ngụ phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài). Tài sản bị mất gồm 25 triệu đồng tiền mặt và gần 2 cây vàng 18K. 

Qua khám nghiệm hiện trường, Công an xác định, không có dấu hiệu đột nhập từ bên ngoài. Kiểm tra, phân tích dấu vết để lại trên các cửa tủ và ngăn kéo kết hợp các thông tin thu thập được, đã xác định đây là hiện trường giả. Kết quả này đã định hướng cho cơ quan điều tra về đối tượng nghi vấn gây ra vụ trộm có thể là người trong nhà. Tập trung điều tra, cơ quan Công an đã xác định Đỗ Minh Trung (25 tuổi, con chị Tiếp) đã gây án và tạo hiện trường giả.

Cùng thời gian, trên địa bàn huyện Bù Đốp đã xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng làm chết 2 người. Hiện trường là căn nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Tú (SN 1981) và Huỳnh Văn Em (SN 1984, ngụ xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp). 

Quá trình khám nghiệm, phân tích dấu vết hiện trường và tử thi, Đại úy Thăng xác định hiện trường nhà chị Tú, cửa ra vào không có dấu hiệu bị cậy phá, trong nhà phát hiện con dao dính máu. Trên nền nhà xuất hiện nhiều dấu vết dạng bàn chân dính bụi và dấu vết máu, 3 điện thoại di động. Không phát hiện có dấu hiệu đột nhập hay lục soát tài sản. Trên cơ sở đó, cơ quan Công an đã nhận định anh Em sát hại vợ, rồi kéo dây điện từ bên ngoài nhà tự buộc vào 2 chân và cắm phích điện tự tử.

Một vụ án mạng khác xảy ra tại cổng Trường Mầm non Thanh An, huyện Hớn Quản, nạn nhân là Huỳnh Ngọc Tú (SN 1985, ngụ phường Phú Đức, thị xã Bình Long). 

Qua khám nghiệm hiện trường và tử thi, các cán bộ KTHS xác định, Tú tử vong do vật sắc nhọn, bản mỏng đâm thủng phổi, tim. Hiện trường phát hiện con dao, đoạn cây và nhiều vỏ chai thủy tinh. 

Quá trình xem xét dấu vết thân thể của đối tượng nghi vấn Nguyễn Văn Hải (SN 1985, ngụ huyện Hớn Quản), Đại úy Thăng đã thu dấu vết liên quan để giám định. Kết quả giám định làm căn cứ giúp cơ quan điều tra truy nguyên, kết luận Hải chính là thủ phạm gây án.

Thượng úy Lê Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội 1, Phòng KTHS Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Mỗi lần nhận được quyết định trưng cầu giám định từ các đơn vị, huyện, thị xã gửi tới, chúng tôi phải nhanh chóng xử lý, sàng lọc, phân loại và gửi tra cứu tàng thư nghiệp vụ ngay nhằm hỗ trợ cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ án”.

Thượng uý Lê Anh Tuấn truy tìm dấu vết tội phạm bằng khoa học kỹ thuật.

Điển hình, ngày 23-3-2017, đối tượng đã đột nhập vào nhà anh Nguyễn Văn Thành (SN 1982, ngụ phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long) trộm 2 nhẫn vàng, 1 máy cưa, 1 máy bơm nước, 1 máy khoan và 1 máy cắt. 

Nhận được một số dấu vết và tài liệu do cơ quan điều tra chuyển đến trưng cầu giám định, Thượng úy Tuấn đã nhanh chóng xử lý số tài liệu này. Kết quả xác định Nguyễn Văn Vũ (SN 1991, ngụ thị xã Bình Long) đã để lại dấu vết tại hiện trường. Ngày 22-5-2017, Bưu cục xã Tân Thành (Đồng Xoài) bị kẻ gian đột nhập vào lấy trộm một số tài sản. 

Trong vụ trộm này, Thượng úy Tuấn đã tiếp nhận, xử lý kịp thời số dấu vết và tài liệu tại hiện trường vụ án do Công an thị xã Đồng Xoài gửi giám định. Kết quả đã xác định, dấu vết để lại hiện trường là của Bùi Đước Chính (SN 1972, ngụ huyện Đồng Phú)...

Những kết luận của lực lượng KTHS về dấu vết để lại hiện trường các vụ án và chủ nhân của dấu vết, cũng như các cơ chế hình thành dấu vết là căn cứ khoa học có tính pháp lý để cơ quan điều tra làm căn cứ, tài liệu trong đấu tranh với tội phạm.

Đại úy Bùi Văn Thăng chia sẻ: “Hiện nay, tội phạm rất tinh vi, xảo quyệt. Tuy nhiên, có tinh vi, xảo quyệt đến đâu chúng vẫn để lại dấu vết tại hiện trường. Đây là một trong những manh mối để cơ quan Công an truy lần ra thủ phạm. Do vậy, hiện trường cần phải được khoanh vùng bảo vệ thật tốt. Người dân không nên vì tò mò hay hiếu kỳ mà tự vào xem hoặc kiểm tra hiện trường vụ án, sẽ làm xáo trộn hiện trường khiến kết quả khám nghiệm không còn chính xác để phục vụ điều tra”.

Đ.Mừng-V.Tuyên
.
.