Nhân Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2017):

Sát cánh chặn dòng chảy ma túy ở đường biên

Thứ Sáu, 03/03/2017, 08:55
Trong những năm qua, Sơn La vẫn được coi là cái rốn của ma túy..., nơi đây cũng là địa bàn mà lực lượng Công an và Biên phòng hy sinh, mất mát nhiều nhất. Trong cuộc chiến ngăn chặn dòng chảy của ma túy, đã có không ít chiến sỹ của hai lực lượng ngã xuống vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Bài 2: Sát cánh chặn dòng chảy ma túy ở đường biên


Với quyết tâm loại trừ ma túy ra khỏi xã hội, lực lượng Công an và Biên phòng trên các tuyến biên giới nói chung, biên giới Sơn La nói riêng vẫn sát cánh bên nhau, tạo thành thế trận liên hoàn, bóc gỡ và chặn đứng nhiều đường dây thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đối mặt với hiểm nguy 

Càng về đêm, sương rơi càng nặng, cái rét quất vào mặt tê tái... Từ phía xa, xuất hiện những bóng người thấp thoáng khoảng 5 đến 7 đối tượng, chúng đi thành từng tốp, xì xầm nói với nhau bằng tiếng Lào. Hoạt động của các đối tượng đều nằm trong tầm quan sát của lực lượng đánh án BĐBP tỉnh Sơn La. Sau những trận đánh của lực lượng Biên phòng và Công an, các nhóm phạm tội về ma túy có phần cảnh giác hơn.

Nếu như trước đây, mỗi đối tượng thường gùi từ 20 đến 25 bánh thì thời gian gần đây rút xuống còn 10-15 bánh... Trong quá trình vận chuyển, nếu phát hiện thấy không an toàn, chúng sẽ lập tức rút vào rừng, tìm các vị trí trọng yếu là khu vực thưa thớt người qua lại, nằm sâu trong rừng ẩn náu, cất giấu hàng. Một số đối tượng sẵn sàng nổ súng khi có một tiếng động mạnh, vì thế mỗi lần phục kích là một lần căng thẳng đến nghẹt thở.

Trước đó, qua công tác quản lý đường biên, Phòng PCMT&TP BĐBP Sơn La phát hiện một đối tượng thường xuyên qua lại hai bên biên giới... Từ sự nghi vấn đó, họ đã trao đổi thông tin với Công an huyện Sông Mã. Lực lượng Biên phòng được giao nhiệm vụ nắm phương thức, thủ đoạn của đối tượng ở ngoại biên.

Tại nội biên, Công an huyện Sông Mã cũng nắm bắt di biến động của đối tượng nghi vấn. Cái khó nhất của hai lực lượng là tính toán được thời điểm, vị trí tổ chức lực lượng đánh bắt. Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 11-2, tổ công tác quyết định phá án. Phục kích từ lúc 20h30 ngày 11-2 nhưng đến khoảng 14h30 ngày 12-2,  đối tượng mới xuất hiện.

Theo kế hoạch đã tính toán từ trước, hai lực lượng phối hợp bắt giữ đối tượng Lò Văn Ích (33 tuổi, ở tại Mường Ét, Hủa Phăn, Lào), cùng tang vật là 34 nghìn viên ma túy tổng hợp và 200g heroin, tại xã Huổi Hin, Mường Hung, huyện Sông Mã.

Với những người lính trên mặt trận phòng, chống tội phạm ma túy, mỗi trận đánh là một lần đấu trí. Đại tá Trần Hùng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Sơn La bộc bạch: Trong trường hợp phát hiện đối tượng có vũ khí, thì phải tính toán phương án khác ngay, áp sát để đối tượng không có cơ hội nổ súng, đảm bảo an toàn cho anh em.

Chia sẻ với chúng tôi, nỗi lo hiện hữu trên gương mặt người chỉ huy từng kinh qua nhiều trận đánh, anh bộc bạch: Thời gian qua, BĐBP Sơn La và các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát gắt gao và đánh bắt nhiều vụ án lớn về ma túy, tuy tội phạm có giảm, tần suất hoạt động ít hơn nhưng chưa ngăn chặn được triệt để. Chúng thay đổi về phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đường đi, thời gian vận chuyển để tránh bị phát hiện của lực lượng chức năng.

Trên đường vận chuyển, chúng xóa các dấu vết, nhất là những khu vực nhạy cảm, dùng các "hoa tiêu" để thăm dò, dẫn đường nhằm vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới. Ma túy được cất giấu trong rừng, trong hang động, thậm chí cất giấu ngay trong nhà, sau đó dùng người nhà hoặc thuê người vận chuyển đi tiêu thụ...

Để phục vụ cho những chuyến đi dài ngày, nhằm tránh sự truy bắt của lực lượng Công an, các đối tượng còn trang bị các công cụ hỗ trợ như ống nhòm nhiệt, áo giáp chống đạn loại gọn. Trong quá trình di chuyển, các đối tượng còn mang theo đồ ăn, bếp gas, xoong, nồi để phục vụ cho những chuyến đi dài ngày. Và khi phát hiện có “động” sẽ tìm vào các vị trí sâu trong rừng lẩn trốn, chờ thời điểm thích hợp mới ra ngoài, cho nên mỗi chuyến vận chuyển "hàng" phải mất từ 2 đến 3 ngày.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra phức tạp tại địa bàn Hủa Phăn, Luông Pha Băng (Lào)..., nguồn ma túy qua tỉnh Bắc Trung Lào và Luông Pha Băng (Lào) đưa qua trung tâm về giáp biên giới tiêu thụ. Tại khu vực đối diện Sơn La là những tụ điểm ma túy lớn với những cái tên như bản Muống, Pa Háng, Huổi Hiềng... Ngoài các đường dây mua bán ma túy đã phát hiện nhiều tụ điểm tập kết, cơ sở sản xuất, chế ép ma túy ở huyện đối diện với biên giới Việt Nam.

Bộ đội Biên phòng Sơn La bắt đối tượng vận chuyển 8 bánh heroin.

Phối hợp trao đổi thông tin và đánh án

Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Công an và BĐBP tỉnh Sơn La đã được tiến hành rất hiệu quả. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La phối hợp với Ban Giám đốc Công an tỉnh; đặc biệt là 2 phòng chức năng là Phòng PCMT&TP với PC47 thường xuyên trao đổi thông tin về các đối tượng nghi vấn...

Trên cơ sở thực hiện các kế hoạch, đã phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra các kế hoạch để ngăn chặn, giảm thiểu tình hình tội phạm ma túy qua biên giới; tuyên truyền vận động nhân dân ở khu vực biên giới để họ nhận thức tác hại của ma túy.

Các cuộc trao đổi thông tin thường xuyên diễn ra từ cấp tỉnh, đến các trạm, Đồn Biên phòng và Công an cấp huyện, cấp xã. Có những chuyên án lực lượng BP chủ trì, song có những việc do lực lượng Công an tổ chức. Nhưng dù là đơn vị nào, hai bên cũng gắn bó, đảm bảo phá án thành công. Qua công tác quản lý nghiệp vụ, lực lượng BP phát hiện một đối tượng trong xã Huổi 1, huyện Sông Mã, thường xuyên vượt biên trái phép sang Lào, đến các tụ điểm phức tạp về ma túy. Lực lượng BP đã nắm các mối quan hệ của đối tượng ở Lào và phát hiện quy luật, phương thức, thủ đoạn qua lại biên giới; thời gian và đường hướng đi.

Về phía Công an, nắm các mối quan hệ và diễn biến tình hình đối tượng ở xã Huổi 1. Gần 1 tháng phối hợp, đến 17h ngày 24-8-2016, tại bản Huổi 1, hai đơn vị đã bắt Sộng A Lênh (44 tuổi) và Sòng Dua Lênh (45 tuổi) về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 4 bánh heroin và 6.000 viên ma túy tổng hợp.

Đánh án ở đường biên, ngoài địa hình rừng núi hiểm trở, đường đi lại khó khăn, điện thoại không có sóng, vắt rồi mưa rừng còn nhiều vấn đề phải đặt ra... Phá được một chuyên án, công sức của các lực lượng PCMT của BP và Công an bỏ ra chẳng kể xiết bằng lời.

Đại tá Trần Hùng hóm hỉnh nói với chúng tôi, một người lính đặc nhiệm khi ra trận mang trên người áo giáp, mũ sắt và đồ ăn, thức uống. Chiếc áo giáp loại nhẹ cũng khoảng hơn chục kilogam, còn mũ sắt cũng khoảng 4kg, chưa kể vũ khí, nếu leo trèo không cẩn thận thì nhiều đồng chí "lấy đít trượt xuống làm ba tanh". Lúc leo núi thì phải tìm các vị trí đối tượng không bao giờ đến. Trong những phút chờ đợi căng thẳng, anh em tự tạo niềm vui bằng việc bắt những con vắt rừng, cho bớt đi sự căng thẳng.

Ngay cả chuyện ăn thôi cũng phải lựa chọn, ăn loại gì mà không gây mùi... Vì thế, thức ăn của anh em trong quá trình phá án chủ yếu là lương khô và nước suối. Vất vả là thế nhưng khi triển khai quân, chỉ cần gặp một người lạ mặt thì đành phải quay về. Vì thế, sau mỗi trận đánh trở về, anh em trông ai cũng phờ phạc vì mỗi người chỉ mang 5 lít nước, đánh răng cũng phải hạn chế...

Khó khăn, vất vả là thế nhưng trong những năm qua, trên những tuyến biên giới, hai lực lượng Công an và Biên phòng vẫn âm thầm làm nhiệm vụ, góp phần mang lại sự bình yên cho các bản làng Tây Bắc.

Từ đầu năm 2016 đến nay, BĐBP Sơn La đã đấu tranh thắng lợi 17 chuyên án, bắt giữ, xử lý 103 vụ với 161 đối tượng, tang vật thu được 115 bánh heroin và 23,8kg heroin; 16,8kg ma túy tổng hợp dạng đá; gần 50 nghìn viên ma túy tổng hợp; 17,6kg thuốc phiện; 45kg quả thuốc phiện; 18 khẩu súng các loại; 20 quả lựu đạn; 80 viên đạn và nhiều tang vật có liên quan.
Xuân Mai
.
.